Lạm phát lối sống đề cập đến việc bạn gia tăng mức chi tiêu khi thu nhập cá nhân tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ phải sống bằng đồng lương hàng tháng, mà không thể tạo ra được một khoản ngân sách tiết kiệm, hoặc dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Lạm phát lối sống thường xảy ra với người trẻ khi vừa chuyển từ một sinh viên sang đi làm toàn thời gian hoặc khi vừa được tăng lương. Câu chuyện của cô nàng dưới đây chính là ví dụ.
Mới đây, trong một hội nhóm về tài chính cá nhân, một bài đăng về chi tiêu của cô nàng lương 13 triệu/tháng, mới đi làm được 2 năm khiến nhiều người suy ngẫm.
Cô nàng chia sẻ, khi còn là sinh viên, cô chỉ có 5 triệu/tháng nhưng tiêu vẫn có dư. Nhưng giờ kiếm được mức lương 13 triệu thì cuối tháng cô nàng vẫn không tiết kiệm được đồng nào. "Giờ mà có việc gì phát sinh, cần chi tiền nhiều 1 xíu là coi như mình không xoay xở được luôn", cô nàng tâm sự.
Mức chi tiêu trung bình 1 tháng của cô nàng này như sau:
- Tiền thuê nhà, điện nước: 4.5 triệu. Cô nàng chia sẻ ngoài thời gian đi làm, cô còn học tiếng Anh và kỹ năng khác nên muốn ở riêng cho thoải mái.
- Tiền ăn uống: 2 triệu.
- Tiền mua sắm: 700 ngàn - 1 triệu đồng. Cô nàng chia sẽ bản thân ít khi đi mua sắm, chỉ mua quần áo cơ bản nên khoản này chi tiêu khá tiết kiệm.
- Tiền cưới hỏi sinh nhật, đi ăn với bạn bè: 1,5 triệu đồng.
- Tiền xăng xe điện thoại: 500 ngàn đồng.
- Tiền gửi về cho ba mẹ: 1 triệu đồng.
Như vậy, chi phí cố định 1 tháng của cô nàng là 11,5 triệu đồng. Nếu tháng nào mà có chi phí phát sinh thì cô nàng không tiết kiệm được đồng nào, thậm chí còn bị âm tiền.
Cô nàng chia sẻ, bản thân rất lo lắng vì đi làm được nhiều năm nhưng không tiết kiệm được nhiều tiền. Cũng vì thế, cô muốn chia sẻ mức chi tiêu lên mạng xã hội để nhờ mọi người tư vấn xem có cách nào vén khéo chi tiêu được không.
Sau khi được đăng tải, bài viết đã nhận được nhiều chú ý và thu hút nhiều quan tâm từ cư dân mạng. Nhiều người đã chỉ ra có một khoản chi mà cô nàng đang tiêu quá nhiều so với mức thu nhập, là tiền thuê nhà (4,5 triệu), tức là hơn 30% thu nhập. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng với mức lương chưa cao của cô nàng thì muốn tiết kiệm được nhiều hơn mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sống thì phải cố gắng gia tăng thêm thu nhập.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Nhà mình hai vợ chồng có tổng thu nhập trung bình 60triệu/tháng, chưa tính công việc tay trái mà vẫn ở trọ 3.3 triệu/tháng gồm điện nước ở Hồ Chí Minh. Bạn có thể tìm những căn cho thuê giá 2 triệu, 2,5 triệu, diện tích nhỏ thôi. Sau đó, bạn decor lại phòng cho xinh với sạch là ở một mình vô tư. Nhìn tiền thuê phòng của bạn mà mình choáng thật sự luôn. Bạn nên cắt giảm bớt tiền phòng, mỗi tháng thuê nhà bạn thấy tiền ít nhưng cộng lại cả năm là con số lớn".
- "Lương 13 triệu mà ở phòng 4.5 triệu. Giờ Hà Nội thiếu gì trọ rẻ mà vẫn ổn áp đâu. Quan trọng là đối với bạn, căn phòng thế nào mới là đủ, để gọi là sạch sẽ hay ổn áp để ở một mình".
- Cố gắng ở ghép 2 người đi ạ. Sau vài lần chọn người ở ghép lầm thì bạn cũng sẽ tìm được người ưng ý thôi nè. Giảm được 1 nửa tiền trọ thì sẽ tiết kiệm hơn xíu á. Chứ giờ tiền trọ của bạn cao quá, đi làm suốt, không ở nhà mà tiền nhà bằng 1/3 thu nhập thì hơi phí á".
- "Phòng ở quá đắt. Mới cách đây 2 năm, mình với bạn vẫn đang ở ghép 1 phòng trong 1 chung cư 3 ngủ giá 3 triệu/tháng/phòng; chia đầu người là 1,5 triệu. Phòng đẹp sạch sẽ có thang máy. Mà mình cũng ở Hà Nội như bạn luôn. Lương thấp chịu khó ở chỗ rẻ hoặc ở ghép chứ".
- "Công thức đơn giản: Lương chưa cao mà muốn tiết kiệm thì không thể đi cùng thuê nhà ở thoải mái. Nhà chỉ nên chiếm 20% tổng thu nhập thôi".
- "Cách để vén khéo là bạn hãy tạo thêm một nguồn thu nhập khác ngoài mức thu nhập cố định hiện tại".
- "Thuê nhà sang dữ vậy em. Hồi anh chưa mua được nhà, anh đi làm lương 15 triệu mà ở phòng có 1,8 triệu thôi. Phòng ngay trung tâm, gần chỗ làm nhưng nhỏ xíu chỉ có 12m2, chung chủ, khá bất tiện nhưng rẻ. Em chỉ nên thuê phòng ở mức 10-15% thu nhập, cùng lắm không quá 20% thu nhập của mình thôi e. Như thu nhập của e thì thuê nhà cỡ 2-2,5 triệu là vừa, thêm điện nước tổng 3 triệu trở xuống là tốt nhất".
- "Nếu bạn không chuyển được nhà thì hãy tăng lương. Chứ mình nghĩ với lối sống của bạn thì khó tiết kiệm rồi, vậy mình cố gắng kiếm thêm nhé".
Với những người trẻ sống xa quê, chi phí dành cho nhà ở là điều mà họ cần quan tâm, đặc biệt là ở thời điểm giá bất động sản tăng cao. Theo Value Penguin, các chuyên gia tài chính khuyến cáo chỉ nên dành ít hơn 30-40% tổng thu nhập hàng tháng cho chi phí nhà ở. Con số này bao gồm tất cả khoản tiền dành cho bất động sản như chi phí thuê nhà, điện nước, bảo trì, sửa chữa,... Giới hạn này nhằm đảm bảo bạn còn tiền dành cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày khác như thực phẩm, đi lại, y tế...
Ví dụ, nếu tổng thu nhập của của bạn là 13 triệu/tháng thì số tiền dành cho nhà ở không nên vượt quá 3,9 - 5,2 triệu đồng.
Mặc dù bất động sản tại thành phố lớn khá đắt đỏ nhưng có nhiều cách giữ cho chi phí của bạn ở mức có thể quản lý được. Chẳng hạn bạn nên sống ở những khu vực không đắt đỏ, hoặc thuê căn nhà nhỏ hơn, xấu hơn. Bên cạnh đó, chia sẻ không gian sống với người khác cũng là cách phổ biến để tiết kiệm tiền đi thuê nhà.