Tất nhiên đó chỉ là phóng đại. Tôi có đọc. Tôi đọc một đống những tựa báo dài ngoằng trên Medium, tôi đọc rất nhiều tài liệu và báo khoa học trên mạng. Tôi có đọc vài cuốn sách (phần lớn đều là non-fiction). Nhưng tôi không đọc như cách thầy cô giáo dạy tôi trên trường.
Người đọc và người viết
Tôi không cầm một cuốn sách lên mà bắt đầu từ trang đầu tiên, đọc từng chữ một cho đến trang cuối cùng – trừ phi đó là một cuốn tiểu thuyết. Thật sự mà nói, tôi tin rằng chỉ có tiểu thuyết và tự truyện mới cần phải đọc nó theo một trình tự nhất định – từ đầu đến cuối và chú ý vào từng chi tiết một. Có một sự khác biệt rõ rệt đối với người viết và người đọc. Chỉ bởi vì người viết đã viết ra nó theo một trình tự như thế này, không có nghĩa là nó sẽ có ý nghĩa với người đọc theo trình tự đó.
Với tư cách là người đọc, bạn thường có góc nhìn và nền tảng kiến thức khác so với tác giả. Những quan điểm và góc nhìn của bạn sẽ khiến bạn hiểu những thứ được truyền tải trong sách khác so với cách tác giả muốn bạn hiểu. Thế nên đôi khi bạn sẽ thấy bạn hiểu phần giữa của cuốn sách tốt hơn so với phần đầu, chẳng hạn!
Sách cũng là công cụ
Còn một lí do khác khiến việc đọc sách theo trình tự nhiều khi không thật sự hiệu quả. Có những lúc bạn sử dụng sách như một công cụ để tìm kiếm tài liệu và kiến thức về một chủ đề nhất định. Giống như tất cả các công cụ khác, mỗi người lại có một cách sử dụng chúng khác nhau, và một công cụ có thể dùng với nhiều mục đích khác nhau. Bạn không cần phải sử dụng chúng theo cách bạn không thành thạo cho những mục đích bạn không cần đến.
Ví dụ, khi bạn tìm thấy một cuốn sách lượng tử nhưng mục đích của bạn không phải là hiểu mọi thứ về chủ đề lượng tử mà chỉ là một phần của nó. Như vậy cũng không có nghĩa là bạn không quan tâm đến những phần còn lại của chủ đề này, mà chỉ là hiện tại bạn đang hứng thú với một phần kiến thức của nó, sau này có thể bạn sẽ mở rộng hơn và muốn tìm hiểu về nó nhiều hơn. Tác dụng của việc đọc một phần của cuốn sách bạn tìm thấy chính là việc nó thực tế và tiết kiệm thời gian.
Các kiểu đọc khác nhau
Mortimer Adler đã từng viết một cuốn sách rất thú vị mang tên How to Read a Book (Cách đọc một quyển sách). Trong đó, ông chỉ ra 4 cách đọc sách rất khác nhau như sau:
1. Kiểu bình thường (Elementary Reading): đọc từ đầu đến cuối
2. Kiểu xem xét (Inspectional Reading): kiểu đọc này nhiều khi bị nhầm với "Skimming". Thật ra nó là lọc thông tin về sách và các chủ đề trong sách, từ đó quyết định cái gì đáng đọc và là một bước đầu tiên để hiểu được mục đích của cuốn sách.
3. Kiểu phân tích (Analytical Reading): Đọc sâu, đọc chậm và đọc kỹ.
4. Kiểu ý chính (Syntopical Reading): Ngoài việc chỉ đọc một quyển sách, đây là cách đọc để hiểu ý chính mà người viết muốn truyền đạt. Với cách đọc này, người đọc sẽ có thể đọc nhiều sách cùng một lúc, từ đó liên hệ các quan điểm của những người viết hoặc những quyển sách khác nhau một cách tổng thể về một vấn đề.
Như tôi nói, tôi không đọc kiểu đầu tiên bao giờ. Tôi sẽ phần lớn đọc kiểu 2 và 4, còn kiểu 3 sẽ áp dụng vào một số đoạn cụ thể.
Bộ sưu tập những cuốn sách-không-đọc The Anti-Library and The Search
Tác giả và triết gia Umberto Eco nổi tiếng với khái niệm "thư viện sách không đọc" (anti-library). Đó là một bộ sưu tập những cuốn sách chưa đọc của bạn. Nicholas Taleb gọi đó là anti-library bởi bộ sưu tập đó đi ngược lại với danh sách Want-to-read bình thường. Nicholas Taleb giải thích về bộ sưu tập này như sau:
Những cuốn sách đã đọc thật ra lại không có giá trị bằng những cuốn sách chưa đọc. Bởi nó nhắc bạn nhớ về những điều bạn không-biết, chưa-biết. Nghịch lí chỉ ra rằng, theo thời gian khi bạn lớn lên, bạn càng mở rộng kiến thức của bạn thì những điều bạn không biết lại càng nhiều hơn.
Tôi cũng có một thư viện sách chưa đọc, trong đó tôi liệt kê rất nhiều cuốn sách tôi chưa bao giờ đọc. Tuy nhiên theo thời gian trưởng thành, tôi có sử dụng chúng để làm phong phú kiến thức của mình hơn. Bằng cách này, tôi ý thức được những gì tôi không biết và khiêm tốn hơn về bản thân.
Tóm lại, thật ra là tôi có đọc. Nhưng đối với tôi, "đọc" không có nghĩa là hành động đọc từng thứ một mà tác giả viết ra và đặt ra cho mình. Tôi quan tâm đến những gì cuốn sách truyền tải qua ý chính, những thông tin và kiến thức mà tôi nhận được nhiều hơn là những chi tiết và trình tự. Tôi tìm thông tin và tôi liên kết chúng. Tôi tin là cách đọc này sẽ hiệu quả đối với tất cả những các tựa sách Non-fiction và phục vụ mục đích trau dồi kiến thức hơn là cách đọc truyền thống.
Theo Mike Sturm, Medium