Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: "Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình"

Minh Nhân - Ảnh: Kiengcan, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/10/2018

Người ta vẫn hay bảo, phụ nữ đẹp nhất khi họ trang điểm, mặc bộ trang phục yêu thích và sẽ tự tin hơn nếu nhận được nhiều lời khen. Phong đẹp lắm. Nhất là khi cô bận áo dài, đội nón lá. Một nét đẹp dịu dàng, nền nã đến lạ.

Phong không điệu đà, không bắt chước. Phong xinh đẹp, hồn hậu và rạng rỡ, như thể phần con gái dồn nén sẵn, chỉ chờ khoác lên mình tà áo dài, để mái tóc dài thì đã là thiếu nữ rồi. Hành trình sinh tử 5 năm trước giúp Phong tìm ra đúng bản dạng giới tính của mình. Là một cuộc đánh đổi, mà như Phong nói, không thể quay đầu lại. 

Sau tất cả, Phong toại nguyện. 

Người ta vẫn hay bảo, phụ nữ đẹp nhất khi họ trang điểm, mặc bộ trang phục yêu thích và sẽ tự tin hơn nếu nhận được nhiều lời khen. Phong đẹp lắm. Nhất là khi cô bận áo dài, đội nón lá. Một nét đẹp dịu dàng, nền nã đến lạ. 

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 1.

Lê Ánh Phong xinh đẹp, dịu dàng trong tà áo dài truyền thống.

"Em đã tìm thấy em, tìm thấy người phụ nữ thực thụ"

"Finding Phong" vốn là cuốn nhật ký có lẽ là trần trụi nhất về cuộc đời Phong cho đến tận bây giờ. Có nước mắt và cả niềm hân hoan. Có nỗi đau hoà lẫn cả hạnh phúc. Hơn hết thảy, dù "Finding Phong" làm thay đổi ít nhiều tới cuộc sống của cô, nhưng Phong vẫn ở đây, đi và về một mình, vẫn sống một cuộc sống giản đơn của người con miền Trung xa quê hơn 11 năm.

Ngày hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, Phong được mặc áo dài thướt tha xuống phố. Cô bới tóc cổ điển, trang điểm nhẹ nhàng. Phong được tự do làm những điều mình thích, tung tăng, cười nói, trầm tư, sâu lắng, dung dị và bình yên. Mọi người khen Phong xinh, duyên dáng và nhẹ nhàng. Bởi chưa bao giờ cô thực sự được khoác lên mình tà áo dài.

Ánh Phong: Cô gái chuyển giới thướt tha trong bộ ảnh với áo dài - ảnh 2

Phong đẹp - một nét đẹp nền nã đến lạ.

Phong kể, năm cấp 3 trường học yêu cầu nữ sinh phải mặc áo dài mỗi khi tới trường. Phong khi ấy là một nam sinh, chỉ biết nhìn lũ bạn mà ao ước. Sau khi phẫu thuật chuyển giới, Phong hạnh phúc vận bộ áo dài trắng tinh khôi. Lê Ánh Phong của năm 24 tuổi, đã là một cô gái thực thụ, nhưng nhiều người chưa chấp nhận sự thật. 

Phong nói, lần đó coi như không tính. Thế là, chưa bao giờ Phong được mặc áo dài. 

"Khi thấy mọi người dừng lại đứng nhìn, khen ngợi vẻ đẹp của mình, du khách thì xin chụp ảnh khi mình đang mặc áo dài. Không còn những cái nhìn kỳ thị ám ảnh quen thuộc như trước đây, bởi giờ đây mình đã là một cô gái Việt. Mình thấy tự tin hơn bao giờ hết".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 3.

Bộ ảnh "ÁNH PHONG" - tên của Phong bây giờ - được nhiếp ảnh gia Kiếng Cận thực hiện sau những thước phim chân thực và sống động về Phong. Sự chân thành, duyên dáng và nét đẹp nữ tính tự nhiên của Phong được khắc hoạ rõ nét qua từng khung hình. Xem xong bộ ảnh, bất kỳ ai cũng phải thốt lên, Phong đẹp quá. Khoác lên mình tà áo dài truyền thống đi giữa lòng phố cổ - một Hà Nội ân tình đối với Phong.

Ánh Phong của hiện tại, sau bao khó khăn thử thách để tìm lại chính mình, là một cô gái nhẹ nhàng và xinh đẹp. Nhiều người hay đùa, rằng Phong phụ nữ hơn cả phụ nữ! Mọi thứ tưởng chừng sụp đổ dưới chân mình, cho đến khi Phong tự tin bước xuống phố hôm nay.

"Mình đã tìm thấy mình, tìm thấy người phụ nữ thực thụ, đẹp hơn và yêu cuộc sống của mình hơn. Giờ có qua bao giông bão, mình cũng phải cố gắng làm đẹp tâm hồn, hình thức để tự tưới mát cho chính mình, cứu mình ra khỏi những u ám. Mình phải là một Ánh Phong sống không chỉ cho riêng bản thân nữa mà phải sống cho gia đình, bạn bè, người thân và cộng đồng…".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 4.

Khi lang thang chụp ảnh ở phố cổ, Phong có nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên. Cuộc sống tha hương của Phong khốn khổ đủ bề, nhưng những điều này Phong không muốn kể trong phim. Vì cô biết, còn rất nhiều người ngoài kia khó khăn hơn mình. 

Cách đây mấy năm, mỗi dịp cuối thu, Phong thường xin đồ cũ của bạn bè rồi mang về giặt sạch sẽ. Hôm sau, cô mang tặng những người vô gia cư, cơ nhỡ. Có hôm trong túi chỉ còn đúng 10.000 đồng, Phong cũng dành tặng 2 bà cháu ngồi góc đường. Phong bảo, mình còn may mắn hơn rất nhiều người khi còn có cái để cho đi. Giờ đây, Phong nhận lại quá nhiều, mà bản thân cô cũng không ngờ tới. Là tình cảm, là sự yêu mến, sẻ chia của mọi người. 

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 5.

"Dù đã huỷ hoại hình hài ba má trao cho, nhưng xin giữ lại cái tên"

Một ngày đầu đông Hà Nội, tôi gọi điện hẹn Phong. Nhưng Phong ốm, mũi sụt sịt, giọng hơi ồm. Phong bảo ốm mấy nay rồi, má thương má gọi suốt, dặn dò mua lá về xông cho đỡ khỏi. Nhưng ở Hà Nội biết kiếm đâu ra mấy thứ ấy. Phong mệt đến nỗi không thể nhìn rõ màn hình điện thoại. Cô tủi thân. Cuộc sống một mình giữa Hà Nội đất chật người đông này chưa bao giờ là dễ dàng, và nhất là với một cô gái nhiều tâm sự như Phong.

Ban đầu, Phong từ chối cuộc nói chuyện. Lát sau, Phong gọi lại, nói: "Thôi, chúng mình tâm sự cho Phong đỡ buồn nhé". Và cô bắt đầu kể. Mọi thứ. 

Niềm hạnh phúc vỡ oà qua tiếng cười giòn tan. Phong đang nhớ lại bộ ảnh "Ánh Phong" của mình, khi lần đầu tiên cô được bận áo dài. "Mình xúc động lắm. Bởi từ khi phát hiện bản dạng giới, chắc từ lớp 2, lớp 3 gì đó, mình đã cảm nhận mình là một cô gái. Mình không cho bất cứ bạn trai nào chạm vào cơ thể của mình. Hình hài này là ba má cho mình, nhưng mình nỡ huỷ hoại đó vì một điều đẹp đẽ hơn, mình biết ba má buồn nhiều lắm".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 6.

Cho đến tận bây giờ, Phong hạnh phúc sau ngần ấy biến cố trong cuộc đời.

Từ bé đến năm 24 tuổi, trước khi thực hiện ca phẫu thuật đánh đổi tất cả, Phong thường khóc một mình, âm thầm và không để ai biết. Tuy nhiên, má biết Phong khóc. Cho đến lúc cô nói chuyện với má về ý định sang Thái Lan, má vẫn chỉ than trách "số phận mình ăn ở kiếp trước ra sao", má không trách Phong.

"Mỗi khi có ai nói "thằng bê đê này", mình đau lòng một chút. Mình từng nghĩ hay là chết đi, mua liều thuốc ngủ uống là xong. Cuộc đời chấm dứt không đau đớn. Kiếp sau hoàn thiện mình hơn".

Nhưng có lẽ cái chết khi đó không "áp lực" bằng một trận chiến khác bên trong con người Phong. "Có nên chuyển giới hay không?", "Có nên tự bước qua cái vực của chính bản thân mình hay không", "Nhỡ may chết trên bàn mổ...".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 7.

