Quy tụ dàn diễn viên thực lực như Tôn Lệ, Lưu Đào, Mã Tô, Phương Trung Tín, Cao Vân Tường, Hoàng Hiên… bom tấn cổ trang
Mị Nguyệt Truyện sẽ chính thức lên sóng vào cuối tháng 11 tới đây. Khán giả đang đếm ngược từng ngày để thấy Tôn Lệ trong vai diễn thái hậu đầu tiên của lịch sử phong kiến Trung Hoa, đồng thời hi vọng, cô có thể hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Chân Hoàn. Tôn Lệ thẳng thắn cho hay: “Mị Nguyệt nhất định xuất sắc hơn Chân Hoàn, vượt xa trên nhiều phương diện”.
Tôn Lệ khẳng định vai Mị Nguyệt sẽ xuất sắc hơn Chân Hoàn
Dự án Mị Nguyệt Truyện đã trải qua 3 năm viết kịch bản với 6 lần chỉnh sửa, khi đạo diễn Trịnh Hiểu Long tìm đến Tôn Lệ, ông rất lo lắng cô không đồng ý tham gia vì sau tác phẩm Chân Hoàn Truyện, Tôn Lệ từng nói không muốn đóng phim cổ trang nữa. Chỉ sau khi đọc kịch bản, Tôn Lệ mới gật đầu hóa thân vào vai Mị Nguyệt. Cô cho hay: “Quả thực, sau khi đóng xong Chân Hoàn, tôi không còn muốn diễn thêm bất cứ vai cổ trang nào nữa. Nhưng sau khi xem xong kịch bản, Mị Nguyệt thực sự quá hấp dẫn”.
Poster mới của “Mị Nguyệt Truyện”
Vì ê-kíp thực hiện Chân Hoàn Truyện và Mị Nguyệt Truyện là một, nên nhiều người lo lắng cho Mị Nguyệt sẽ trở thành “Chân Hoàn thứ hai”. Đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã xóa tan nghi ngờ bằng lời giải thích: “Tiểu thuyết Chân Hoàn là giả tưởng, không có thật trong lịch sử. Khi dựng thành phim, chúng tôi đã lấy bối cảnh nhà Thanh, dưới triều vua Ung Chính để mọi tình tiết được diễn ra hợp lý. Còn Mị Nguyệt là nhân vật lịch sử có thật, có nhiều minh chứng trong sách sử, chúng tôi phải tái dựng thật rõ ràng và chi tiết cuộc đời của cô ấy. Hơn nữa, phạm vi của Mị Nguyệt Truyện rộng hơn Chân Hoàn rất nhiều, không chỉ bó hẹp trong phạm vi cung đấu. Hơn nữa, bối cảnh của hai bộ phim hoàn toàn khác nhau. Một cái là ở thời nhà Thanh, một cái ở thời Chiến quốc, giai đoạn bảy nước tranh đấu”.
"Mị Nguyệt Truyện" sẽ là bộ phim có bối cảnh thời Chiến quốc, giai đoạn bảy nước tranh đấu
Biên kịch Vương Tiểu Bình còn tiết lộ thêm: “Mị Nguyệt Truyện phản ánh tình cảm với quốc gia, là sự đi lên về tư tưởng của triều đại phong kiến lúc bấy giờ”. Để khán giả an tâm, Tôn Lệ cũng giải thích cho vai diễn của mình: “Ngay từ đầu, trong Chân Hoàn Truyện, các phi tần đã bắt đầu tranh đấu với nhau. Mục đích của bộ phim ấy cũng là để khắc họa việc tranh sủng giữa chốn thâm cung. Còn ở Mị Nguyệt Truyện, tranh sủng không phải là mục đích của đạo diễn, thế nên sẽ không có chuyện phi tần hại nhau ngay từ đầu. Nó chú trọng đến việc miêu tả một cô gái từ tốt thành xấu ra sao, vì đất nước mà hi sinh bản thân như thế nào. Mị Nguyệt sẽ đậm chất chính trị hơn là hậu cung tranh đấu”.
Ngoài điểm thu hút là những cuộc đo sức, đọ trí trong chính trị, chuyện tình của Mị Nguyệt cũng gây được chú ý. Bởi chính sự trắc trở, éo le trong đường tình duyên là yếu tố quan trọng làm thay đổi con người của Mị Nguyệt. Khi được hỏi mối tình nào là khó quên nhất, Mị Nguyệt – Tôn Lệ cho hay: “Chắc là mối tình với Hoàng Yết (
Hoàng Hiên), bởi cái mà cả đời ta không có được mới chính là thứ day dứt và khó quên nhất”.
