Có thể nói trong một vài năm trở lại đây, điện ảnh Nhật Bản chưa từng có một phim nào đạt được tiếng vang như
Rừng Na-Uy. Ngay từ những ngày dự án chuyển thể tác phẩm ăn khách của văn hào
Murakami Haruki được công bố, đã có hàng trăm ngàn fans hâm mộ tiểu thuyết cũng như điện ảnh ngóng chờ. Đặc biệt là trong tháng 12 ra mắt này, tin tức về
Rừng Na-Uy lại càng được cập nhật dồn dập trên mặt báo nhiều quốc gia khu vực châu Á. Đến ngay cả
Departure (Okuribito) cũng không được chào đón nồng nhiệt đến vậy dù với hào quang của tượng vàng Oscar lần thứ 81.
Cơn sốt phim chuyển thể
Rừng Na-Uy có được trước hết là đến từ nguyên tác tiểu thuyết. Ra mắt tại Nhật Bản vào năm 1987,
Rừng Na-Uy đã nhanh chóng gặt hái được thành công khi phơi bày một thế giới thực tăm tối trong cộng đồng trẻ xứ sở Phù Tang thời bấy giờ. Tác phẩm đã tiêu thụ được trên 10 triệu bản tại quê nhà và 2,6 triệu bản của 36 ngôn ngữ khác. Nhờ
Rừng Na-Uy, tên tuổi văn hào
Murakami Haruki được độc giả trẻ trên toàn thế giới biết đến và đặc biệt trở thành tác gia yêu thích của không ít người Việt. Nhưng đối với công chúng Việt Nam, phim
Rừng Na-Uy còn đặc biệt hơn nữa khi nó được đạo diễn bởi đạo diễn Pháp gốc Việt:
Trần Anh Hùng – người làm vinh danh đất nước hình chữ S với
Xích Lô và
Mùi đu đủ xanh.
Lần đầu tiên đạo diễn
Trần Anh Hùng đến với
Rừng Na-Uy là vào năm 1994. Ngay ở thời điểm đó,
Anh Hùng đã ấp ủ dự định sẽ chuyển thể tiểu thuyết này thành phim. Năm 2004, người đạo diễn tên tuổi đã lần đầu tiên ngỏ ý muốn của mình với tác giả
Murakami. Tuy nhiên, nhà văn cực kỳ "trầm tính và cực kỳ cẩn trọng" này đã không gật đầu ngay thời điểm đó. Phải mất tới 4 năm
Trần Anh Hùng mới thuyết phục được
Murakami đồng ý với điều kiện cực kỳ nghiêm khắc:
"Murakami muốn bảo vệ tác phẩm của mình. Nhà văn đưa đòi hỏi ở chúng tôi hai điều kiện. Thứ nhất, ông ấy phải được kiểm tra kịch bản phim. Thứ hai, ông cũng muốn biết rõ chi phí đầu tư cho dự án điện ảnh này" –
Trần Anh Hùng.
Trước
Rừng Na-Uy ra mắt năm 2010, năm 2008 đạo diễn
Trần Anh Hùng cũng đã có dịp làm quen với khán giả Nhật Bản qua bộ phim
I Come With The Rain với sự góp mặt của những diễn viên hàng đầu châu Á là
Kimura Takuya, Lee Byung Hun. Tuy nhiên,
I Come With The Rain đã không thực sự thành công tại xứ sở hoa anh đào cũng như dấu ấn mà đạo diễn
Hùng để lại nơi đây là không đủ.
Thứ hấp dẫn khán giả Nhật Bản nói riêng và những mọt phim Nhật Bản thế giới lại nằm ở dàn diễn viên cực kỳ đáng ngưỡng mộ:
Matsuyama Kenichi, Kikuchi Rinko, Tamayama Tetsuji. Cả ba diễn viên kể trên đều đã góp mặt trong những dự án điện ảnh từng gây tiếng vang vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản. Với
Matsuyama Kenichi, đó là vai diễn
L trong phiên bản phim chuyển thể của bộ truyện tranh đình đám
Death Note; với
Kikuchi Rinko, đó là cơ hội đi trên thảm đỏ Oscar cho đề cử với phim
Babel năm 2006; với
Tamayama Tetsuji, đó lại là chàng
Takumi cực kỳ điển trai và lạnh lùng trong bộ phim âm nhạc – thời trang
Nana. Đây đều là những diễn viên có khả năng diễn xuất tốt và đặc biệt là rất hợp với vai diễn mà họ đảm nhận trong tác phẩm lần này.
Tuy nhiên, dù sở hữu cả một tá yếu tố bom tấn là vậy, sức công phá của
Rừng Na-Uy tại chính quê nhà Nhật Bản lại không gặt hái được thành công vượt trội. Ra mắt khán giả xứ sở hoa anh đào trong tuần vừa rồi,
Rừng Na-Uy chỉ đạt được vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé. Đứng sau quán quân
Harry Potter và Bảo Bối Tử Thần phần I là điều có thể hiểu được. Nhưng việc
Rừng Na-Uy vẫn thất thế trước
Space Battleship Yamato dù phim này đã ở rạp sang tuần thứ hai. Thực tế này khẳng định sở thích xem phim khác thường của người dân xứ Phù Tang. Ông hoàng truyền hình
Kimura Takuya tuy đã ở tuổi xấp xỉ tứ tuần vẫn có sức hấp dẫn hơn hẳn những chàng trai đẹp của
Rừng Na-Uy. Ngược lại, nữ diễn viên của
Space Battleship Yamato là
Meisa Kuroki lại có nhiều fan hâm mộ hơn
Kikuchi Rinko tại quê nhà nhờ sức trẻ và sự năng động của cô trong các phim truyền hình cũng như quảng cáo và tạp chí thời trang. Đạo diễn
Yamazaki Takashi tuy không nổi danh năm châu bốn bể được như
Trần Anh Hùng nhưng lại được khán giả nhà ủng hộ qua những phim góp nhặt toàn những gương mặt sao ăn khách.
Mặc dù đang là bộ phim gây cơn sốt ở nhiều quốc gia châu Á nhưng
Rừng Na-Uy lại thất trận trên chính sân nhà mình. Nhưng có một điều thú vị là độ tuổi khán giả đến rạp xem phim tại Nhật Bản vô cùng phong phú và giới trẻ tiếc thay lại không phải là con số áp đảo. Với một bộ phim mà nội dung tìm kiếm sự đồng cảm đến từ những người trẻ như
Rừng Na-Uy, dễ hiểu tại sao nó lại không hấp dẫn bằng phiên bản chuyển thể từ anime
Space Battleship Yamato gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Nhật Bản. Dù không thành công vang dội tại quê hương,
Rừng Na-Uy vẫn hứa hẹn sẽ làm bùng nổ rạp chiếu phim của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Phải nói rằng,
Rừng Na-Uy thực sự đã tạo nên một kỷ lục phủ sóng rộng lớn tới 50 nước với thời điểm công chiếu gần nhau.
Nhân dịp ra mắt
Rừng Na-Uy tại Đài Loan vào ngày 17/12, nam diễn viên chính
Matsuyama Kenichi đã đáp sân bay xuống xứ đảo sớm hơn một ngày công chiếu. Anh đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả nơi đây.
Rừng Na-Uy cũng sẽ được công chiếu tại 30 rạp khắp Đài Loan và cũng là con số lớn nhất dành cho một bộ phim Nhật Bản "đặt chân" đến xứ Đài.
Rừng Na-Uy công chiếu ở Việt Nam vào ngày 31/12 tới đây dự báo cũng sẽ tạo nên dư chấn tương tự.