Nhân ngày "Gia đình Việt Nam", hãy cùng chúng mình điểm lại những bộ phim về đề tài "gia đình" đã chinh phục hàng triệu trái tim. <img src='/Images/EmoticonOng/13.png'>
1. Mẹ Con Đậu đũa (1998) – "Người mẹ" đặc biệt nhất
Nếu để nói về một phim Việt Nam cảm động và sâu sắc nhất về tình cha con thì có lẽ không thể bỏ qua Mẹ Con Đậu Đũa. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của hai cha con Đậu Đũa tuy khó khăn, vất vả nhưng tràn ngập tình yêu thương.
Câu chuyện cảm động về cha và con gái
Mẹ Đậu Đũa mất từ khi em vẫn còn nhỏ, cha em một tay nuôi lớn em trong cảnh thiếu thốn và khổ sở. Cha Đậu Đũa vừa nghiêm khắc, vừa thương yêu Đậu Đũa rất dịu dàng. Tuy cha không thể cho em cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng đã làm tốt cả vai trò của người mẹ.
Cha lúc nào cũng ở bên Đậu Đũa.
Phim Mẹ Con Đậu Đũa không thiếu những cảnh cảm động, lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Đó là khi cha Đậu Đũa vai áo bạc phếch, gò lưng đạp xe "cà tàng" đèo em đi thi "Bé khỏe, bé đẹp" trên con đường đồi núi lầy lội. Dáng cha liêu xiêu, khắc khổ nhưng vẫn gắng quay guồng chân kịp giờ cho em. Đó là lúc cha buồn và bối rối không có tiền mua váy đẹp cho Đậu Đũa; lúc cha hấp tấp lau cho Đậu Đũa những vết bẩn khi bị chiếc xe tải xẹt ngang bắn bẩn lên hai cha con; lúc cha trả lời câu hỏi trong phần thi dành cho bố mẹ các bé. Khi đọc câu hỏi cho cha Đậu Đũa về việc cho con bú, cả hội trường cười vang. Nhưng đến khi nghe câu trả lời của cha về kỹ thuật pha sữa, rửa bình như thế nào, không còn một ai cười nữa, thay vào đó là sự cảm động và những giọt nước mắt cảm thông. Đậu Đũa tuy không được hưởng tình yêu thương và sự chăm sóc dịu dàng của mẹ, nhưng cô bé thật may mắn vì có người cha như thế.
2. Của Để Dành (1998) – Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ
Phim Của Để Dành đã sản xuất được hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, vấn đề mà nó đề cập đến thì chưa bao giờ cũ. Những đứa con tất bật với cuộc sống riêng, không có thời gian chăm sóc cha mẹ, giao phó tất cả “chữ hiếu” cho người giúp việc là câu chuyện vẫn luôn hiện hữu ở thì hiện tại.
Của Để Dành xoay quanh cuộc sống trong ngôi nhà cổ ở Hà Nội, nơi bà Vi và ba người con đã trưởng thành của bà: Thanh, Tiến và Thư sinh sống. Ba người con, như rất nhiều đứa con khác, bận rộn với cuộc sống riêng, mẹ già đã lớn tuổi và thường xuyên đau ốm nhưng vẫn không thể quan tâm săn sóc. Ba người thể hiện việc quan tâm mẹ bằng cách mướn một người giúp việc nhà chăm sóc cho bà Vi. Nhưng cả ba người giúp việc là bà Đất, cô Lài, bé Luyến đều không ở lại lâu. Mệt mỏi và buồn lo vì con cái, bà Vi bỏ nhà ra đi. Lúc bấy giờ, mấy đứa con mới lo lắng và bổ đi tìm mẹ. Phim kết thúc có hậu khi những đứa con đã hiểu ra và đón mẹ trở về. Cảnh phim xúc động nhất chính là khi bà Vi bỏ đi, cô Thư đi tìm mẹ thì gặp chị nhặt rác đèo con trên xe đạp, người mẹ cúi xuống nhặt cho đứa con cái ô tô hỏng, tiếng mẹ ru mỗi giấc ngủ chợt vang lên trong không gian tĩnh lặng, đưa đứa con trở về những ngày tháng tuổi thơ được mẹ bồng bế vỗ về chăm sóc.
Những đứa con “quên” mất việc chăm sóc mẹ.
Của Để Dành nói về một đề tài không hề mới, tình tiết phim cũng nhẹ nhàng nhưng những suy tư mà nó để lại thì không hề cũ. Mẹ là người chăm sóc, yêu thương, lo lắng đến từng giấc ngủ của các con, thế nhưng khi lớn lên, các con lại quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Câu thành ngữ: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày…” là lời nhắc nhở đến những đứa con vô tình biến mình thành kẻ vô tâm.
Ca khúc "Lời ru cho con" đầy xúc động dưới sự thể hiện của ca sĩ Trần Thu Hà
3. Chuyện Nhà Mộc (1998) – Câu chuyện hài cha đưa con gái đi thi đại học
Chuyện Nhà Mộc là câu chuyện hài về gia đình ông Mộc. Từ chuyện ông đưa đứa con gái lớn ra Hà Nội thi đại học, cho đến khi cô con gái đi lấy chồng mà không hề báo trước với gia đình... bộ phim tràn ngập những tình huống gây cười mà chính ở trong ấy luôn chứa đựng thứ tình cảm ấm nóng – tình yêu thương mà người cha dành cho đứa con gái đầu lòng.
Hình ảnh mà mỗi khán giả nhớ nhất trong Chuyện Nhà Mộc có lẽ là khi ông Mộc đưa con gái Mai ra thành phố học thi đại học. Tìm chỗ trọ, bị “cò” lôi kéo, mua sách luyện thi, tìm lớp luyện thi cấp tốc, nhường cho con những miếng ăn ngon... đều rất chân thực, đó là những nỗi vất vả và lo âu của tất cả bậc cha mẹ: Ngồi chờ con thi dưới cái nắng hè oi bức, sốt ruột và hồi hộp hơn cả thí sinh đi thi; Mong ngóng kết quả thay đứa con nhỏ dại; Con trượt cha mẹ buồn nhiều hơn con; Con đỗ vui mừng khôn xiết nhưng sau niềm vui ấy là nỗi lo lắng làm sao kiếm đủ tiền cho con học trên thành phố.
Ông Mộc luôn có mặt những lúc con gái khó khăn nhất.
Chuyện Nhà Mộc là câu chuyện về tình yêu thương của cha dành cho con cái. Dù con có ở đâu, có làm gì, cha vẫn luôn luôn theo sát con. Cô con gái Mai đỗ đại học là niềm tự hào của ông Mộc, ông luôn luôn tin tưởng cô con gái yêu của mình. Nhưng ngay cả khi cô con gái ấy trót dại lấy chồng không thông qua gia đình, ông lật đật lên thành phố, nhìn tình trạng hôn nhân của con, trách mắng thì ít, thương con thì nhiều, lại trở thành một người cha – một người hùng, giúp con gái và chồng hòa thuận, êm ấm. Tình yêu thương, sự quan tâm của cha dành cho con gái đã giúp cho hai vợ chồng đứa con trên bờ vực đổ vỡ trở về bên nhau.
4. Mùa Lá Rụng (2000) – Gia đình là nơi bình yên và bao dung nhất
Mùa Lá Rụng dựa trên cuốn tiểu thuyết Mùa Lá Rụng Trong Vườn của nhà văn Ma Văn Kháng. Bộ phim là những câu chuyện xoay quanh những mối quan hệ, những xung đột của các thành viên trong một đại gia đình cùng chung sống dưới mái nhà Hà Nội. Dù sống chung trong gia đình nhưng mỗi người con của ông Bằng lại có nỗi niềm riêng, vì thế gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Tình cảm gia đình hóa giải mọi lỗi lầm.
Nhưng bỏ qua những mâu thuẫn, những tác động và mặt trái của thời kỳ mở cửa như chuyện cô con dâu cả - bà Lý - có bồ, ham kinh doanh mà biến sân vườn thành quán cafe; ông anh Đông vô tâm không quan tâm đến gia đình; cậu con thứ ba vượt biên, bỏ lại vợ con, mang tiếng xấu cho gia đình… thì Mùa Lá Rụng là một bộ phim rất hay về gia đình, phản ánh rõ nét nhất nếp sinh hoạt cũng như văn hóa gia đình Việt Nam: lễ nghĩa, thương yêu nhau, kính trên nhường dưới. Dù bà Lý có đanh đá, nanh nọc, nhiếc mắng chồng nhiều đến đâu, trước mặt ông Bằng – bố chồng, vẫn giữ đúng phép tắc phận làm con dâu. Bữa cơm trong gia đình luôn được trân trọng khi cả nhà phải đợi ông vào rồi mới bắt đầu ăn. Con cái khi làm việc gì đều phải hỏi ý kiến cha mẹ trước. Dù các con có lỗi lầm đến thế nào, dù có giận cậu con trai lưu lạc nơi xứ người, ông Bằng với tình yêu thương và bao dung của mình, tha thứ cho các con, vẫn trân trọng và mong mỏi từng lá thư của cậu con trai gửi về, vẫn mở rộng cửa đón cô con dâu dính vòng lao lý. Chính tình cảm gia đình, mối quan hệ ruột thịt không bao giờ mất là thứ “thuốc” cho tất cả lỗi lầm, hóa giải những xung đột, nhỏ nhen. Đó chính là thông điệp mà nhà làm phim muốn gửi gắm.
Ca khúc chủ đề Mùa Lá Rụng sống mãi trong lòng khán giả yêu phim lẫn yêu nhạc
5. Sóng Ở Đáy Sông (2002) – Thiếu tình yêu thương con cái dễ mắc lỗi lầm
Nếu như Mẹ Con Đậu Đũa nói về tình cảm cha con, cha Đậu Đũa dành hết sự thương yêu cho cô bé thì Sóng Ở Đáy sông hoàn toàn ngược lại. Người cha trong bộ phim – ông Đại, lại chỉ dành tình cảm cho cậu ấm Ý - là con của vợ chính thức. Còn ba người con Sông, Núi, Biển - "sản phẩm" của những đêm mò xuống “lay chân” bà giúp việc Hiển - thì bị ông đối xử bạc đãi và tàn ác.
Mẹ mất sớm, không được hưởng tình yêu thương của cha, thay vào đó ngày ngày phải đối mặt với sự độc ác, hà khắc cha dành cho mình, Núi từ một cậu bé ngoan ngoãn, hiền lành, thông minh và học giỏi trở thành một tên ăn cắp, một mình vật lộn mưu sinh, chăm sóc các em. Núi cứ giằng giật trong vai người tốt - kẻ xấu, những lúc tưởng rằng không thể quay lại cuộc sống lương thiện thì chính tình cảm gia đình đã giúp Núi sống lại. Tình mẫu tử đối với đứa con sau hơn hai mươi năm cách biệt khiến Núi thấy mình cần phải sống, sống vì đứa con của mình, để yêu thương và chăm sóc nó, xoa dịu đi vết thương lòng mà người cha đã gây ra cho mình.
Tình yêu thương con khiến Núi muốn sống lương thiện.
Bộ phim Sóng Ở Đáy Sông nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ, hãy quan tâm con cái đúng mực và công bằng giữa các con. Đôi khi, sự tị nạnh nhau giữa anh em trong một nhà chính là biểu hiện của việc thiếu thốn tình cảm, bởi đứa trẻ nào cũng cần tình yêu thương của cha mẹ một cách trọn vẹn nhất, chúng thường cảm thấy mình bị bỏ rơi khi cha mẹ đối xử người này hơn người kia. Sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ rất dễ khiến con cái sa ngã, bởi gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất cho mỗi đứa con.
Nhạc phim Sóng Ở Đáy Sông
Lần trước, nhân dịp Quốc tế Thiếu Nhi, chúng mình đã giới thiệu tới các bạn Top 5 phim thiếu nhi Việt Nam hay nhất. Có rất nhiều bạn chia sẻ rằng mình có cảm giác như được trở lại tuổi thơ nhờ "tấm vé trở về quá khứ" từ bài viết của chúng mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít bạn trẻ còn khá bỡ ngỡ, xa lạ với những bộ phim cũ. Lần này cũng vậy, chúng mình cố gắng giới thiệu tới các bạn những bộ phim từ rất lâu rồi và gắn liền với tuổi thơ của không ít 8x, 9x... Cho dù bạn có hay không hứng thú với phim ảnh nước nhà, chúng mình vẫn hi vọng bạn bỏ chút thời gian tìm xem lại những bộ phim này. Không chỉ để học lại những bài học làm người cơ bản, giản đơn... mà còn là để yêu hơn nghệ thuật nước nhà, tự hào vì chúng ta cũng từng làm ra những bộ phim vô giá như thế!