Và Phong quyết tâm đánh đổi một lần duy nhất, chỉ để sống thật với chính con người mình. Nghe ý định của con, má hỏi liệu có dừng lại trước khi quá muộn được không? 

Phong trả lời, "Con dừng lại được, nhưng con sẽ đau khổ đến hết cuộc đời". 

Sau phẫu thuật, mở mắt ra, Phong vui lắm. Dù khi ấy chỉ một sự va chạm nhẹ thôi cũng đủ đau đớn đến tê tái. Nhưng Phong vui vì mình là con gái rồi. Niềm hạnh phúc lớn hơn cả nỗi đau. "Lần đầu tiên má lên thăm, má không dám nhìn mà chỉ khóc. Khóc đã, má mới bảo thấy con mình như thế má mừng. Trong thâm tâm, má rất lo cho Phong, vì cuộc đời con sau này như nào, bà chưa dám tưởng tượng".

Má có một cuốn nhật ký, nhưng chính tay bà đã đốt đi. Má sợ nếu Phong đọc được sẽ đau lòng. Trên hành trình này, Phong luôn đau đáu về lỗi lầm của mình. Vì hình hài ba má trao cho, Phong đã phá vỡ rồi. Còn mỗi cái tên ba má đặt, từ nhỏ đến lớn ai cũng gọi là Phong, cô xin giữ lại.

"Trước là Lê Quốc Phong, giờ mình là Lê Ánh Phong, vẫn thấy cái tên rất đẹp. Một cái gì đó trong sáng, nhẹ nhàng. Đã có ngọn gió, giờ lại có thêm ánh sáng nữa".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 8.

Giữa Thủ đô, Phong miệt mài và chi tiêu tằn tiện. Phong chưa bao giờ bi quan, kể khổ. Cô cũng không thích sự thương hại. Phong của hiện tại đã quá đủ và hạnh phúc. Cô cho rằng mình đã quá may mắn khi có được hôm nay. Phong phải tiết kiệm lắm với đồng lương làm hoạ sĩ vẽ rối tại Nhà hát múa rối Thăng Long trong chừng ấy thời gian, để có thể bám trụ lại mảnh đất Hà thành gắn bó nhiều kỷ niệm yêu thương. 

"Mình luôn nói lời cảm ơn ba má, người đã sinh ra mình. Cảm ơn ông trời đã không phụ lòng mình. Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình. Mình có lỗi khi làm ba má buồn nhưng giờ mình đang cố gắng sống để ba má và anh chị tự hào, dù chỉ là niềm tự hào nhỏ nhoi".

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 9.

Ánh Phong - cô gái sau 5 năm đã tìm lại chính mình, trọn vẹn hơn, vô tư và lạc quan hơn. Dù phải đắng cay rút lui mối tình nhiều năm chỉ để người thương có một gia đình thực sự, bên những đứa con thực sự, nhưng Phong không khóc nhiều. Phong biết, xa anh không phải vì cô hết yêu anh, mà chỉ vì muốn người mình yêu thương được hạnh phúc, để bố mẹ anh tự hào về anh.  

"Nếu có phép màu, mình muốn nhường 1/3 tuổi thọ cho ba má, để sau này ba má thấy rằng, mình đã đi trên một con đường đúng đắn và hạnh phúc. Mình vẫn sẽ sống một cách chân thật nhất, bình dị nhất như mình đã từng, như chính con người này". 

Cô gái chuyển giới Ánh Phong trong bộ ảnh thướt tha với áo dài: Cảm ơn mọi người đã không từ bỏ mình - Ảnh 10.

Cuối bài, xin mượn lời ba Kịch (88 tuổi, cha của Phong) trong phim tài liệu "Finding Phong" thay lời kết. 

"Cái mơ ước của con người sống ở đời dù là trai hay gái cũng là con người của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, dân tộc anh hùng. Cho nên, do chỗ đó, nếu như người có TÀI và có ĐỨC để phục vụ cho cách mạng, bất kì dù là trai gái nhưng mà con người đó được làm việc, được phục vụ cho xã hội trong điều kiện đổi mới này thì... bất kì là con người nào, giới nào, đó cũng là con của mình...".

"Em đã tìm thấy em, tìm thấy người phụ nữ thực thụ".