Không ai có thể phủ nhận Hàn Quốc là đất nước giàu có và văn minh ngang hàng với phương Tây nhưng xã hội vẫn duy trì nhiều nét truyền thống không thua kém bất kì một quốc gia châu Á nào. Điều đó được thể hiện không chỉ qua lối sống mà còn ở những nét văn hóa ẩm thực nữa.
Và kể từ khi những bộ phim Hàn Quốc đình đám gây sốt khắp châu Á thì các món ăn như kim chi, cơm trộn, gà rán… cũng đương nhiên trở thành trào lưu rồi dần đi vào thói quen ăn uống của một bộ phận lớn giới trẻ. Họ tìm đến đồ ăn Hàn Quốc không chỉ để được ăn giống các thần tượng mà còn vì nó ngon, dễ ăn và dễ gây nghiện thực sự. Nếu đã có vài dịp được thử món ăn Hàn Quốc thì chắc ai cũng sẽ thấy ẩm thực của xứ kim chi rất đơn thuần, bình dị nhưng vẫn toát lên cái sự mỹ miều cần phải có ở màu sắc và kết cấu.
Đồ ăn Hàn Quốc cực kỳ bắt mắt với màu sắc và kết cấu chuẩn chỉ.
Ẩm thực Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, chẳng hạn như hạt gạo được xem là lương thực chính và trong bất cứ bữa ăn ngào cũng phải có. Tiếp theo đó, món rau, món mặn, món phụ, món canh cũng đều là những thứ không thể thiếu được trên mâm cơm hàng ngày của cả hai nước. Không chỉ có vậy, một bữa ăn của người Hàn nhất định phải có cá khô và thực phẩm muối biển. Những gia vị như nước tương, tỏi, vừng, dầu mè, bột ớt cũng là những thành phần không thể thiếu.
Và đối với người phương Tây, khi được trải nghiệm bữa ăn của người Hàn thì đã rút ra được vài điều khiến họ bất ngờ.
Điều thứ nhất là bàn ăn của người Hàn rất to, chiều rộng của nó lớn đến nỗi một sải tay của nam giới đôi khi cũng không thể chạm tới bên kia.
Điều thứ hai là dù bàn to như vậy nhưng đồ ăn luôn được bày biện kín hết cả diện tích đến nỗi không còn chỗ trống. Trong bảng quy ước, Hàn Quốc có 3, 5, 7 và 9 món ăn. Những con số này có ý nghĩa nhất định trên bàn ăn.
Đối với các gia đình hoàng gia, họ phân biệt 12 loại món ăn. Hàng đầu là cơm và canh, canh sẽ đặt bên phải của phần cơm, sau đó các món phụ được đặt theo các dòng tiếp theo. Phía bên phải là nơi đặt những món nóng và món thịt, bên trái đặt món lạnh và rau, phần trung tâm đặt các loại nước sốt. Dụng cụ ăn uống bao gồm: một thìa và đũa đặt ngay bên phải.
Điều thứ 3 là tất cả sản phẩm đó đều được cả nhà ăn chung nhau, người Hàn chỉ dùng bát cơm và canh riêng. Phong tục này trong những năm gần đây do sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên cũng bớt đi nhiều bằng cách chia thức ăn vào bát riêng cho từng người. Tuy nhiên ở những bữa tiệc truyền thống thì mọi thứ vẫn buộc phải được giữ nguyên.
Hàn Quốc là đất nước có nhiều núi và 3 mặt giáp biển. Vì thế cho nên sản vật rất nhiều và tạo nên sự phong phú cho đồ ăn trên bàn của các gia đình. Và người Hàn cũng rất biết cách ăn theo kiểu "mùa nào thức ấy" nên thực đơn vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, có một thứ mà mùa nào người Hàn cũng thích ăn đó là đồ ăn lên men như kim chi, jeotgal (hải sản lên men), gochujang (bột ớt), doenjang (tương đậu nành) và nước tương. Thói quen này được sinh ra do mùa đông ở Hàn Quốc rất dài và lạnh nên khó kiếm được cái loại rau củ tươi. Người Hàn đã nghĩ ra cách lên men để bảo quản chúng được lâu hơn và lại tạo ra hương vị vừa mới lạ, vừa dễ thưởng thức.
"Phụ nữ Hàn Quốc quá vất vả" là câu nói được lan truyền ở nhiều nước châu Á khi những câu chuyện về các bà nội trợ xứ củ sâm được hé lộ. Mới đây nhất, tờ Korea Herald có đăng tải câu chuyện về người phụ nữ tên là Kim Eun-jin, một bà mẹ 36 tuổi và 24 giờ trong một ngày của cô.
Các cô dâu xứ Hàn thường rất vất vả với việc nấu nướng.
Cô Kim thức dậy từ lúc 4h30 sáng mỗi ngày, sau đó đi làm và về nhà khoảng 20h30 tối. Cô phải di chuyển từ Incheon để làm việc ở Seoul. Sau khi về nhà, cô bắt đầu làm hàng tá công việc không tên khác: làm bữa tối, rửa bát đũa, lau nhà, gấp quần áo... Tiếp theo, cô sẽ dành khoảng 30 phút để nói chuyện với hai đứa con của mình (một đứa 12 tuổi và một đứa 8 tuổi). Cô Kim chỉ đi ngủ sau nửa đêm. Và điều đáng suy ngẫm đó là có đến tận 44% phụ nữ Hàn Quốc đang sống giống như cô Kim.
Như vậy, hầu hết công việc vặt trong gia đình như nấu nướng, dọn dẹp, giặt quần áo… thậm chí là chăm sóc con cái cũng đều do một tay người phụ nữ đảm nhận. Trong khi đó, họ cũng giống như người đàn ông, phải đi kiếm tiền ngoài xã hội nhưng khi về nhà thì lại ở một thái cực hoàn toàn khác với người chồng của mình.
Quay lại với chủ đề ẩm thực đang bàn tới. Tất nhiên, ăn ngon thì ai cũng muốn nhưng việc nấu nướng thì phụ nữ lại là người làm hết. Tinh hoa ẩm thực Hàn Quốc vì đó cũng có thể được coi là do phụ nữ tạo ra cũng chẳng ngoa chút nào.
Thử tưởng tượng, đàn ông có thể thích bày biện, ăn ở bàn rộng, bát đũa không thiếu thứ gì nhưng khi ăn xong thì ai là người dọn? Phụ nữ chứ ai? Mà thời gian nấu nướng, dọn dẹp một mâm đồ ăn đó cũng phải mất đến cả 2 tiếng đồng hồ mỗi tối thì còn đâu thời gian cho họ nghỉ ngơi và làm những công việc cá nhân nữa.
Không chỉ dừng lại ở đó nhé, ai cũng ca ngợi Hàn Quốc có kim chi ngon, có các món tương ngọt lành và vô số thứ lên men cực phẩm khác. Nhưng trước khi được bày lên bàn ăn thì ai là người làm ra chúng? Hẳn chúng ta chưa quên được hình ảnh các "ahjuma" trong phim Hàn tất bật muối kim chi hay làm tương với chum lớn chum nhỏ để đầy sân nhà đúng không? Đó chính xác là đạo diễn của các căn bếp Hàn đấy mọi người ạ.
Văn hóa Hàn Quốc được phản ánh tất cả trong phim ảnh. Lên phim, chúng ta thường thấy cả nhà quây quần ngồi ăn sáng cùng nhau. Đó là cách mọi người bắt đầu một ngày mới bằng sự no đủ và đủ đầy các thành viên trong gia đình. Mà đồ ăn sáng của người Hàn thì nhiều chắc phải tương đương với bữa ăn tụ tập gia đình của người Việt, cũng phải đủ canh, xào, mặn mới được chứ không thì sẽ không đúng với phép tắc.
Với lại, các cô gái cứ hay nghe các anh Hàn Quốc nịnh vợ là: "Anh thích ăn sáng ở nhà", "Anh muốn ăn món em nấu", "Bữa sáng phải ăn cơm ăn canh chứ ăn những thứ khác làm sao được". Nghe thì ngọt ngào thật đấy nhưng người chuẩn bị tất cả những thứ đó mới gọi là mệt bở hơi tai đây này.
Truyền thống ăn sáng tại nhà của các gia đình Hàn Quốc đã có từ lâu. Họ thường hay để đồ ăn trong tủ lạnh và sáng ra chỉ việc chế biến nhưng việc làm nhiều món và sau đó lại đi rửa hết số bát đó rồi mới đi làm đúng là một cực hình. May ra những phụ nữ nào toàn thời gian ở nhà làm nội trợ thì mới có thể cáng đáng được mà thôi.
Cảnh thường thấy trong phim Hàn đó là cả nhà cùng nhau ngồi ăn sáng.
Đúng là đất nước văn minh như Hàn Quốc mà đến nay phụ nữ vẫn chưa được giải phóng khỏi việc nhà. Bởi vậy cho nên ngày càng có nhiều cô gái ở xứ sở kim chi từ chối kết hôn, dành thời gian sống một mình để không phải vướng bận chuyện gia đình. Điều này là tiêu cực, đương nhiên là vậy vì nó còn ảnh hưởng lâu dài đến cả vấn đề dân số. Tuy nhiên, sự thật thì suy nghĩ này của phần lớn các cô gái cũng không hề khó giải thích khi mà văn hóa Hàn Quốc vốn đã tồn tại nhiều đời nay với tư tưởng phụ nữ làm chủ căn bếp như vậy rồi.
Có không ít bảo tàng hoặc nhà trưng bày tại Hàn Quốc mô phỏng lại các bữa ăn và cách sắp xếp trình bày, đủ thấy mức độ quan trọng trong việc bày biện mâm cơm nhiều đến mức nào.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cứ kêu ca về nỗi vất vả nhưng ngược lại vẫn nên thừa nhận rằng, sức nặng văn hóa đôi khi cũng mang lại những điều vô cùng tích cực. Ví thử như phụ nữ Hàn làm nhiều việc nhà nhưng mỗi sáng thức dậy được thấy chồng con vui vẻ ăn món mình nấu, sau đó lại tận tâm làm đồ ăn ngon cho cả nhà để cùng thưởng thức vào bữa tối thì cũng hạnh phúc biết bao nhiêu. Chỉ có điều, đàn ông hãy là người tinh tế hơn một chút, hãy chủ động giúp vợ việc nhà để tất cả mọi người cùng được bình đẳng và có thời gian dành cho bản thân như nhau thì sẽ tốt hơn.