Nhường ghế hay không nhường ghế luôn là câu chuyện tạo ra nhiều tranh luận, ý kiến trái chiếu trên MXH mỗi khi được bàn tới. Bởi từ trước đến nay, hành động nhường ghế vẫn được coi là văn minh, lịch sự và tinh tế. Tuy nhiên, điều này thường xuất phát trên tinh thần tự nguyện, trong trường hợp người ngồi không muốn thì họ cũng không sai.
Hay như mới đây, một cô gái chia sẻ lại câu chuyện của mình trên MXH Threads đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo đó, cô gái này đã phải đặt vé máy bay trước và chọn đúng chiếc ghế gần cửa sổ mà mình mong muốn. Tuy nhiên khi lên máy bay, có 2 mẹ con bên cạnh ngỏ ý muốn đổi chỗ gần cửa sổ, cô gái từ chối và bị nhận lại câu nói: "Có cái ghế, trẻ con cũng không nhường".
Điều này khiến dân tình bùng nổ thảo luận về lòng tốt cũng như cách ứng xử của những người trong cuộc.
Theo đó, nhiều người cho rằng đi máy bay khác với xe buýt hay những phương tiện công cộng khác bởi mỗi người đều phải bỏ ra một số tiền lớn để mua vé. Chưa kể, có những người còn chịu trả thêm một phần chi phí nhất định để có được chỗ ngồi đúng như mong muốn. Ngoài ra, mỗi người đều có thể được chọn vị trí khi mua vé hoặc nhờ tiếp viên hỗ trợ. Đặc biệt là trường hợp người già, phụ nữ mang thai đều đã được ưu tiên. Do đó, việc nhường ghế không phải là điều bắt buộc khi đi máy bay.
Bên cạnh đó, không ít người phân tích cho rằng máy bay có danh tính được định sẵn theo số ghế ngồi. Trong trường hợp may bay gặp nạn, cơ quan chức năng cũng như người thân sẽ tìm nạn nhân dựa theo số ghế. Hay xa hơn có thể liên quan đến các vấn đề bảo hiểm, vì vậy không thể tự do đổi chỗ chỉ vì "muốn ngồi gần cửa sổ".
Còn trong trường hợp bài đăng của cô gái trên MXH, nhiều người cho rằng vấn đề còn nằm ở cách ứng xử của bà mẹ và cậu con trai. Theo đó, chủ nhân bài post chia sẻ bé trai khá mè nheo và có sự đòi hỏi vô lý khi nói với mẹ: "Mẹ ơi con muốn ngồi đây cơ". Ngoài ra, người mẹ này cũng trình bày rằng vì em bé say tàu bay nên muốn được ngồi gần cửa sổ. Tuy nhiên khi yêu cầu bất thành, người mẹ buông lời hằn học khiến cô gái khó chịu: "Có cái ghế, trẻ con cũng không nhường".
Phía dưới phần bình luận, cô gái này cho rằng lòng tốt là tự nguyện, không phải trách nhiệm. Cô cũng sẽ sẵn sàng đổi chỗ nếu như bé trai và mẹ có cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế và phù hợp hơn. Thay vì đòi hỏi và trách móc người khác khi không được đáp ứng.
Một số bình luận đồng quan điểm:
- "Thái độ của mẹ và bé như này thì cũng không nên nhường. Bởi trong trường hợp nếu đổi chỗ, em bé có tò mò nghịch ngợm gì trên máy bay thì khi tra ra, người chịu trách nhiệm vẫn là người có thông tin trên số ghế".
- "Đi máy bay số ghế quan trọng lắm mọi người, nên không thể cứ xin đổi là được đâu".
- "Phải chi mẹ và bé nói chuyện có thiện chí hơn thì mình nghĩ nhường trong cùng một hàng ghế, báo lại với tiếp viên cũng được. Nhưng đúng lòng tốt không phải trách nhiệm".
- "Trường hợp này đi tàu xe, đi đâu cũng gặp nhỉ. Mà máy bay rõ ràng mọi người có thể được chọn chỗ mà. Với lại nếu người khác không đồng ý thì cũng không thể nào hằn học, trách móc người ta được".
Thực tế, đây không phải câu chuyện hiếm gặp. Trước đây, MXH cũng đã xôn xao trước bài đăng của một bà mẹ "bóc phốt" người lạ vì không... nhường chỗ ngồi trên xe bus cho con mình. Người mẹ này cho biết khi gia đình lên xe thì hết chỗ nên đã nhờ một cô gái nhường chỗ cho con trai mình.
Tuy nhiên cô gái không nhường nên người mẹ đã chụp lại, đăng ảnh cô gái lên Facebook và cho rằng cô gái "trông xinh nhưng ý thức kém".
Màn "bóc phốt" này không nhận được sự hưởng ứng mà còn bị chỉ trích ngược. Nhiều người còn nghi ngại với cách ứng xử nơi cộng cộng thế này, bà mẹ không sớm thì muộn cũng dạy hư con.
Tương tự như trên, chuyện xin nhường ghế cho con ngồi gần cửa số của cô gái trên máy bay cũng vậy. Nhiều người cho rằng, đáng lẽ phụ huynh nên giải thích, chấn chỉnh ngay khi con bày tỏ mong muốn có phần quá sức: "Con muốn ngồi chỗ này cơ". Chứ không nên đồng tình, chiều chuộng theo ý của con mà thậm chí còn trách người không đổi chỗ.
Con cái như tấm gương phản chiếu của cha mẹ, việc phụ huynh xử lý thiếu nhân văn như thế vô hình trung sẽ tiêm nhiễm vào đầu con trẻ những tư duy sai trái. Việc giáo dục con cách ứng xử nơi công cộng không bao giờ là quá sớm. Ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ đã có thể đặt ra cho con những nguyên tắc để yêu cầu con áp dụng và quen dần, không nuông chiều theo con vô điều kiện.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ nên nhìn thẳng vào lỗi lầm của con, dạy con biết cách kiểm soát để tránh những hậu quả xấu. Nếu gây ra sai lầm, con cần dũng cảm đứng lên chịu trách nhiệm, thay vì bảo vệ con trước những câu nói như: "Trẻ con có biết gì đâu", "Nhìn thấy trẻ con mà cũng không nhường ghế"... Chính cha mẹ cũng cần tôn trọng người khác, phải nhắc nhở và ngăn chặn hành vi sai của con mình.