Hà Nội được biết đến là vùng đất của xe máy và món phở nóng hổi. Điều này đúng một phần.
Dù bạn ở khu Phố Cổ - nhịp đập truyền thống và thương mại của thành phố này – hay đi dạo quanh hồ Tây yên bình, thì cũng không thể đi dạo mà không trông thấy một quán bán bún ven đường hoặc làn xe máy dường như không thể băng qua.
Nhưng ngoài những ấn tượng ban đầu đó, thủ đô Việt Nam còn có những bí mật đầy ngạc nhiên giấu kín trong từng ngõ hẻm.
CNN Travel đã cùng xuống phố với những nghệ sĩ Hà Nội – nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và những người đón đầu xu hướng – lan truyền sự sáng tạo trong thành phố. Họ chia sẻ những cửa hàng cà phê ưa thích, những điểm ngắm hoàng hôn, lối đi trong hẻm nhỏ và những nhà hàng.
Mark Lowerson, cây viết cho blog ẩm thực Hà Nội
Mark Lowerson du lịch ở Việt Nam năm 2002, ông nói với CNN rằng tình yêu với Hà Nội là tình yêu sét đánh. "Phố Cổ khá độc đáo, cổ kính và rất bí ẩn", Lowerson hồi tưởng.
Ngay sau đó, ông chuyển tới Hà Nội và làm nghề giáo viên ở đây. Năm 2005, ông làm cho Sticky Rice – một trong những blog ẩm thực lâu đời nhất ở Hà Nội. Sau 16 năm và hàng trăm chuyến du lịch vòng quanh Hà Nội, mỗi ngày Lowerson vẫn phát hiện ra một điều mới mẻ nào đó.
Phóng viên CNN đi một vòng quanh thành phố để tìm hiểu những món ăn đường phố ngon nhất của Hà Nội, từ bún cá đến cà phê.
"Hà Nội là một thành phố đi bộ tuyệt vời, như thể dạo quanh một bảo tàng sống hay đang quan sát một màn biểu diễn nghệ thuật vậy", ông nói. Đối với Lowerson, khía cạnh hứng thú nhất chính là việc lái xe và năng lượng của người Việt Nam.
Ông cho rằng những người bán hàng rong ven đường ở Hà Nội nhiệt tình và thân thiện dù công việc làm ăn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn kiên nhẫn chào mời du khách đến mua hàng. "Điều đó rất thú vị".
Theo Lowerson, tốt hơn hết du khách nên "lạc lối" ở Hà Nội thay vì đi theo hành trình hay lên TripAdvisor để tìm nhà hàng nổi nhất. Ông gợi ý quán bún cá Văn ở Phố Cổ. "Đây là một trong những quán ăn ngon nhất thành phố. Có hai loại bún, bún cá rán hoặc cá tươi".
Trong khi ở các nước khác, việc thêm muối vào món ăn tùy thuộc vào cách chế biến của người nấu thì ở Việt Nam, bạn có thể tùy ý lấy các gia vị trên bàn. "Thêm chút chanh, giấm, ớt và rau sống để cân bằng độ đằm, chua, ngọt và cay", Lowerson chia sẻ.
Sẽ thiếu sót nếu đi du lịch Hà Nội mà không uống thử cà phê. Lowerson giới thiệu quán Cafe Duy Trí (43 Yên Phụ) được mở từ những năm 1930. "Đó là một thương hiệu nổi tiếng của văn hóa cà phê Hà Nội", ông khẳng định nhưng cũng nhắc rằng quán cà phê này khá khó tìm.
Tram Vu, nghệ sĩ
Là một nghệ sĩ và người con của Hà Nội, Tram Vu là một trong những nhân tố xây dựng nên quán cà phê nghệ thuật đương đại Manzi.
Cùng với hai người bạn, Vu thành lập Manzi vào năm 2012. Đây là không gian nghệ thuật độc đáo, đồng thời là quán cà phê, bar, là địa điểm để trưng bày triển lãm, biểu diễn nhạc sống và các buổi hội thảo.
"Nghệ thuật đương đại rất quan trọng. Nó phản ánh dòng chảy xã hội và mang hơi thở cuộc sống thực", Vu nói với CNN.
Nơi nuôi dưỡng nghệ thuật đương đại ở Hà Nội.
Ngoài Manzi, bạn có thể tìm đến Nha San Collective để chiêm ngưỡng triển lãm nghệ thuật đương đại do những nghệ sĩ Việt Nam thực hiện hoặc đến L’Espace trong Trung tâm Văn hóa Pháp và Viện Goethe để xem triển lãm và những màn biểu diễn nghệ thuật.
Nguyen Qui Duc, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ
Nhà văn Nguyễn Quí Đức lớn lên ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, từ năm 1955 đến năm 1975.
Khi chiến tranh kết thúc, họ hàng của Nguyen đưa ông đến Mỹ, tại đây ông học ở Virginia và California trước khi chuyển đến London để theo đuổi nghiệp báo chí. Cũng chính nghề này đã đưa ông trở về quê hương.
Sau khi về lại Việt Nam vào năm 2006, ông mở một quán bar tên Tadioto gần Nhà Hát lớn Hà Nội và quán ăn Moto-san Uber Noodle.
Nhà văn, nhà thơ đồng thời là họa sĩ Nguyen Qui Duc dẫn phóng viên CNN đến thăm Văn Miếu, chợ hoa quả ở Hà Nội.
Ngoài ẩm thực, phần cốt yếu trong văn hóa Việt Nam, ông cũng đặc biệt thích thú với tinh thần người Hà Nội.
"Bạn xuống đường và hàng nghìn chiếc xe băng qua. Nhiều người ngồi uống cà phê hoặc bia nhưng luôn có những người làm việc, hoặc làm gì đó – một người thợ mộc hoặc một người nào đó bán trái cây, bán hoa… mọi người đang cố gắng ở nơi này", ông nhận xét.
"Với tôi, đó là một sự kiên trì hy vọng. Dù đất nước này có trải qua những gì… những hàng rào nào ngăn chặn sự phát triển, người dân vẫn luôn cố gắng. Từng viên gạch một, từ giấc mơ này sang giấc mơ khác, họ xây nên cuộc sống cho chính mình". Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ông Nguyen quay trở về.
Ông Nguyen cũng thích đi chợ hoa quả, rau củ gần cầu Long Biên vào sáng sớm. Đó là lúc ông có dịp ngắm nhìn một Hà Nội khác với những gì người ta thường thấy (những trung tâm mua sắm lớn, tòa nhà cao tầng, những căn hộ và những chiếc xe lớn).
"Có một một sự liên kết giữa những người bán hàng rong (ở chợ Long Biên) với những người nông dân… Họ (những người bán hoa) vẫn làm việc dù có vấy bùn hay gặp mưa gió để mang niềm vui đến cho mọi người…
Đối với tôi, đó là tinh thần của Hà Nội, bên cạnh những gì người ta thường thấy ở những vùng đô thị". Theo nhà văn, Hà Nội là thành phố trải qua nhiều thay đổi nhưng vẫn dựa trên những cốt lõi cơ bản.
Một cửa hàng ở Hà Nội.
Donna Brahall, blogger viết về thời trang
Donna Brahall là người Anh, chuyển đến Hà Nội sinh sống từ 4 năm trước. Cô ngay lập tức bị hàng dệt truyền thống của Việt Nam thu hút, đặc biệt là những bộ trang phục dân tộc với màu sắc sặc sỡ và những họa tiết cầu kỳ.
Ảnh chụp nữ blogger ở Hà Nội.
"Việt Nam có 54 dân tộc, họ dành nhiều thời gian và công sức vào hàng dệt may và trang phục – tất cả đều có nguồn gốc bản địa, được làm thủ công và cần nhiều lao động", Brahall cho hay. Nếu muốn hiểu hơn về phụ nữ Việt Nam, cô gợi ý cho du khách về Bảo tàng Phụ nữ tại Hà Nội.
"Trang phục truyền thống được trưng bày rất đẹp, chúng thể hiện vai trò xương sống của phụ nữ trong xã hội Việt Nam", Brahall chia sẻ. Sau khi đến bảo tàng này, du khách có thể đến thăm hồ Hoàn Kiếm gần đó. Theo cô, hồ thực sự đẹp dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày hoặc trong năm.
Còn nếu chọn chỗ mua sắm, Brahall giới thiệu Hàng Bồ - một con phố rợp bóng mát trong khu Phố Cổ.
Blogger viết về thời trang sống ở Hà Nội dẫn phóng viên CNN đi một tour rực rỡ sắc màu quanh hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Phụ nữ.
Bên cạnh đó, nữ blogger này còn giới thiệu những địa điểm may mặc khác như Kilomet 109 , Chuala Fashion hay địa điểm tổ chức sự kiện – quán cà phê Maison de tet Décor.
Quốc Trung, nhà sản xuất âm nhạc
Nhạc sĩ Quốc Trung dẫn phóng viên CNN đến Hoàng thành Thăng Long.
Lễ hội Âm nhạc Gió Mùa là sản phẩm thường niên bắt đầu từ năm 2014 của nhạc sĩ Quốc Trung. Lễ hội diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vào mùa thu nhằm mang âm nhạc quốc tế đến với Hà Nội và tôn vinh những nghệ sĩ mới nổi ở Việt Nam.
Lễ hội Âm nhạc Gió mùa.
Nam nhạc sĩ cho hay sở dĩ chọn di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long vì muốn mang lại trải nghiệm âm nhạc độc đáo cho người Việt Nam.
Ông là người chứng kiến quá trình Hà Nội phát triển thành một thành phố năng động và khát vọng qua năm tháng. Tuy vậy, theo ông, du khách vẫn có thể tìm đến những không gian thanh bình để thư giãn và khám phá nét đẹp yên bình ở thành phố này.
"Tôi gợi ý (cho du khách) đến những ngôi đền và chùa ở đây. Sự thanh bình ở nơi này thực sự là nguồn cảm hứng cho đa số các bài hát của tôi" , ông Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý về dự án lonah – một chương trình biểu diễn kết hợp giữa nhảy hiện đại, sân khấu, xiếc, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác như chèo và ca trù. Trong đó, vở chèo được biểu diễn ở Nhà hát Chèo là một trong những hình thức biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn nhất.