Hơn tuần nay, nghĩ đến việc tìm kiếm con gái út - Huỳnh Quý Thanh, sinh năm 1983 khó có hi vọng, bà Lý Muối nước mắt rưng rưng vì hối hận và thương con. Bà cho biết, tới đây bà phải đi du lịch Nhật Bản để có thêm dấu mộc trong cuốn hộ chiếu, giúp việc làm visa Đài Loan dễ hơn nhưng không khả quan.
Chị Yến Phương, đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), từng giúp bà rất nhiều trong việc tìm kiếm con gái mất tích từ năm 2003, không thể hỗ trợ bà chuyến đi này.
‘Cô ấy muốn bảo lãnh cho tôi làm visa sang Đài Loan tìm con mà không được. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM nói, phải có người thân là chồng, con của tôi mới được bảo lãnh. Tôi chỉ có con gái bên đó, giờ nó mất tích rồi lấy ai mà bảo lãnh’, người mẹ sinh năm 1950 nói, nước mắt rưng rưng.
Mỗi khi ngắm lại tấm hình cưới của Thanh và chồng, bà Muối lại rưng rưng. Ảnh: Tú Anh.
Năm 2000, Thanh 17 tuổi, mới học xong lớp 11. Khu vực bà Muối sống bắt đầu rộ lên phong trào lấy chồng ngoại quốc để hi vọng đổi đời.
Cũng năm đó, chồng bà Muối ngoại tình. Ông yêu cầu vợ phải bán đi căn nhà cấp bốn rộng hơn 100 m2 để chia đôi. Khi mọi thủ tục bán nhà, chia tài sản xong, bà mua căn nhà rộng chưa đến 20 m2 ở Tổ 3, ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM làm chỗ ở cho 6 mẹ con.Một ngày, bé Thanh về nói với mẹ: ‘Mẹ cho con đi lấy chồng Đài Loan. Qua bên đó, con đi làm rồi gửi tiền về cho mẹ sửa lại căn nhà’. Nghĩ nhiều nhà trong xóm có con lấy chồng Đài Loan, cuộc sống khá tốt, bà chiều theo ý con.
Thanh theo bà mối đi dự cuộc thi tuyển chọn vợ của những người đàn ông Đài Loan. Cô được người đàn ông tên Lin T. Chiang, sinh năm 1967 chọn làm vợ. Sau đó, Lin đưa bố mẹ qua nhà gái làm đám cưới. Bà Muối gọi chồng về cùng mình tiếp đãi nhà thông gia.
Ở tuổi 17, Thanh trang điểm, bới tóc cao, mặc váy cô dâu, nắm tay chú rể hơn mình 16 tuổi bước lên sân khấu làm lễ thành hôn. Nhìn con gái cười rạng rỡ bên chồng, người mẹ gốc Hoa nghĩ, rồi đây cuộc sống của Thanh sẽ sướng hơn.
Thanh gửi hình mình và hai con về cho mẹ trước khi mất tích bí ẩn. Ảnh: NVCC.
Khi con gái đầu lòng được hơn một tuổi, Thanh cùng chồng con về Việt Nam thăm gia đình. ‘Lúc đó, con bé đang mang thai đứa con thứ hai. Vợ chồng con ở với tôi hơn một tháng mới đi’, bà Muối nghẹn ngào kể.
Tháng 7/2003, Thanh sinh con thứ hai được mấy tháng. Thường, mỗi tháng cô gọi về, hoặc nhắn tin trên mạng xã hội cho mẹ hai lần. Tháng đó, không thấy con liên lạc, bà Muối lo lắng.
‘Gọi vào số cá nhân con không được, tôi nhờ đứa cháu ra tiệm internet nhắn tin cho con. Con bé không đọc, không trả lời. Tôi nhắn tin: ‘Nếu con đọc được thì gọi lại cho mẹ’, rồi về nhà chờ, bà Muối nhớ lại lúc bắt đầu mất liên lạc với con gái.
Sợ con có chuyện gì, bà gọi vào số điện thoại nhà thông gia hỏi thăm. Con rể bà nghe máy. Lin nói với mẹ vợ bằng tiếng mẹ đẻ: ‘Cô ta bỏ chồng con đi rồi’. Bà Muối đáp lại bằng tiếng Hoa: ‘Vợ con mới sinh con được mấy tháng, sao lại bỏ đi được. Con có nhầm không’. Lin hét lên: ‘Nó đi theo trai rồi’ và cúp máy. Bà Muối hụt hẫng, bủn rủn chân tay.
Một lần nữa, bà lại nhờ cháu ra tiệm internet gần nhà nhắn tin, gọi video cho con gái, nhưng không có người trả lời. Gọi cho nhà thông gia lần nữa, cũng không ai nghe máy. ‘Con bé mới sinh con mấy tháng, đang cho con bú nên không thể đi theo trai được. Nếu con có làm chuyện đó thì phải gọi về cho mẹ. Chắc bên đó có chuyện gì với con tôi rồi’, giọng bà Muối như nghẹn đi.
Bà Muối không tin Thanh đi theo trai như con rể nói nên quyết tâm tìm kiếm. ‘Con bé chết thì phải có giấy báo tử’, người mẹ dứt khoát.
Năm 2015, nghe nhiều người tìm được người thân thông qua mạng xã hội, bà Muối cũng lập một trang facebook, mua chiếc iPad, nhờ cháu chỉ cách sử dụng để có thể đăng thông tin tìm con, nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ. Ảnh: Tú Anh. |
Những năm đầu, bà liên hệ khắp các cơ quan chức năng, gặp những người đang sinh sống ở Đài Loan về Việt Nam, bà đều đưa hình ảnh của con gái và hai cháu ngoại, địa chỉ gia đình nhà con rể ở để nhờ họ tìm giúp. Bà cũng tham gia các hội thảo liên quan đến việc người Việt lấy chồng nước ngoài và hỏi xem ai đó có biết Thanh không. Nhưng đến nay, mọi tin tức về Thanh vẫn còn là bí ẩn.
Năm 2015, bà quay một clip, nội dung tìm con gái đăng lên tài khoản Facebook có tên Lý Muối nhờ cộng đồng mạng. Xem được đoạn clip này, chị Yến Phương lên tiếng giúp. Chị đến công an quận Bản Kiều, thành phố Đài Bắc, Đài Loan báo tin Thanh mất tích giúp bà Muối.
Phía công an cho biết đã nhận được tin báo của bà Muối do chị Yến Phương báo giúp, nhưng bà phải đến trụ sở, trực tiếp làm việc mới được. Trường hợp nhờ người khác báo án giúp thì phải có cơ quan tổ chức nào đó đảm bảo mới được xem xét.
‘Họ nói tôi sang bên đó, nhưng tôi mới làm được hộ chiếu. Còn visa, tôi đăng ký làm mà chưa được’ - bà Muối nói, mắt nhìn vào tấm hình cưới của Thanh và Lin mà tim như ai xát muối.
Bà Muối cho biết, bà muốn sang Đài Loan, đến nhà con rể hỏi cho rõ chuyện con gái mất tích và nhờ các cơ quan chức năng bên đó tìm con nhưng đến nay vẫn chưa làm được visa. Ảnh: Tú Anh. |
Mấy năm qua, nhờ giúp đỡ của chị Yến Phương, bà Muối đã có 6 dấu mộc trong cuốn hộ chiếu của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bây giờ, bà phải đi đến nước phát triển để xin thêm dấu mộc. ‘Cô Yến Phương muốn tài trợ cho tôi đi Nhật Bản, nhưng chi phí qua bên đó cao, cô ấy không đủ khả năng’, giọng người mẹ 5 con nghẹn ngào.
Chị Yến Phương cho biết, khi đến nhà Lin hỏi tin của Thanh thì không được vào. Hiện Lin đã lấy vợ khác. 'Tôi đến nhà, họ không tiếp và dọa, nếu tôi cố tình tiếp cận, họ sẽ kiện tôi tội xâm nhập chỗ ở bất hợp pháp.
Thông qua kẽ hở ngoài cổng, tôi nhìn thấy hai con Thanh đang vui đùa bên nhau. Nhìn một lúc tôi phải đi ngay. Ở Đài Loan, nếu đứng trước nhà người ta lâu mà không phải người thân thì sẽ phạm tội xâm nhập chỗ ở người khác bất hợp pháp, chị Yến Phương nói. Chị cũng cho biết, nếu bà Muối làm được visa Đài Loan, khi qua bên đó, chị sẽ lo cho ăn ở, chở bà đi tìm con gái nhưng hiện tại vẫn bế tắc.
Trả lời câu hỏi, vì sao không làm visa du lịch để có thể đi Đài Loan, bà Muối cho biết, đi theo kiểu du lịch thì phải đi theo đoàn, theo đúng lịch trình và đi trong thời gian ngắn. Bà muốn đến nhà con rể tìm hiểu rõ chuyện của con gái, đến công an báo án và hợp tác với họ tìm con.
'Tôi không trách con rể và nhà thông gia đâu. Tôi chỉ muốn họ nói nguyên nhân vì sao con tôi lại mất tích bí ẩn như vậy. Nhưng mười mấy năm qua, họ im lặng, tôi liên lạc không được', giọng người mẹ ấy nấc nghẹn.
Bà Muối cho biết, hiện hai con chị Thanh đã lớn. Bé lớn 16 tuổi, bé nhỏ hơn 14 tuổi. Bà mong các bé biết nhà ngoại mình đang ở Việt Nam để tìm về. ‘Lúc mẹ mất tích, các cháu còn nhỏ. Giờ không biết hai cháu có nhớ gì về mẹ không’, giọng bà Muối như lạc đi.
Chứng kiến câu chuyện buồn của bà Muối, bà Nguyễn Thị Minh Lâm, trưởng ấp Mỹ Hòa 3 cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã giúp đỡ bà bằng cách xác nhận các giấy tờ để bà đi tìm con được thuận lợi nhưng suốt 16 năm qua không có kết quả.
Bà Lâm cũng cho biết, ở ấp Mỹ Hòa 3 cũng có nhiều cô gái đi lấy chồng Đài Loan cùng thời gian với con gái bà Muối, nhưng ai cũng thuận lợi. 'Tôi mong tới đây, phép màu sẽ đến với mẹ con cô ấy', bà Lâm nói.