Câu chuyện của các nhân vật trong Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi vẫn đang thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả. Trong phim, cuộc đời kiếp trước của nữ chính Ji Won (Park Min Young thủ vai) bị phá hỏng sau khi lấy phải chồng tồi. Sang kiếp mới, Soo Min cũng sắp nối bước bạn thân khi tiến vào hôn nhân với Min Hwan - một kẻ đang ôm món nợ lớn, lấy vợ chỉ vì muốn có được căn nhà theo lời hứa của mẹ ruột.
Điểm chung của Ji Won và Soo Min là trước khi kết hôn, cả hai đều có sự tin tưởng nhất định vào người chồng tương lai. Tuy nhiên, hôn nhân không bao giờ là tấm vé bảo chứng cho cuộc sống của bất kỳ ai, đặc biệt là khía cạnh tài chính. Lấy phải một gã chồng tồi, không biết cách tiêu tiền và kiếm tiền, chính là con đường nhanh nhất khiến bạn trắng tay.
Bộ phim chưa kết thúc, song đã gửi gắm nhiều thông điệp về làm chủ số phận, cuộc sống. Nhờ Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi, chị em hiểu rằng để có cuộc đời hạnh phúc, bạn chỉ nên kết hôn khi đã độc lập tài chính, chứ đừng ôm mộng dựa dẫm vào người bạn đời.
"Hôn nhân giống như một canh bạc". Nếu bạn tìm được một người chồng tốt, biết tiết kiệm, có chí khí và tài năng thì cuộc sống sẽ tươi sáng. Còn ngược lại, bạn sẽ thua thê thảm trong canh bạc cuộc đời và ra đi trắng tay. Không giống như Ji Won còn được "chuyển kiếp", chúng ta sẽ là phiên bản của Soo Min ngoài đời thực, một là phải đi tiếp cùng người đàn ông, hai là chấp nhận rời đi.
Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng có thể thuận lợi rời khỏi mối quan hệ độc hại với chồng cũ. Ngoài rào cản con cái, một lý do phổ biến là sau nhiều năm kết hôn, họ đã phụ thuộc vào tài chính của người chồng. Họ chấp nhận nghỉ việc để ở nhà chăm con, thay vì tiếp tục xây dựng nguồn thu nhập vững chắc. Hay có người thì dành hết tiền bạc tích lũy sau nhiều năm, có bao nhiêu lại đưa hết cho chồng như Ji Won. Kết cục là khi cần tiền, họ lại không có một đồng xu dính túi.
Nếu đang có ý định ly hôn với chồng, hãy đảm bảo rằng bạn đã vạch ra một kế hoạch, có sẵn khoản tiền tiết kiệm để có thể tiếp tục duy trì cuộc sống của bản thân (và cả những người thân yêu). Quan trọng hơn, hãy tìm kiếm các chuyên gia để đảm bảo mình không "tay trắng" trong mối quan hệ. Ý tưởng ly hôn có thể rất hấp dẫn, nhưng hãy tránh cảm giác thôi thúc đó cho đến khi bạn ổn định về mặt tài chính và xác định các bước tiếp theo trong tiến trình ly hôn.
Sau khi kết hôn, những điều thực tế của cuộc sống sẽ "ập đến" nhanh chóng. Từ việc củi, dầu mắm muối cho đến nuôi con thế nào, đối nội đối ngoại ra sao - động đến việc nào cũng cần đến tiền bạc.
Với phụ nữ, khả năng kiếm tiền của đối phương là điều rất đáng lưu ý khi nói đến chuyện kết hôn. Ngược lại, ngày nay một người bạn gái độc lập tài chính, có khoản tiết kiệm riêng và biết cách quản lý tài chính cũng là đối tượng kết hôn lý tưởng của phái mạnh.
Kinh tế đóng một vai trò cực kỳ quan trọng với sự hạnh phúc bền chặt cho mối quan hệ. Hai bên cần phải duy trì nền tảng kinh tế, ít nhất là đủ nuôi sống gia đình, không chật vật vay mượn thì mới ổn định được.
Nếu như một bên không kiếm được tiền thì sớm hay muộn lục đục cũng xảy đến. Ngày nay, gánh nặng tài chính không chỉ đổ dồn lên vai phái mạnh mà chị em cũng nên có trách nhiệm phải cùng gánh vác. Trong tương lai khi cả hai tính đến chuyện sinh con, tiền bạc càng là vấn đề cấp bách và tốn kém nhiều hơn nữa.
Đương nhiên, điều quan trọng nhất và khiến cho cuộc hôn nhân giữa cả hai gắn kết là sự đồng điệu. Người bạn đời phù hợp là khi cả hai đều nhận thức được trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình, cùng thống nhất về cách quản lý tài chính, kinh doanh và đầu tư. Do đó trước khi kết hôn, các cặp đôi cần thiết lập cách tiếp chung về tài chính, làm rõ nhiệm vụ và quyền lợi của mỗi người, cũng như có những cuộc trò chuyện thẳng thắn về tiền bạc.