Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền?

Bài Viết: Minh Đức; Thiết kế: Trường Dương, Theo Helino 00:00 19/06/2019

Để đi tìm một tiếng nói đồng lòng trong hôn nhân, nhiều người viện vào những câu chuyện nên lấy con gái thành thị cho xinh đẹp ổn định, hay lấy trai ở tỉnh vì chăm chỉ, cần cù. Vẫn nghĩ rằng tư tưởng lạc hậu như vậy đã không còn trong xã hội hiện đại nhưng hóa ra, nó vẫn âm ỉ tồn tại.

Chúng ta chọn một người bạn đời đồng hành với mình qua những tiêu chuẩn gì? Đầu tiên phải là yêu đã. Chúng ta yêu thương và tôn trọng nhau. Tiếp theo là tính cách, ý chí, quan điểm sống, tài năng... nhưng tuyệt nhiên không nên là xuất thân của họ. Bởi một người xuất thân từ thành thị hay nông thôn, từ Trung - Nam hay Bắc không quyết định được họ tốt hay xấu. 

Vậy mà ở tuổi sắp kết hôn, tôi được “các cụ” nhà mình kể những câu chuyện như lấy từ khuôn đúc ở đâu ra:

“Lấy mấy đứa con gái thành phố thì cả đời không biết cơm nước gì đâu, tính tình lại khó bảo nữa, bỏ đi con ơi”.

“Con trai ở quê á? Úi giời thế lại ở nhà vợ à?”.

“Mẹ thấy anh này cũng được, người ở quê chắc cũng hiền lành, thật thà, chất phác”.

Những đoạn hội thoại vừa kiếm chuyện làm quà trong mỗi bữa tối mà cũng để "nhắc nhở" anh em chúng tôi. Chuyện của chị em họ, của cô hàng xóm mới lấy chồng hay anh nào đó kiếm một cô vợ xa lắc xa lơ. Ở cái xóm của dân ngụ cư này, những người tứ xứ về đây kết đôi thành lứa, mấy ai là người gốc Hà Đông. Bức tranh với hai mảng màu nông thôn - thành thị cứ hiển hiện trước mắt mỗi ngày; ở trong đó là những gương mặt nông thôn - thành thị khác hẳn với điều người ta thường nói.

Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền? - Ảnh 1.

Vẫn nghĩ rằng tư tưởng kiểu như vậy đã không còn trong xã hội hiện đại nhưng hóa ra, người lớn tuổi có suy nghĩ như vậy, đến cả người trẻ tuổi cũng không thoát khỏi lối áp đặt người thành thị hay nông thôn mỗi khi kết hôn, để rồi khi những câu chuyện trớ trêu xảy ra, ai cũng loanh quanh không biết trách ai: Tại duyên không đủ hay vì định kiến quá nhiều?

Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền? - Ảnh 2.

Nông thôn - thành thị, hai khái niệm trừu tượng để chỉ một địa danh, ấy vậy mà người ta còn khái quát lên thành tính cách của một cộng đồng. Tôi tự hỏi hàng triệu người ở nông thôn và từng đó con người ở thành thị, họ có chung những đặc điểm chúng ta vẫn gán cho họ không?

Tôi cứ cho rằng mình ở “thành thị” đi - như cách các bà mẹ, các cô hàng xóm nhắc nhở đám thanh niên đến tuổi lấy vợ về “vị thế” của mình. Khi anh hàng xóm lấy vợ, bố mẹ anh cũng khá vui vì con trai cưới được một cô dâu người ngoại tỉnh có công việc đàng hoàng, rồi nghĩ rằng gái ở quê thì chắc sẽ chăm chỉ, tháo vát lắm. Mọi chuyện cứ suôn sẻ thế thì sẽ không có gì để nói cho đến khi lấy được một thời gian, chị vợ lười làm việc nhà đi hẳn, không bao giờ động vào bát đũa, việc làm ở công ty muộn đến khi về nhà thì quá mệt không muốn làm gì. Không biết đã có bao cuộc cãi vã giữa hai bác hàng xóm với cô con dâu. Mẹ tôi thấy thế cũng càm ràm, “lấy vợ nông thôn mà như vậy”.

Họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào một người con dâu đáng nhẽ ra phải mang tính cách “vùng miền” để rồi thất vọng. Ai là người sai trong câu chuyện cãi vã như vậy? Tất cả chỉ do một cô dâu hơi lười và hai người đặt quá nhiều áp lực lên con dâu một cách vô lý. “Cô gái nông thôn” hay “chàng trai thành thị”; nông thôn hay thành thị không phải tính từ để miêu tả tính cách một con người. Những sự áp đặt, gắn nhãn dường như là không bao giờ hợp lý; hơn 90 triệu người trên mảnh đất chữ S này, nếu đô thị và nông thôn phân đôi, tôi đoán cũng có ít nhất 45 triệu tính cách khác biệt không trộn lẫn vào nhau.

Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền? - Ảnh 3.

Câu chuyện “thành thị - nông thôn” trở thành một thứ đề tài để người ta bàn tán, thậm chí là miệt thị. Từ bao giờ, “thành thị” và “nông thôn” khi gắn với một số con người lại trở thành điều tiêu cực: những chàng trai nông thôn bị nhiều chị em phụ nữ gắn cho cái tính “gia trưởng, cổ hủ, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho gia đình đằng nội” còn “phụ nữ thành thị chắc ăn chơi lắm, không biết vun vén cho gia đình đâu”. Lẫn trong thái độ dè bỉu, chê bôi là sự khinh thường đến rẻ rúng những con người sinh ra ở một mảnh đất nào đó.

Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền? - Ảnh 4.

Kỳ thực, tôi từng nghĩ thành thị là điều gì đó tốt đẹp và nông thôn luôn đi kèm với sự bỉ bai nhưng không phải, dù bạn có ở thành thị hay nông thôn, người ta cũng tìm cách để chê bạn được. Không có quá nhiều điều xấu bị gắn nhãn thành thị hay nông thôn đến vậy, khi không thích một người nào đó, chúng ta sẽ tự gán cho tính cách ấy chiếc mác nơi họ sinh ra: thằng nhà quê, con bé nhà giàu thành phố đua đòi.

Bạn không thể ép một cô gái Hà Thành phải giỏi nữ công gia chánh, phải như bước ra từ những tác phẩm văn học năm 45 hay nghĩ rằng bất cứ phụ nữ nông thôn nào cũng biết vun vén cho gia đình, cáng đáng việc nhà việc chợ đâu ra đấy. Chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều từ nơi mình sinh ra, nhưng không phải tất cả tính cách đều được đặc trưng hóa chỉ bởi một từ: thành thị hay nông thôn. Và chắc chắn, nếu ai đó kể tôi nghe một câu chuyện rằng “chị này ở thành thị nhưng hiền lành lắm, không ăn chơi đua đòi” - tôi đơn giản chỉ nghĩ rằng vì đó là tính cách và con người chị ấy, không cần kể thêm rằng “dù chị ở thành thị”.

Những tính cách đại diện cho một vùng đất như vậy đều bắt nguồn từ hàng chục năm về trước, thời đại của bố mẹ hay ông bà chúng ta. Đôi khi người ta quên rằng, thời vận đã thay đổi, cuộc sống và khoảng cách giữa thành thị - nông thôn đã bị xóa mờ đi rất nhiều. Chúng ta có Internet kết nối khắp mọi nơi, có sóng điện thoại phủ toàn quốc; sự giao thoa và chuyển dịch thành thị và nông thôn dường như lớn hơn bao giờ hết. Tôi đoán nhiều người hiểu được điều ấy, chỉ là tặc lưỡi cho qua để “cho chắc” - không ai dám đánh cược tình yêu hay hôn nhân của cuộc đời mình cho những điều không chắc chắn, nhất là khi vấp phải nhiều phản đối từ gia đình.

