Cô gái mất việc sau khi tư vấn thời trang cho "sếp bà" và nghệ thuật góp ý nơi công sở không phải ai cũng biết

Louis, Theo Nhịp Sống Việt 12:03 29/06/2020

Góp ý không chỉ đơn giản là việc bày tỏ hết nỗi lòng một cách chân thành, hơn hết nó còn là một nghệ thuật quy tụ nhiều yếu tố mà dân công sở cần phải học hỏi từng ngày.

Tiên Võ (26 tuổi) hiện đang là nhân viên của một công ty quảng cáo. Vốn tính chân thành nhưng có phần nhanh nhảu, ruột để ngoài da nên Tiên rất thường xuyên "chia sẻ" những lời thật lòng với đồng nghiệp.

Người khoan dung, hiểu rõ bản chất của cô gái trẻ thì cảm thấy bình thường, chẳng mấy bận tâm và trong một vài trường hợp còn cảm thấy biết ơn khi nghe được lời thật lòng. Người nhạy cảm, hay suy nghĩ lại thường cảm thấy khó chịu với sự thiếu tinh tế của Tiên.

Cô gái mất việc sau khi tư vấn thời trang cho sếp bà và nghệ thuật góp ý nơi công sở không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

Đơn cử, có một trường hợp khiến Tiên nhớ mãi và cũng là dấu mốc khiến cô nàng phải "uốn lưỡi bảy lần" trước khi mở miệng.

Chuyện là, văn phòng có một chị nhân viên mới, cũng đã trung tuổi, vào làm việc ở vị trí quản lý cấp trung. Ngặt một nỗi, mặc dù tuổi đã ngấp nghé tứ tuần, chị vẫn chuộng phong cách thời trang trang trẻ, màu sắc sặc sỡ, nổi bật giữa đám đông.

Mà phụ nữ ở cái tuổi của chị, mấy ai còn gìn giữ được vóc dáng chuẩn chỉnh như ngày còn son sắc. Ba vòng ngấn mỡ hòa lẫn vào nhau khiến những bộ váy bó sát chị chọn không những không tôn dáng mà còn làm hại khổ chủ.

Cô gái mất việc sau khi tư vấn thời trang cho sếp bà và nghệ thuật góp ý nơi công sở không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

Vốn muốn tốt cho sếp, nghĩ sao nói nấy, Tiên không ngần ngại đến gần thủ thỉ: "Chị ơi, đây cũng chỉ là những lời thật lòng của em thôi ạ! Em không có ý chê gì chị đâu, nhưng thật sự là cách chị ăn mặc có vấn đề quá. Chị đừng mặc váy bó với màu sặc sỡ nữa. 40 rồi thì người ta chọn màu nhu cho nhẹ nhàng, trưởng thành chị ạ. Chị Phương, chị Lan, chị Hường trong công ty mình cũng đồng ý với em như thế".

Chưa dứt câu, mắt sếp đã trợn tròng lườm Tiên sắc lẻm. Kết quả, công việc của Tiên dần trở nên khó khăn hơn và cuối cùng cô đã phải chủ động xin nghỉ việc. Số phận của những chị Phương, chị Lan, chị Hường cũng không khá khẩm hơn.

Qua đó mới thấy, lời ăn tiếng nói đặc biệt quan trọng đối với dân công sở, đặc biệt là câu chuyện bình luận, góp ý. Vậy đâu là cách để có thể góp ý một cách khéo léo, tinh tế nhưng vẫn giữ được sự chân thành, tránh thảo mai? Dưới đây là những bước chị em công sở có thể nhanh chóng thực hiện:

Cô gái mất việc sau khi tư vấn thời trang cho sếp bà và nghệ thuật góp ý nơi công sở không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

1. Trước khi góp ý

Trước hết, chúng ta cần kiểm tra lại những khẳng định của bản thân để tránh mắc bẫy thiên kiến chủ quan.Đầu tiên, chúng ta cần xác minh lại xem liệu trang phục của đối phương có đang thực sự gặp vấn đề hay không?

Nếu việc góp ý là thật sự cần thiết, đừng ngần ngại mà hãy lên tiếng để xây dựng. Bên cạnh đó, người Việt thường có câu, "lời ngọt lọt tận xương", nên lời góp ý cũng cần tinh tế, ý nhị đừng quá thẳng thắn tránh tình trạng khiến đối phương tự ái, muộn phiền.

Bên cạnh đó, đừng quên chuẩn bị thật kỹ nội dung góp ý để tránh lúng túng, ngập ngừng khiến những cảm xúc tiêu cực từ phía đối phương có thể nảy sinh. Nội dung góp ý cần ngắn gọn, khúc chiết, đi đúng trọng tâm, tránh lan man, câu nệ hoặc thảo mai một cách quá đáng.

Cô gái mất việc sau khi tư vấn thời trang cho sếp bà và nghệ thuật góp ý nơi công sở không phải ai cũng biết - Ảnh 4.

2. Trong khi góp ý

Phong cách thời trang là một phạm trù thuộc về cá nhân, cho nên nếu muốn đóng góp cho sếp hay đồng nghiệp về vấn đề này, chúng ta nên chọn một nơi kín đáo, tốt nhất chỉ có hai người.

Bên cạnh đó, hãy khách quan và minh bạch nhất có thể, đừng vì ngần ngại mà chọn cách nói vòng vo. Hãy dùng ngôn ngữ lịch sự để thẳng thắn trình bày thông điệp chúng ta muốn truyền tải, và những góp ý cần có tính xây dựng chứ không thuần về chỉ trích sẽ hữu ích hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên chú ý đến hoàn cảnh của đối phương bởi thật sự chẳng ai biết lý do đằng sau những "bất ổn" trong việc chọn trang phục của họ là gì. Hơn hết, hãy nêu cao tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đặc biệt là đừng quan trọng hóa vấn đề.