Có 17,5 tỷ đền bù đất, người đàn ông mang hết đi gửi tiết kiệm, đến hạn 1 năm ngân hàng thông báo: "Anh không thể rút số tiền này"

Nguyên An, Theo Đời sống pháp luật 19:19 01/12/2024
Chia sẻ

Vốn dĩ chỉ định gửi tiền trong thời gian ngắn rồi rút ra, người đàn ông Trung Quốc ngỡ ngàng khi biết tin tài khoản bị phong tỏa.

Năm 2017, một người đàn ông họ Lộ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nhận được một khoản tiền hậu hĩnh từ việc đền bù, giải tỏa đất. Tại thời điểm đó, khu vực miền núi nơi ông Lộ sinh sống nằm trong diện giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới. Với diện tích đất lớn, ông Lộ được đền bù số tiền lên đến 5 triệu NDT (khoảng 17,5 tỷ đồng).

Sau khi xem xét kỹ lưỡng và bàn bạc với gia đình, ông Lộ quyết định gửi vào ngân hàng địa phương và đăng ký gói quản lý tài chính 1 năm. Theo tính toán, khách hàng sử dụng gói tài chính này sẽ nhận được khoản tiền lãi là 200.000 NDT (hơn 700 triệu đồng) mỗi năm.

Đến kỳ hạn 1 năm, ông Lộ quay lại ngân hàng và yêu cầu rút cả gốc lẫn lãi số tiền mình đã gửi để mua nhà mới. Tuy nhiên, ông không thể ngờ được rằng yêu cầu này lại bị từ chối. Nhân viên ngân hàng cho biết tài khoản của ông hiện đã bị phong tỏa và phải 2 năm sau mới có thể rút ra được.

Việc này khiến ông Lộ vô cùng tức giận, vì ông chưa từng nhận được thông báo nào từ phía ngân hàng về vấn đề phong tỏa tài khoản. Ông Lộ yêu cầu được gặp quản lý cấp cao của ngân hàng, nhưng nhân viên thông báo quản lý hiện đang đi công tác, hẹn ông mấy ngày sau quay lại. Đến hẹn mấy ngày sau, ông Lộ đến ngân hàng nhưng vẫn không thể gặp mặt được người quản lý.

Có 17,5 tỷ đền bù đất, người đàn ông mang hết đi gửi tiết kiệm, đến hạn 1 năm ngân hàng thông báo: "Anh không thể rút số tiền này"- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Một mặt do nhà mới đã sắp đến thời hạn phải đặt cọc, một mặt không chấp nhận lời giải thích từ phía ngân hàng, ông Lộ nhanh chóng liên hệ với phóng viên và cảnh sát tại tỉnh Quảng Tây, nhờ làm rõ vụ việc. Khi phóng viên, cảnh sát địa phương cùng gia đình ông Lộ lần nữa đến trụ sở ngân hàng, người quản lý mới xuất hiện và nhanh chóng mời họ vào phòng làm việc.

Tại đây, giám đốc ngân hàng giải thích rằng người phụ trách làm hồ sơ gói quản lý tài chính cho ông Lộ hiện đã thôi việc. Do giấy tờ bàn giao nhiều dẫn đến chậm trễ trong việc phản hồi cho khách hàng. Người quản lý này cho biết nhân viên giao dịch thời điểm đó đã tự động nâng cấp thời hạn gói quản lý tài chính của ông từ 1 năm thành 3 năm. Đồng thời, điều kiện nhận đủ lãi suất là khách hàng phải gửi đúng 3 năm, không được rút tiền ra trước thời hạn. Đó là lý do khoản tiền 5 triệu NDT (khoảng 17,5 tỷ đồng) hiện đã đóng băng, không thể rút ra được.

Nhận thấy lời giải thích từ phía quản lý ngân hàng vẫn không thỏa đáng, ông Lộ đã gửi đơn kiện lên tòa án địa phương. Ông hi vọng có thể đòi lại toàn bộ cả gốc lẫn lãi, để kịp thời hạn mua căn nhà mới mà gia đình đã thương lượng xong. Sau khi thụ lý vụ án, trải qua nhiều lần xét xử và hòa giải, tòa án đã ra phán quyết ngân hàng phải trả lại toàn bộ khoản tiền mà ông Lộ đã gửi, nhưng ông Lộ sẽ không nhận được tiền lãi tương ứng.

Ngân hàng cũng đã nhận đây là sai sót trong quy trình làm việc, cũng như đã không kiểm soát chặt chẽ nhân viên nên đã để dẫn đến tình trạng này. Phía ngân hàng nhanh chóng làm thủ tục hoàn trả đầy đủ toàn bộ số tiền 5 triệu NDT (khoảng 17,5 tỷ đồng) cho ông Lộ.

Mặc dù sự việc đã được giải quyết xong xuôi, tuy nhiên uy tín của phía ngân hàng này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do không giám sát kỹ hành vi của nhân viên. Ngân hàng sau đó đã quyết định nâng mức lãi suất để lấy lại lòng tin và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Về phần ông Lộ, ông cho biết sẽ cẩn trọng hơn trong những giao dịch gửi tiền trong tương lai, dù là ở ngân hàng lớn hay đã hoạt động nhiều năm.

(Theo 163 news)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày