Những series siêu nhân - anh hùng nổi tiếng ở Nhật Bản

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/03/2015
Chia sẻ

Không chỉ ở các nước phương Tây, Nhật Bản cũng có rất nhiều thể loại siêu nhân anh hùng.

Được biết đến ở Nhật với cái tên “tokusatsu” (phim sử dụng kỹ xảo), những thương hiệu phim siêu nhân - anh hùng lớn của Nhật đều đứng dưới “ngọn cờ chung” của hãng truyền hình Toei. Một số series còn trở thành niềm cảm hứng để các bộ phim của Mỹ học hỏi.
 
1. Super Sentai

Là một trong những “trụ cột” lớn của nền văn hóa đại chúng ở Nhật, series Super Sentai có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ trước, với phần đầu tiên mang tên Himitsu Sentai Gorenger ra mắt vào tháng Tư năm 1975. Với ý nghĩa của từ “Sentai” là “Chiến đội”, mỗi mùa phim đều xoay quanh nội dung về một nhóm người trẻ sở hữu được sức mạnh để biến hìnhvà chống lại các thế lực độc ác muốn xâm lăng Trái đất.


Hiện tại Super Sentai đã trải qua 38 mùa, phần mới nhất sắp ra mắt sẽ mang tên Shuriken Sentai Ninninger

Những phần phim đầu tiên vốn có cốt truyện nghiêm túc và u ám, về sau trở nên hài hước và dễ thở hơn. Đồng thời, yếu tố robot khổng lồ (Gattai) được thêm vào sau đó được người xem yêu thích, trở thành một phần không thể thiếu đối với dòng phim này. Gần như đều đặn mỗi năm, hãng Saban của Mỹ đều mua lại bản quyền của dòng phim này để chuyển thể thành series Power Rangers.

2. Kamen Rider

Phần đầu tiên của Kamen Rider được trình chiếu trên màn ảnh vào năm 1971, ý tưởng nhân vật thuộc về họa sĩ Shotaro Ishinomori. Khác với người anh em Super Sentai, series này có nhân vật chính là một người hùng đơn độc, sau khi hô câu lệnh “Henshin!” (Biến hình!) thì ngay lập tức được trang bị giáp phục sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù. Ba thứ gần như không thể thiếu trong dòng phim này là mặt nạ hình bọ, thắt lưng biến hình và motor phân khối lớn. Giữa mỗi series thường sẽ xuất hiện thêm một Rider thứ hai, đóng vai trò là đồng minh hoặc đối thủ của Rider chính.


Kamen Rider đã trải qua hai thời kỳ lớn là Showa và Heisei (24 mùa), phần mới nhất mang tên Kamen Rider Drive hiện đang phát sóng
 
Hãng Saban cũng từng mua bản quyền hai phần Black và RX của Kamen Rider để chuyển thể thành series Masked Rider (1995), tuy nhiên dự án này không mấy thành công.
 
3. GARO

GARO là một trong những series tokusatsu hiếm hoi được gắn mác 16+ vì yếu tố "người lớn" và bạo lực, GARO khi vừa ra mắt đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía các fan do có nhiều yếu tố phá cách thú vị. “Sinh sau đẻ muộn” với lần ra mắt đầu tiên vào năm 2005, sau đó  phim tiếp tục phát triển mạnh với ba phần tiếp theo, ba phim chiếu rạp và nhiều phần phụ truyện khác.


Series này sẽ tiếp tục ra thêm ba phim điện ảnh nữa trong năm nay
 
Nhân vật chính của hai phần đầu là Kouga Saezima, người kế thừa của gia tộc Ma Giới Kị Sĩ, có nhiệm vụ tiêu diệt loài quỷ Horrors đang ẩn nấp giữa nhân gian. Những phần tiếp theo là những tình tiết được đan xen vào câu chuyện về những kị sĩ đồng nghiệp và con trai của anh ta.
  