Vài cô bạn tôi sợ phải lấy chồng nông thôn - họ không muốn phải mó vào việc đồng áng hay nghĩ rằng ở quê vẫn đun bếp củi, đi vệ sinh ngoài bờ ao. Bà mẹ chồng ở quê luôn cổ hủ và quê kệch, còn bố chồng lúc nào cũng lụ khụ - một cô thẳng thắn tuyên bố sẽ không kết hôn với anh trai quê nào cả. Nhưng cuộc đời đẩy đưa người ta tới nhiều cái kết không ngờ, để người ta nhận ra cuộc sống không phải lúc nào cũng trắng - đen, nông thôn - thành thị rạch ròi vậy.

Lấy chồng thành thị thế này, vợ “nhà quê” thế kia: Sao nỡ đóng khung hôn nhân với chuẩn mực vùng miền? - Ảnh 5.

Ngày đầu tiên được giới thiệu một anh trai “quê”, cô bạn thân tôi chỉ gặp mặt cho có, đỡ mất mặt người giới thiệu. Bẵng đi những lời chê bôi ban đầu khi mới gặp, họ cũng đã bên nhau được hai năm. Với cô, anh vẫn là một chàng trai “quê” nhưng ở anh có những điều cô tìm kiếm: sự nỗ lực - không phải để vượt lên cuộc sống nghèo khó, mà chỉ để vượt lên chính bản thân, cách nhìn tích cực cũng như tinh thần lạc quan. Chưa bao giờ anh nghĩ sẽ phải tìm một người chấp nhận tính cách “quê” của mình, anh chỉ muốn một người nhìn thấy ở anh sự hòa hợp.

“Tao không yêu một anh trai quê. Tao yêu một anh trai tử tế và anh sinh ra ở một nơi cũng tuyệt vời”. Kể từ đó, không bao giờ cô nói về những người nhà quê như cách cô thường nói.

Yêu một chàng trai thành phố hay kết hôn với người phụ nữ nông thôn không bao giờ là câu chuyện của sự “chấp nhận”. “Em chấp nhận anh dù biết anh ở quê” - có nhiều người coi đó là sự bố thí trong tình yêu và hôn nhân khi đáng nhẽ ra, người ta cần nhìn thấy ở nhau những điều tích cực, không chấp nhận, “đành vậy” hay “mặc dù” gì cả. Bố tôi là một người ở quê còn mẹ là một cô gái ở thành phố, mẹ vẫn luôn nói rằng “tao biết bố mày ở quê mà vẫn lấy, chứ nếu nghe lời ông bà thì cuộc sống đã khác rồi”. Nói đến vậy, tôi hiểu vì sao bố mẹ chưa bao giờ thực sự hạnh phúc, như nhiều mối tình dở dang thời hiện đại chỉ vì định kiến nông thôn thành thị.

Không có một chuẩn mực vùng miền nào phù hợp cho mỗi người, chuyện tình yêu hay hôn nhân. Loanh quanh trong những câu chuyện tính cách, đôi khi tôi vẫn tự hỏi mình là ai nếu được đặt trong những hoàn cảnh khác biệt; một “tôi” thành thị và “tôi” nông thôn có khác gì nhau không? Tôi vẫn thấy một cô bạn nông thôn cá tính, một anh trai thành phố hiền lành không chơi bời, một anh bạn ở quê quậy nghịch và đứa em là con gái Hà Nội chuẩn nhưng chẳng biết nấu nướng gì phức tạp.

Không phải mọi sự tuyệt vời đều được khởi tạo từ những điều khác biệt sao? Và chúng ta không muốn một cuộc hôn nhân như hàng triệu mối tình khác, chắc chắn là vậy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày