Hoa, 25 tuổi, cố gắng dậy sớm, đi làm từ lúc 5h những mong không khí khá khẩm hơn. Bầu trời có vẻ mát mẻ, thoáng đãng. Tuy nhiên, sau khi chạy xe được mấy phút, cô không chịu nổi vì quá "ngợp". Sự ngột ngạt, khó thở bao trùm khắp không gian. Lớp bụi mờ đục cứ ngỡ là mây mù hoặc sương sớm khi tiết trời sang Thu. Nhưng trên thực tế, đó là lớp không khí ô nhiễm ở mức báo động.
Trong khi đó, bác Nguyễn Cao Oánh, 71 tuổi, thường xuyên theo dõi tình hình ô nhiễm không khí nhiều ngày qua tại Hà Nội. Bác lo lắng sức khỏe của bản thân và con cháu trước sự "tấn công" của siêu bụi mịn PM2.5.
Người Hà Nội lo lắng trước tình trạng ô nhiễm không khí. Thực hiện: Kingpro.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia môi trường, từ 13/9 đến nay, Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí trầm trọng, đặc biệt vào ban đêm, sáng sớm và chiều tối. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài Nguyên và Môi trường nêu rõ chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Bộ khuyến cáo, người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.
"Mình từng nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với thành phố lớn như Hà Nội, vì nơi này cho mình nhiều cơ hội trải nghiệm và trưởng thành. Tuy nhiên, ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhẹ thì bệnh về hô hấp, nặng có thể là ung thư. Mình đang phân vân liệu có nên bỏ thành phố về quê hay không?" - Hoa nói.
"Hay là mình bỏ thành phố về quê trồng rau nuôi cá" - nghe qua thì như một câu nói đùa, nhưng lại đáng suy ngẫm với thực trạng của Hà Nội và TPHCM hiện nay. Không riêng gì người trẻ như Hoa, nhiều gia đình có con nhỏ cũng đang dự tính giải pháp "di cư" về quê sau khi môi trường không khí tại Hà Nội chưa có dấu hiệu cải thiện.
Hà Nội từ ngày 13/9 luôn trong tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề.
Chị Mai, 35 tuổi, lo lắng khi 2 đứa nhỏ nhà chị thời gian này thường xuyên bị ngạt mũi. Bản thân chị thỉnh thoảng có dấu hiệu tức ngực, khó thở, ho nhiều sau khi từ chỗ làm về nhà. Để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, chị và chồng bàn tính mua một chiếc máy lọc không khí.
"Bình thường 6h30 tôi bắt đầu rời nhà. Đường thì tắc, khói bụi, các công trình xây dựng không ngừng xả thải. Dù biết máy lọc không khí chỉ cải thiện phần nào chất lượng không khí trong nhà, nhưng có còn hơn không, ít nhất là đối với 2 đứa con nhỏ. Sắp tới, nếu tình hình môi trường ở Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì mức độ nguy hiểm, chúng tôi sẽ xem xét gửi con về quê với ông bà" - chị Mai nói.
Từng sinh sống ở Hà Nội nhiều năm, anh Tuấn, 30 tuổi, đã quyết định về Thái Nguyên lập nghiệp. Mặc dù bị gia đình phản đối, nhưng anh vẫn kiên định với "bước đi" táo bạo của mình. Anh nói, chất lượng cuộc sống ở quê tốt hơn dù không đủ đầy như trên thành phố.
"Một trong những nguyên nhân mình không muốn ở lại Hà Nội, chính là vì ô nhiễm và tắc đường. Sau khi học xong, mình chỉ muốn về quê, đường sá rộng rãi, không khí thoáng đãng. Nếu có việc phải ra Hà Nội, mình chỉ ở nhiều nhất là 2 ngày, vì không chịu nổi sự ồn ào và tấp nập" - anh Tuấn tâm sự.
Khẩu trang trở thành "người bạn" thân quen với mỗi người dân. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang hoạt tính 3 lớp, có chức năng cản bụi siêu mịn PM2.5.
Bác Nguyễn Văn Toán, 70 tuổi, bày tỏ lo ngại trước thực trạng môi trường hiện nay, kể cả khi đi thể dục, bác cũng phải trang bị khẩu trang nhiều lớp. Dù bản thân chưa bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng bác Toán nghĩ rằng nếu ô nhiễm kéo dài, sẽ không loại trừ những căn bệnh về đường hô hấp.
"Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nhiêm trọng tới sức khỏe người dân, người già thì càng phải chú ý. Gần 1 tháng rồi Hà Nội chưa mưa, không khí hanh khô càng làm bụi phát tán mạnh. Sáng sớm mà ngột ngạt khó chịu vô cùng. Ngay cả những hàng cây xanh trên vỉa hè và dải phân cách cũng có dấu hiệu héo úa" - bác Toán chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình bác Hưng, 65 tuổi, luôn phải đóng chặt cửa sổ. Bác tạm thời ngừng chạy bộ ngoài đường để hạn chế hít phải khói bụi. "Nhà tôi ở chung cư cao tầng nhưng cũng không dám hé cửa vì thời gian này ô nhiễm quá nghiêm trọng. Nếu đúng là Hà Nội vào Thu thì không khí sẽ trong lành, nắng đẹp, nhưng hiện nay có cái gì đó rất mờ đục".
Trong buổi giao ban báo chí thường kỳ của Thành uỷ Hà Nội chiều 1/10, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP cho biết cơ quan chức năng đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí. Đồng thời đề xuất những giải pháp hạn chế tình trạng nói trên.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể xuất hiện mưa giông, nhờ đó sẽ cải thiện chất lượng không khí.