Ghostbusters được sản xuất vào năm 1984 là một phim hài về đề tài siêu nhiên, được đạo diễn và sản xuất bởi Ivan Reitman, cùng với Dan Aykroyd và Harold Ramis viết kịch bản. Chuyện phim kể về ba nhà khoa học hành nghề bắt ma chuyên nghiệp ở New York.
Sau khi phim được công chiếu ở Mỹ đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và đạt được thành công lớn về mặt doanh thu ($242 triệu đô ở riêng thị trường Mỹ và hơn $295 triệu đô trên toàn thế giới). Ngoài ra, phim còn được hai đề cử ở Oscar lần thứ 57 cho giải Hiệu ứng hình ảnh và Nhạc nền xuất sắc nhất. Vào năm 2015, thư viện Quốc hội Mỹ đã đưa phim vào danh sách những phim cần được bảo tồn của đất nước dựa trên những yếu tố văn hóa, lịch sử và ý nghĩa thẩm mỹ. Qua đó ta thấy rằng tầm ảnh hưởng với văn hóa đại chúng Mỹ của phim là cực kỳ lớn, vậy tại sao khi có kế hoạch reboot phim với dàn diễn viên toàn nữ lại bị ném đá dữ dội như thế?
1. Kì thị phụ nữ
Khi trailer của Ghosbusters được tung ra thì đã có hàng loạt những comment không hay dành cho trailer, đặc biệt hơn dù có những lời lẽ khác nhau, nhưng nó đều quy tụ về một chủ đề là kì thị phụ nữ:
"Women are just incapable of being funny. What a terrible idea" (Phụ nữ không hề có khả năng hài hước đâu. Thật là một ý tưởng tồi tệ).
"Feminists ruin the world" (Những người bênh vực phụ nữ làm hỏng thế giới này).
"Shouldn’t they be in the kitchen?" (Chẳng phải họ nên ở yên trong nhà bếp sao?).
"Did this just become a chick flick?" (Phim này giờ làm cho riêng phụ nữ à?).
"I’ll call the real Ghostbusters instead" (Thay vào đó tôi đi gọi đội săn ma “xịn” vậy).
Lượt dislikes vẫn không có dấu hiệu giảm đi, nó dần trở thành một trò chơi cá cược. Thậm chí họ còn cá cược với nhau con số kỉ lục ấy sẽ cao đến mức nào, ngoài ra họ còn tố cáo hãng Sony đã xóa bớt những bình luận và sửa đi những số liệu thống kê.
Biệt đội bắt ma với một diện mạo hoàn toàn mới
Vẫn có những ý kiến khách quan cho rằng việc thay đổi giới tính dàn diễn viên sẽ làm thay đổi đối tượng khán giả. Khi trong phiên bản cũ, các fan mê mệt hình tượng những anh chàng lập dị khám phá những điều siêu nhiên. Việc đổi thành nhân vật nữ sẽ khiến tính chất hài hước của phim bị thay đổi, có thể trở thành một loại chick-flick rẻ tiền.
Dù vậy cũng có ý kiến, nếu đổi lại dàn cast là Michael Cera, Jonah Hill, Channing Tatum, Danny McBride và James Franco liệu có bị phản ứng dữ dội vậy không? Có lẽ là vẫn có, nhưng không đến nỗi như tình trạng hiện tại.
2. Chất lượng dàn diễn viên
Melissa McCarthy được xem là cân cả đội bắt ma, về cả diễn xuất lẫn cân nặng
Trong những cô nàng sẽ cầm trịch phim và giải cứu thế giới mùa hè này, riêng chỉ có Melissa McCarthy là được biết đến. Đây được xem là tia hi vọng duy nhất của biệt đội bắt ma mới. Bởi cô không chỉ bảo chứng doanh thu phòng vé mà còn được đánh giá cao qua nhiều đề cử giải thưởng. Sự “hợp rơ” giữa cô cùng đạo diễn Paul Feig trong hai phim gần đây nhất của ông là Bridemaids và The Heat.
Dù vậy, sự xuất hiện của cô làm khán giả e ngại về yếu tố hài hước của phim. Gắn liền với McCarthy là những câu thoại gây cười về vẻ ngoài, cân nặng của các diễn viên nữ. Một cô diễn viên chuyên về hài nhân vật đóng chính một phim gây tiếng vang bởi sự đồng điệu trong hài tình huống, có lẽ lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Biệt đội bắt ma sẽ trở thành Biệt đội những phù dâu?
Thêm nữa, trong dàn diễn viên chính có Kristen Wiig là diễn viên chính trong Bridesmaids (Phù dâu). Đạo diễn Feig làm người ta sợ rằng ông sẽ làm một phim kiểu “Sự trở lại của các cô nàng phù dâu” chứ không phải một cái gì mang tính riêng biệt.
Thần sấm Thor vẫn đẹp trai, nhưng chuyển nghề làm thư ký
Ngoài ra, anh chàng thần sấm đẹp trai Chris Hemsworth chưa bao giờ là một cái tên đảm bảo doanh thu, khi những phim anh đóng ngoài Marvel đều bị “xịt”. Anh có tóc vàng, có khuôn mặt đẹp trai điển hình tuy nhiên khán giả chưa nhìn thấy gì nhiều hơn điều đó. Từ một thần sấm Thor oai phong lẫm liệt anh có vẻ… đã bị đuổi về Trái Đất, trở thành anh chàng thư kí Kevin của các cô gái (bản gốc là Janine Melnitz do Annie Potts thể hiện). Nên có lẽ chúng ta hãy sẵn sàng cho những đùa cợt khiếm nhã về giới tính trong khu làm việc tràn ngập suốt thời lượng phim.
3. Vì nó là một bản reboot
Những năm gần đây, người người nhà nhà không hề ngại ngần, thi nhau làm các bản reboot dù chất lượng có cao hay không là một chuyện khác. Người ta muốn gây dựng lại những franchise dù đã kết thúc nhiều năm, như Spider-Man chẳng hạn. Dù làm rất nhiều nhưng những bản reboot thực sự có giá trị chỉ đếm trên đầu ngón tay (Star Trek, series The Jump Street), còn lại là vô số những phim thất bại (về mặt chất lượng hơn là doanh thu) như Fantastic Four.
Một bản reboot bom xịt điển hình "Fantastic Four" năm 2015
Chính các fan ruột của bản gốc là “vấn đề” cho điều này. Đối với họ, bản gốc là tuyệt nhất, tốt nhất. Nếu làm lại y hệt, thì đó là đạo ý tưởng (Star Wars III), còn nhà làm phim biến tấu dù một chi tiết nhỏ thôi, đó sẽ là một bước phá hoại tuổi thơ của họ. Tuy nhiên đối với trường hợp này, các fan có lý do để phản đối và tức giận. Feig không đơn thuần thêm thắt hay “làm lại”, mà chính ông đang tái tạo lại câu chuyện, chuyển nó sang một hướng hoàn toàn khác, hay nếu tệ hơn là… phá nát câu chuyện.
Có rất nhiều lý do đang chống lại Feig và đồng sự. Hiện tại có rất ít số nhà làm phim có thể làm một bản reboot tốt, vừa tạo doanh thu vừa không chọc giận fan bản gốc. Ghostbusters bản mới này có thể sẽ thu hút được phần lớn khán giả tò mò về cách làm “mới” của đạo diễn Feig.
4. Đây là một cách “phá hoại” di sản Ghostbusters
Nếu bỏ qua những hạn chế của một bản reboot, thì làm mới Ghostbusters cũng không phải là ý kiến hay. Bởi vì nhiều lý do (Bill Murray không đồng ý với kịch bản được nói đến nhiều nhất) nên dù cố gắng rất nhiều trong suốt 25 năm qua để ra được phần 3 của loạt phim nhưng không thành. Thêm nữa, biên kịch chính của bản gốc là Harold Ramis đã mất, và cả những con người đã làm nên phim tuyệt vời ấy là Ivan Reitman hay Bill Murray cũng không hề muốn tham gia vào. Đối với fan ruột của loạt phim này, phần 3 không thành phim nhưng họ đã có một bản video game vào năm 2009 với đầy đủ giọng lồng tiếng của các diễn viên. Với họ, câu chuyện tuyệt vời này thật sự đã kết thúc và đã quá đủ rồi.
Ghostbusters đã trở thành một nét văn hoá của người dân Mỹ
Ernie Hudson, người đã vào vai Winston Zeddmore năm nào đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Nếu không có bất cứ một liên hệ nào với hai phần phim trước, thêm nữa lại toàn phụ nữ, không có diễn viên trong bản gốc nào, làm sao người ta có thể gọi nó là Ghostbusters cho được?”. Tại sao không đơn thuần làm một phim về những người phụ nữ bắt ma, có thể giữ nguyên hầu hết kịch bản nhưng bỏ đi cái tên đã trở thành văn hoá Mỹ ấy? Nếu làm theo cách đó, có thể Sony sẽ tránh được làn sóng phản đối từ những fan bản gốc, vin vào cớ muốn lợi nhuận cao, thậm chí có thể quảng cáo rằng “Đây là một nhóm người bắt ma mới được trình làng”, chỉ đừng dùng lại tên Ghostbusters.
5. Một chiêu quảng bá rẻ tiền và thiếu khôn ngoan
Việc đổi giới tính dàn diễn viên cũng bị nghi ngờ đó là một chiêu quảng bá cho phim. Trong chiến lược quảng bá của mình, Sony đã cố gắng câu kéo danh tiếng của thương hiệu một thời bằng cách đưa vào câu “Những kẻ bắt ma… nhưng là phụ nữ”, một cách để “động chạm” đến tuổi thơ của nhiều người. Một cách dễ hiểu, nếu Sex and the City với dàn cast là đàn ông có lẽ cũng sẽ bị ném đá như thế. Nếu đạo diễn Feig và nhà sản xuất muốn tăng doanh thu bằng cách này, rõ ràng không phải là một ý kiến sáng suốt.
Cái tên Ghostbusters thực sự là một thương hiệu được công nhận của riêng dân Mỹ và trên toàn thế giới. Sử dụng chính cái tên này tuy với một câu chuyện hoàn toàn khác trước được cho là một chiêu thu hút dư luận hơn là cần thiết về mặt nghệ thuật. Được biết nhà sản xuất đã bỏ ra số kinh phí khủng cho phim (gần $150 triệu), đủ biết kì vọng và áp lực về mặt doanh thu của họ là rất lớn.
Trailer phim đã đạt được kỉ lục về lượng dislikes của Youtube, và còn hứa hẹn không ngừng tăng trong thời gian tới
Sau khi trailer phim được tung ra, twitter gần như ngập trong vô số những phản ứng khác nhau từ người xem, đến nỗi khó tin được là tất cả họ đang cùng xem một video. Hiện tại, đã có hơn 300 ngàn lượt dislikes cho trailer của Ghostbusters trên kênh Youtube của Sony Pictures. Đến cả “thảm họa” Fantastic Four năm 2015 cũng chỉ có hơn 7000 lượt dislikes. Khi nhìn vào tất cả những lời bình luận của khán giả, tại sao hầu hết đều là về giới tính của dàn diễn viên? Không một lời nào về kịch bản, những con ma, công nghệ, bởi vì khán giả không được bất cứ một thông tin nào về điều đó. Tất cả những gì nhà sản xuất cho chúng ta biết là về giới tính của dàn diễn viên. Đó có lẽ cũng là sự chú ý mà họ muốn hướng đến.