Norwegian Wood - Rừng Nauy (2010)
Đạo diễn: Trần Anh Hùng
Diễn viên: Kenichi Matsuyama, Rinko Kikuchi, Kiko Mizuhara, Reika Kirishima
Thể loại: Tình cảm / Tâm lý
Đánh giá:
|
Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1987, ngay lập tức,
Norwegian Wood đã tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ Nhật Bản vào thời bấy giờ. Cho đến nay,
Rừng Nauy thậm chí trở thành một trong những tác phẩm văn học lớn nhất trong thế kỷ 20. Không những thành công tại thị trường nội địa, cuốn tiểu thuyết của nhà văn
Haruki Murakami còn du hành qua nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Câu chuyện tình cùng bi kịch của các nhân vật chính được đặt trong bối cảnh thập niên 60 đầy biến động tại Nhật Bản đã có sức lay động vô bờ bến với nhiều tầng lớp độc giả suốt hàng chục năm qua.
Việc chuyển thể
Norwegian Wood thành kịch bản đã khó, nhưng việc đưa được những câu chữ đó lên thành hình ảnh trên phim thậm chí còn khó hơn. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn
Haruki Murakami đã từ chối nhiều lời đề nghị chuyển thể cuốn sách thành tác phẩm điện ảnh. Đơn giản vì
Rừng Nauy có phong cách hết sức đặc biệt và chỉ phù hợp với một tạng đạo diễn nhất định. Tất nhiên, khi
Haruki Murakami chọn
Trần Anh Hùng, đã có không ít nghi ngờ được đặt ra đối với vị đạo diễn gốc Việt này. Nhưng nếu ai đã từng xem
Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, sẽ nhận thấy một nét tương đồng giữa phong cách
Trần Anh Hùng với
Rừng Nauy. Đối với bất cứ tác phẩm văn học nào khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, và đặc biệt là một tiểu thuyết lớn như
Rừng Nauy, việc người xem đưa ra so sánh giữa hai phiên bản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tạo được sự cân bằng khi đứng trên phương diện khán giả điện ảnh trung lập và một fan của cuốn tiểu thuyết là điều hết sức cần thiết. Đây là điểm tối quan trọng khi thưởng thức bộ phim vì điện ảnh và văn học là hai loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Có thể khẳng định rằng, cho dù đứng trên phương diện nào chăng nữa,
Trần Anh Hùng cũng tạo được dấu ấn nhất định, với một phong cách kể chuyện rất đặc trưng từ bấy lâu nay.
Nếu ai đã từng đọc qua tiểu thuyết đều biết rằng cả câu chuyện là hồi tưởng của nhân vật
Watanabe về quá khứ khi bất chợt nghe lại ca khúc
Norwegian Wood của ban nhạc huyền thoại
The Beatles. Chính vì vậy, việc sử dụng lời dẫn (narrative voice) là cách duy nhất để
Trần Anh Hùng, hay bất cứ đạo diễn nào khác trên thế giới, lựa chọn. Điểm khác biệt ở đây chính là câu chuyện lại được kể ở thời điểm hiện tại. Dấu ấn thứ hai chính là việc anh kết hợp các cảnh rất ngắn, rời rạc, đôi khi ở những thời điểm, bối cảnh khác nhau với những cảnh quay rất dài, chuyển động máy mượt mà, chậm rãi để diễn tả tâm lý của các nhân vật. Bên cạnh đó,
Trần Anh Hùng hầu hết sử dụng cận cảnh và bán thân
Toru Watanabe (Ken’ichi Matsuyama), Naoko (Rinko Kikuchi) càng khiến nỗi dau, sự mất mát, bi thương, day dứt được đẩy lên đến tận cùng.
Với
Rừng Nauy,
Trần Anh Hùng đưa tới người xem những hình ảnh đẹp nhất có thể. Đẹp trên mọi phương diện. Từ chỉ đạo nghệ thuật, bối cảnh, màu sắc, góc quay đều được lựa chọn rất tỉ mỉ và có tác động mạnh về mặt thì giác. Nếu như trong các cảnh quay nội là ánh sáng, là hoa, rèm cửa, giọt nước mưa thì các cảnh quay ngoại là cánh đồng, khu rừng mờ sương, thung lũng xanh trải dài hết tầm mắt, là mầu trắng tinh khiết của tuyết, sóng biển dữ dội. Xem ra, các cảnh nội, vốn là phong cách đặc trưng trong ngôn ngữ điện ảnh của
Trần Anh Hùng lại rất phù hợp với
Rừng Nauy. Bốn mùa trong năm được thể hiện theo tuyến tính thời gian đã góp phần không nhỏ trong việc mô tả tính cách lẫn tâm lý phức tạp của ba nhân vật chính.
Phần casting diễn viên cũng góp phần không nhỏ tạo nên thành công chung của bộ phim. Nếu như
Rinko Kikuchi đã tạo dựng được tên tuổi của mình ra tầm thế giới qua vai
Chieko trong
Babel cách đây 4 năm thì
Kenichi Matsuyama mới chỉ được biết đến ở thị trường nội địa (nổi tiếng với vai
L trong
Death Note cùng hàng loạt giải thưởng trong nước). Cả hai thể hiện rất tốt vai diễn của mình, đặc biệt trong cảnh đối thoại dài hơi trên đồng cỏ vào một buổi sáng sớm hay những lần họ phải đối mặt với sự mất mát, đau thương. Đáng tiếc, sự xuất hiện của
Naoko chưa đều và có phần rời rạc.
Đứng trên phương diện đạo diễn, chúng ta không thể phủ nhận việc
Trần Anh Hùng để lại dấu ấn đậm nét trong
Rừng Nauy. Những dấu ấn đó phần nào mang lại hiệu quả và thành công nhất định. Tuy vài trường đoạn hơi dài và lê thê nhưng nhìn chung
Norwegian Wood là tác phẩm rất đáng bỏ tiền mua vé ra rạp. Chỉ khác một điều, thay vì rủ bạn bè, già đình cùng đi xem, nếu có điều kiện, bạn hãy thưởng thức bộ phim một mình để suy ngẫm.
* Phim đang chiếu trên toàn quốc.