Nữ chính Tôn Lệ
Mị Nguyệt Truyện là tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng, từ khâu tuyển chọn diễn viên cho đến hậu kì đều do đích thân đạo diễn Trịnh Hiểu Long giám sát. Ông hoàn toàn tin tưởng “hai con át chủ bài” trong tác phẩm lần này là Tôn Lệ và
Lưu Đào. Trịnh Hiểu Long dành lời khen cho Tôn Lệ: “Cô ấy dùng cả tính mạng của mình để diễn. Tôn Lệ đã hoàn toàn nhập thần vào vai diễn. So với Chân Hoàn thì Mị Nguyệt đã được đưa lên một tầm cao mới”.
Lưu Đào sẽ thử sức với vai ác
Đối với Lưu Đào, ông cũng cho hay: “Ban đầu, tôi cảm giác Lưu Đào giống như một công chúa, khí chất của cô ấy cao quý. Hơn nữa, Lưu Đào thường vào những vai mẹ hiền dâu đảm, diễn vai người tốt là rất chuẩn. Ở giai đoạn đầu, nhân vật Mị Xu của cô ấy chính là như vậy, nhưng sự chuyển biến từ lương thiện sang cay độc sau này mới chính là thử thách với Lưu Đào. Cô ấy đã diễn rất mượt, không phụ sự kì vọng của tôi”.
Bộ phim truyền hình Mị Nguyệt Truyện có nội dung xoay quanh nhân vật Mị Nguyệt – người ban đầu chỉ là ái thiếp của Tần vương. Trải qua những gian lao vất vả, Mị Nguyệt đã trở thành Tuyên thái hậu – vị thái hậu quyền lực đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Phim sẽ chính thức được trình chiếu trên đài Đông Phương, kể từ ngày 30/11.
Bên cạnh đó, người hâm mộ của nam diễn viên Hồ Ca sẽ nhanh chóng được gặp lại anh trong bộ phim mới mang tên Trường Săn. Lần này, Hồ Ca sẽ đảm nhận vai chính Trịnh Thu Đông – một nhân vật lừng lẫy trên thương trường. Ngoài ra, Trường Săn cũng quy tụ dàn diễn viên thực lực nổi tiếng như: Trần Long, Tôn Hồng Lôi, Trương Gia Dịch, Lý Cường, Tổ Phong, Hồ Binh, Đỗ Giang…
Hồ Ca trong vai Trịnh Thu Đông
Trường Săn miêu tả nhân vật trung tâm là Trịnh Thu Đông (Hồ Ca). Dưới sự giúp đỡ của bạn gái La Y Nhân (Tiêm Nhẫn Tư) và bạn chí cốt Lão Bạch (Tổ Phong), Trịnh Thu Đông đã bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Không được bao lâu thì Lão Bạch qua đời, sự nghiệp mới khởi sắc của Thu Đông cũng vì thế mà dần dần lụi bại. Vốn là một người không chịu khuất phục trước số phận, Thu Đông vẫn muốn gây dựng lại từ đầu. Thời gian trôi qua, sự xuất hiện của Lâm Bái (Trần Long) đã đem lại cơ hội có một không hai cho Thu Đông, Lâm Bái trọng dụng Thu Đông, hai người liên kết để đánh bại đối thủ trên thương trường là Viên Côn (Lý Cường).
Các diễn khác trong “Trường Săn”
Trường Săn được coi là bộ phim tái hợp cho Trần Long và Hồ Ca. Bởi trước đó, hai người từng hợp tác trong bộ phim Thiếu Niên Dương Gia Tướng. Trần Long là anh em tốt của Hồ Ca cả trong phim lẫn ngoài đời. Người hâm mộ cũng “cật lực” ghép đôi cho họ: “Cuối cùng thì Ngũ lang cũng gặp lại Lục đệ”, “Tôi chỉ muốn hỏi, Hoắc Kiến Hoa có biết chuyện này không?”, “Hồ Ca đứng với Trần Long cũng rất đẹp đôi”, “Tình huynh đệ thăng cấp trong phim mới, Trường Săn vốn không cần đến nữ chính…”.
Bộ phim Trường Săn do Công ty truyền thông Đông Dương Thanh Vũ và Tập đoàn điện ảnh Chiết Giang phối hợp sản xuất. Phim có độ dài 35 tập, sẽ lên sóng vào năm 2016.
(Tổng hợp dịch từ: sina)