Theo số liệu mới công bố của Học viện Khoa học California, trong năm 2018 giới khoa học quốc đế đã chính thức xác nhận sự tồn tại của 229 loài vật mới - cả động vật lẫn thực vật. Trong đó bao gồm: 1 loài ếch, 1 loài rắn, 1 loài cá ngựa, 2 loài bọ gấu nước, 3 loài cá mập, 4 loài cá trê, 7 loài nhện, 19 loài cá, 28 loài kiến, 34 loài sên biển, và hơn 120 loài ong ký sinh (wasp - hay tò vò).
Còn với thực vật, có 7 loài hoa mới xuất hiện và 2 loài rêu. Và hãy xem, những loài vật mới được tìm ra này có gì hấp dẫn.
1. Những con ong có cách sinh sản đáng sợ
120 loài ong mới được tìm thấy đều thuộc chi Pison genus, là loài bản địa của Úc và New Guine. Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả đều có cách thức sinh sản cực kỳ đáng sợ.
Cụ thể thì chúng sẽ săn nhện. Ong cái sẽ chích nọc độc làm tê liệt nhện, lôi nạn nhân xấu số về tổ và đẻ trứng lên đó. Để rồi khi trứng nở, lũ ấu trùng ong sẽ có một cuộc "liên hoan xác thịt" theo đúng nghĩa đen trên cơ thể con nhện đó - lúc này đã bị tê liệt và không thể cục cựa.
2. Cá ngựa Nhật Bản: kích cỡ gây kinh ngạc
Khoa học gọi nó là... lợn Nhật (Japan pig). Nghe vậy thôi, thực ra nó là một loài cá ngựa lùn mới, được các thợ lặn quan sát được tại vùng biển phía Nam và Đông Nhật Bản.
Chính xác thì tên khoa học của nó là Hippocampus japapigu (tiếng Latin, có nghĩa là lợn Nhật). Lý do là vì người thợ lặn phát hiện ra nó đã quả quyết rằng trông nó giống một... con lợn biết bơi, dù có 2 chiếc cảnh mỏng sau lưng.
Điểm đặc biệt của loài vật này nằm ở kích cỡ của nó: siêu nhỏ, chỉ cỡ bằng 1 hạt đậu. Ngoài ra, màu sắc của nó rất sặc sỡ nhưng lại cực kỳ hoàn hảo để ngụy trang giữa đám rong rêu và san hô tại vùng biển phía Đông Nam Nhật Bản, nên không ai để ý đến.
3. Rắn san hô kỳ lạ tại Philippines: nổi bật nhất đảo nhờ một cái đuôi màu cam
Rắn san hô không phải loài vật hiếm tại Philippines, nhưng loài mới tìm ra vào năm 2018 thì khác. Nó màu đen sọc trắng, gần như chẳng khác gì so với những loài khác. Chỉ có điều, cái đuôi của nó lại là màu cam, trong khi đồng loại của nó màu xanh.
"Quá trình tiến hóa của loài rắn mới này vẫn còn là một ẩn số," - trích lời tiến sĩ Alan Leviton, người đã tìm ra con rắn này. "Loài rắn đuôi cam có thể phổ biến hơn chúng ta tưởng, nhưng cũng có thể là một chi mới mà khoa học chưa từng biết."
4. Những con sên biển có cách thức ngụy trang tuyệt vời
Tiến sĩ sinh học Terry Gosliner là người đã tìm ra hơn 1000 loài sên biển khác nhau, và 34 loài trong số đó đến vào năm 2018. Và biết gì không, tất cả đều có cách ngụy trang rất tuyệt vời.
4 loài trong số này có thể giả dạng tảo biển. Một số khác có thể tự giả dạng các loài vật bản địa trong khu vực, bằng cách biến đổi màu sắc trên thân. Như loài Hypselodoris iba có đến 2 màu trắng và tím xuất hiện luân phiên, chỉ để phục vụ công tác ngụy trang.
5. Cá mập mang tên... mèo
Ở độ sâu gần 1000m, các nhà khoa học đã tìm ra một loài cá mập mới, được gọi là "cá mập mèo".
Trên thực tế, loài cá mập này đã từng được bắt gặp và chụp ảnh vào năm 2017, nhưng sau này khi muốn tìm lại để xác minh thì nó đã... mất tích không dấu vết. Mãi 1 năm sau họ mới tìm ra nó.
6. Cặp gấu nước bất tử
Gấu nước - tardigrade - là những sinh vật duy nhất tiệm cận đến ngưỡng "bất tử" trên Trái đất này. Tuy nhiên, gấu nước chỉ là tên gọi chung cho một họ gồm nhiều loài khác nhau, và trong năm 2018, các nhà khoa học từ ĐH Baker (Mỹ) đã tìm ra thêm 2 loài nữa.
Cũng giống như các đồng loại, 2 loài gấu nước mới cũng có khả năng chống chịu cực kỳ tuyệt vời.
7. Những con nhện bện tơ nhanh nhất thế giới
Trong các loài nhện, họ Selenopidae là những con nhện có đôi chân se tơ nhanh nhất Trái đất. Và trong năm 2018, có thêm 3 loài nữa lọt vào nhóm này. Người tìm ra chúng là tiến sĩ Sarah Crews và các cộng sự tại ĐH Tehran.
Ngoài ra, có thêm 4 loài nhện khác được tìm thấy tại châu Phi, bởi tiến sĩ Charles Griswold.
8. Những con kiến được nhện giả danh
Trong năm 2018 có 28 loài kiến mới lọt vào từ điển bách khoa toàn thư động vật. Chúng đều được tìm thấy trên đảo Madagascar.
Một số loài mới đến từ nhóm kiến thợ mộc - các loài có hàm dưới lớn được dùng để đục khoét gỗ làm tổ. Kiến thợ mộc sống ở khắp mọi nơi trên thế giới, và theo tiến sĩ Brian Fisher, thì dường như có một số loài côn trùng - như nhện - đang tìm cách mô phỏng lại ngoại hình của loài kiến này. Nhờ thế mà chúng có thể trộn lẫn vào lũ kiến, dễ dàng đi săn và tự bảo vệ mình khỏi kẻ thù.