Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ

Minh Nguyệt, Theo Nhịp sống Việt 08:45 03/03/2022

Mang khiếm khuyết về đôi chân, cô nữ sinh Sài Gòn có khao khát được trở thành cô giáo của những trẻ em kém may mắn như mình.

Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ - Ảnh 1.

24 năm gắn với đôi chân khiếm khuyết và ước mơ thành cô giáo

Phạm Thị Thu Thủy (sinh năm 1997) hiện đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Sư Phạm TP.HCM và đang là cô giáo thực tập chuyên khiếm thính tại một trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật ở Bình Dương.

Sau gần 2 tuần nhận "nhiệm vụ" mới, Thủy biết mình đã chạm tay gần đến ước mơ trở thành giáo viên chuyên ngành đặc biệt của những học sinh bị khuyết tật vận động, khiếm thị, tự kỷ,... Tại đây, Thủy có thể giúp các em nhỏ học tập, ăn uống, sinh hoạt đặc biệt là truyền đến chúng tinh thần lạc quan, nguồn năng lượng chảy dạt dào trong mình.

Thủy kể, từ khi nhận thức mình là một trẻ khiếm khuyết đôi chân, sống trong môi trường của những đứa trẻ khuyết 1 phần cơ thể, cô bạn đã có mong muốn rõ ràng về nghề nghiệp của bản thân ở tương lai. Ngoài ra, Thủy cũng có niềm đam mê đặc biệt với ngôn ngữ kí hiệu và mong muốn trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu kết nối giữ người điếc và người nghe.

Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ - Ảnh 2.
Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ - Ảnh 3.

Câu chuyện về nguồn năng lượng tích cực của cô gái khiếm khuyết đôi chân đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội

Nói về cuộc đời mình, cô nữ sinh có nụ cười rạng rỡ này chưa khi nào để lộ nét buồn. Thủy nhớ lại: "Cẳng chân bị quật ngược bẩm sinh, lớn lên chưa từng biết mặt bố mẹ. Hồi học cấp 1 mình học ở trường học bình thường, những người bạn xung quanh thấy mình khác biệt nên thường trêu chọc. Nghe những lời chê bai 'con què', 'không có bố mẹ' mình chỉ biết khóc.

Nhớ hồi ấy, ngày nào mình cũng khóc nhưng chưa khi nào mình sợ đi học cả. Vì phải học muộn hơn các bạn cùng độ tuổi nên mình luôn khao khát được đến trường và luôn là học sinh có thành tích tốt", cô bạn nhớ lại.

Cấp 2 trở đi, Thủy sống và học tập cùng những bạn có hoàn cảnh kém may mắn như mình. Thủy vui hơn rất nhiều vì cô không còn mặc cảm khi bị đem ra làm đối tượng trêu đùa nữa. Thủy còn nhận thấy bản thân mình may mắn hơn nhiều người và cô học cách nhìn nhận vấn đề đơn giản hơn để vượt qua chúng một cách dễ dàng.

Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ - Ảnh 4.

Hình ảnh của Thủy khi đang là 1 cô giáo thực tập

"Nếu đi ra đường có ai chê cười mình trên chiếc xe 3 bánh, mình chỉ nghĩ có gì đâu mà phải cười. Thậm chí mình chẳng quan tâm đến những lời lẽ, ánh nhìn thiếu tôn trọng ấy nữa. Trước kia mình sẽ khóc còn bây giờ mình thay thế cảm xúc ấy bằng nụ cười. Chỉ khi sống tốt thì mình mới giúp mọi người xung quanh có cái nhìn khác đi về vẻ đẹp thực của con người và cái nhìn đúng đắn hơn về người khuyết tật", cô nàng tâm sự.

Ngoài việc đi học, Thủy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của trường. Mới đây nhất, cô nàng cộng tác cùng 1 dự án xã hội có tên Khuyết với thông điệp được gửi gắm "Ai cũng có phần khuyết nhưng quan trọng ai cũng có đẹp trong phần khuyết ấy".

"Nếu bố mẹ đọc được dòng này thì hãy tìm con"

Sinh ra với những khiếm khuyết bẩm sinh ở đôi chân, Thủy gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và phải tự đi lại bằng đầu gối của mình. Khi được hỏi về những điều ấy, cô tự nhận bản thân không coi đó là sự trở ngại, mặt khác luôn lấy đó là động lực để tiến bộ trong cuộc sống.

Và với Thủy, bố mẹ chính là nguồn động lực để cô có được nguồn năng lượng tích cực. Dù chưa được gặp bố mẹ nhưng cô bạn luôn có một niềm tin mình sẽ sớm gặp họ và bản thân phải sống thật hạnh phúc để họ yên lòng.

Cô gái 24 năm đi bằng đầu gối và câu chuyện nghị lực phi thường, mong 1 lần gặp lại bố mẹ - Ảnh 5.

Thủy luôn nuôi niềm tin và mong muốn gặp lại bố mẹ dù chỉ 1 lần

"Mỗi khi có chuyện buồn, mình chỉ cho phép bản thân buồn không quá 1 ngày. Ngày mai lại là cuộc sống mới và mình lại chiến đấu, truyền năng lượng và lại hy vọng gặp bố mẹ.

Nếu bố mẹ có đọc được những dòng tâm sự này, có thấy hình mình, hy vọng bố mẹ hãy tìm mình. Mình muốn nhắn nhủ rằng, mình chưa bao giờ trách móc họ và luôn khao khát ngày gia đình được đoàn tụ".

Giữ vững tinh thần lạc quan nên Thủy luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình mà chẳng nghĩ đến chuyện yêu đương. Cô chỉ có một quan niệm, dù bạn có xấu hay đẹp hãy cứ là chính mình, quan trọng là vẻ đẹp bên trong và hãy cứ phiêu với những nốt nhạc thăng trầm trong cuộc sống.

Giữa những nhộn nhịp của Sài Gòn tấp nập, câu chuyện về cô gái đặc biệt Thu Thủy khiến chúng ta phải dừng lại và chậm rãi nghĩ về những nghị lực quá đỗi phi thường trong cuộc sống.

https://soha.vn/co-gai-24-nam-di-bang-dau-goi-va-cau-chuyen-nghi-luc-phi-thuong-mong-1-lan-gap-lai-bo-me-20220301223813922.htm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày