An toàn vệ sinh thực phẩm từ lâu nay đã trở thành mối quan tâm bức thiết của phần lớn người tiêu dùng. Người dân khát khao tiếp cận những nguồn thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, các thương gia lại tìm cách vừa cung ứng hàng vừa có siêu lợi nhuận. Và từ đó 1 cách thức làm hàng mới đã ra đời, tiết kiệm mà lại có lợi nhuận, chỉ đơn giản hô biến những con lợn chết thành lợn Mán tươi ngon.
Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề nhức nhối này, phóng viên của VTV24 đã quyết định thâm nhập vào các trụ sở phù phép thịt lợn chết để biết những miếng thịt lợn "bẩn đến mức độ như thế nào!".
Clip: quy trình biến lợn chết thành lợn Mán siêu lợi nhuận. Nguồn: VTV1
Nằm trong khu di tích Tây Thiên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, con suối Giải Oan đoạn qua xã Đại Đình vốn xưa kia trong mát, nay tràn ngập rác. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, mà bên trong các bao tải buộc chặt còn có vô số xác lợn chết, nội tạng lợn được đem vứt ra đây, khiến cho khu vực này luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Anh Trung, một người dân nơi đây cho hay, đã nhiều lần chứng kiến những con lợn mới chết nằm trên cầu bỗng nhiên biến mất một cách lạ thường: "Lấy mấy con lợn chết về chắc để khò làm thịt lợn Mán, bán thịt lợn Mán nhiều lắm, toàn thịt lợn chết thôi".
Từ những nghi vấn của người dân, PV đã tìm đến một trong những cơ sở chuyên bán thịt lợn Mán trong khu di tích Tây Thiên.
Những con lợn chết nằm chất đống ở Vĩnh Phúc. Ảnh cắt từ clip.
Tại đây, một con lợn nái có trọng lượng gần 1 tạ không rõ đã chết cứng từ bao giờ, toàn thân thể chuyển sang màu tím tái, bốc mùi hôi, thế nhưng vẫn được chủ cơ sở đem ra làm thịt. Có lẽ đã quen với việc giết mổ lợn chết, chủ cơ sở thản nhiên chia sẻ: "Vừa nãy còn bảo cái thằng đấy mai qua lấy phụ cho anh, bây giờ nhà anh mổ lợn nó nhiều con thối".
Sau khi rửa sơ qua, người đàn ông này tiến hành mổ lợn ngay mà không cần chọc tiết vì lợn chết đã lâu, có cắt cũng không ra tiết. Trên nền gạch, thịt, phân lẫn lộn. Sau khi bỏ hết nội tạng ra ngoài và ướp đá vào trong để giữ thịt tươi, con lợn chết được cuốn chặt trong lớp vải bạt."Lợn chết thế này, ướp đá mới hãm được lâu", người đàn ông nói.
Các thương gia đang "hô biến" những con lợn chết. Ảnh cắt từ clip.
Với những gian thương, bất cứ ở đâu có lợn chết, chủ các cơ sở đều sẵn sàng thu mua và hô biến ra chợ bán lại, từ đó vớt vát được chút tiền, lại không phải đem lợn đi chôn.
Sau một quy trình "làm mới", sáng sớm hôm sau, những con lợn chết được thui vàng để che dấu hết dấu vết bệnh tật phân hủy. 8h sáng, những con lợn chết đã thành lợn Mán, được chủ cơ sở chở đến các sạp hàng trước cửa Tây Thiên, chờ đợi những vị du khách thập phương về đây lễ phật. Nơi đây không biết từ lúc nào đã trở thành khu chợ Mán tấp nập người mua kẻ bán.
Để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, mỗi loại lợn chết khác nhau được đặt những cái tên khác nhau cho hợp thị trường. Những con lợn có trọng lượng dưới 30kg sẽ được gọi là lợn cắp nách, còn với những loại lợn chết từ 50kg trở lên sẽ được gọi là lợn rừng. Để tạo sự tin tưởng, chủ cơ sở giết mổ lợn chết còn sẵn sàng cho khách cả nửa kg thịt ăn thử mà không lấy tiền.
Những con lợn chết sau quy trình thui vàng biến thành lợn Mán được đem ra chợ bán. Ảnh cắt từ clip.
Với những miếng thịt lợn đã được thui kỹ thì du khách có tìm căng mắt cũng không thể thấy dấu hiệu nhận biết như chủ hàng quảng cáo. Lại thêm tâm lý mua hàng vội vã khi đi du lịch, nhiều khách hàng sẵn sàng trả hàng triệu đồng mua cả con lợn về làm quà.
Được biết, một con lợn hàng chục kg, khi thu mua giá chỉ 200.000 đồng, nhưng khi phù phép thành lợn Mán thì giá bán đã tăng vọt thành 120.000 đồng/kg. Siêu lợi nhuận đã khiến cho các gian thương dùng đủ mọi thủ đoạn để trục lợi trên sức khỏe của người tiêu dùng.
Những miếng thịt lợn chết được thui vàng che mắt người tiêu dùng. Ảnh cắt từ clip.
Để khẳng định lại một lần nữa nguồn gốc của những miếng thịt lợn Mán, PV vào vai một người mua hàng, cẩn thận hỏi lại: "Đây là lợn rừng à? Lợn rừng chuẩn không?"
Chủ cơ sở khẳng định: "Lợn rừng đấy, nuôi đấy. Em ăn cơm chưa? Chưa ăn anh cắt cho 5 lạng đi ăn không phải trả tiền đâu".
Vâng với đủ mọi loại hình chào hàng, lại còn khuyến mãi "5 lạng" về ăn thử, nhiều người tiêu dùng đã bị những thủ đoạn như trên che mờ mắt và sẵn sàng mua về "xài thử". Chưa thấy ích lợi ở đâu nhưng vô số mầm bệnh đang bủa vây lấy những người mua nhẹ dạ cả tin. Còn đối với người bán, với họ, chỉ cần có siêu lợi nhuận là được, ngại gì không "hô biến" những con lợn chết thành lợn Mán.