Các nhân viên của tổ chức bảo vệ động vật AnimaNaturalis mới đây đã chia sẻ một đoạn clip đầy phẫn nộ về cảnh đốt đầu bò mộng tại lễ hội thường niên Toro Jubilo, tổ chức tại thị trấn Medinaceli, Soira, Tây Ban Nha.
"Bò Lửa" là một lễ hội thường niên tại đây trong suốt nhiều thế kỉ qua, thu hút hơn 1,500 người tham gia mỗi năm. Quay phim và chụp ảnh là hai hình thức đặc biệt bị nghiêm cấm tại lễ hội này, song các phóng viên vẫn kịp ghi hình lại những khoảnh khắc rùng rợn dưới đây khi sự kiện diễn ra (Lưu ý: Hình ảnh chứa yếu tố nhạy cảm với một số người xem):
Bò mộng chạy loạn với cái đầu rực lửa trong một lễ hội man rợ nhất Tây Ban Nha.
Theo như những gì tổ chức bảo vệ động vật ghi lại được, con bò mộng đã bị khoảng 20 người đàn ông bao vây, khống chế để đặt lên sừng nó một miếng gỗ dễ bắt lửa. Sau đó, một người châm lửa miếng gỗ khiến cả đầu con bò rực cháy.
Con vật tội nghiệp dùng hết sức bình sinh để vùng vẫy cũng như cố gắng dập tắt đám cháy, song kết quả vẫn không khá hơn; con bò mộng bị đốt cháy đầu đến rỉ máu trong tiếng hò reo của người tham gia lễ hội. Điều này diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ, khiến con bò trở nên kiệt sức. Sừng và mắt nó đã bị thiêu trụi, làm con vật đâm sầm vào tường vì không xác định được phương hướng.
Con bò bị khống chế để đặt miếng gỗ dễ bắt lửa lên đầu.
Sau nhiều giờ bị bạo hành, đầu con vật đã chảy rất nhiều máu, nhưng nó vẫn tiếp tục bị đốt.
Con bò chạy trong sự hoảng loạn, với phần sừng và mắt bị thiêu rụi.
Con bò mộng đâm sầm vào tường trong tiếng reo hò của người tham gia lễ hội.
"Thật kinh khủng!" - chủ tịch hiệp hội bảo vệ động vật PETA Anh Quốc Elisa Allen nói. "Ở thế kỷ 21 tại một đất nước văn minh nhưng vẫn còn xuất hiện tình trạng bạo hành động vật dã man như trên là không thể chấp nhận được. Tưởng tượng con bò sẽ phải chịu đau đớn đến nhường nào với từng đó khoảng thời gian bị hành hạ? Điều này cần phải chấm dứt ngay lập tức!"
Được biết, trung bình mỗi năm sẽ có 3,000 con bò bị thiêu cháy ở nhiều vùng khác nhau trên khắp nước Tây Ban Nha. Hiệp hội bảo vệ động vật đã nhiều lần cố gắng thuyết phục chính quyền nước này ban lệnh cấm tổ chức lễ hội, song nó vẫn cứ được tiến hành vì - theo lời các nhà chức trách - đây là "một sự kiện văn hóa đặc biệt".
Cùng lúc đó, hơn 90,000 người đã kí giấy yêu cầu Giáo hoàng Phanxicô can thiệp, nhằm chấm dứt tình trạng bạo hành này trong tương lai.