4. Akibaranger

Để chứng minh rằng bản thân thừa biết các series tokusatsu mà mình sản xuất ngày càng có nội dung trẻ con và thiếu tính logic, hãng Toei đã tự “bắt bài” bằng cách tạo ra một dòng phim mỉa mai chính “đứa con cưng” Super Sentai của mình. Các tình tiết trong phim đi ngược lại mọi truyền thống rập khuôn thường thấy: Thủ lĩnh AkibaRed là một thanh niên quá lứa vẫn phải đi giao hàng thuê, AkibaYellow là một nữ cosplayer thích đọc truyện về những chàng trai... yêu nhau, còn AkibaBlue giỏi võ nhưng lại mờ nhạt.
 
Akibaranger phát sóng lần đầu vào năm 2012, hiện đã ra đến mùa thứ hai
 
Mỗi tập phim sẽ tái hiện lại những tình tiết trong Super Sentai hoặc Kamen Rider theo hướng trào phúng. Các Akibaranger hoàn toàn nhận thức được mình là nhân vật hư cấu, họ thường xuyên bắt lỗi những chi tiết như: "Tại sao đánh nhau chỉ quanh đi quẩn lại ở vài địa điểm quen thuộc? Tại sao quái vật lại biến thành khổng lồ?", thậm chí còn “đá xoáy” qua chuyện doanh thu giảm sút có thể khiến nhà sản xuất... nổi giận và xóa sổ cả series!

5. Spider-Man

Tuy chỉ ra mắt khán giả đúng một mùa (1978 -1979) và không tiếp tục nhận được đầu tư như những series kể trên, loạt phim Spider Man đến nay vẫn được đông đảo người Nhật và cả các fan truyện tranh phương Tây biết đến, với tư cách là bộ phim đầu tiên và duy nhất mà hãng Toei từng chuyển thể từ một nhân vật thuộc Marvel Comics.
 
Spider-Man phiên bản Nhật gồm có 41 tập
 
Ngoài bộ trang phục và những khả năng tương tự thì lai lịch, nguồn gốc của “Người Nhện Nhật” này cũng được thay đổi hoàn toàn để phù hợp với người bản xứ. Một điểm đặc biệt nữa, Spider-Man trong phiên bản này còn có khả năng điều khiển một... robot khổng lồ mang tên Leopardon nhằm đánh lại những quái vật khổng lồ khác.

6. Metal Heroes

Ra đời muộn hơn loạt phim Kamen Rider, loạt phim này cũng tiếp tục tập trung vào hình ảnh người hùng đơn độc. Nội dung phim đặc thù có yếu tố trinh thám, đặc nhiệm và cứu hộ. Bối cảnh của phim chủ yếu diễn ra ở tương lai hoặc ngoài không gian, với vài tựa phim truyền hình kinh điển như Space Sheriff Gavan (1982), Space Sheriff Shaider (1984), B-Fighter Kabuto (1996),... Nếu chỉ tính phiên bản truyền hình, thì loạt phim này đã ngừng lại từ cuối năm 1998.
 


Tuy nhiên dạo gần đây với chính sách giới thiệu lại những tựa phim cũ cho khán giả trẻ, những nhân vật thuộc series Space Sheriff đã xuất hiện trở lại và “chạm trán” với hai thương hiệu Kamen Rider và Super Sentai trong vài tập truyền hình và hai phim điện ảnh (Kaizoku Sentai Gokaiger vs. Space Sheriff Gavan: The Movie và Super Hero Taisen Z), đồng thời ra mắt phim riêng vào năm 2012.

7. Kikaider

Tuy cùng lấy đề tài siêu anh hùng nửa người nửa máy, nhưng Kikaider lại là một series ra đời trước Metal Heroes cùng nhiều series khác (1972). Lấy ý tưởng từ truyện cổ tích Cậu bé người gỗ Pinocchio, tiểu thuyết kinh điển Frankenstein cùng một chút cảm hứng từ bộ truyện tranh Cyborg 009, Jiro/Kaikaider là một người máy qua mỗi lần chiến đấu lại hoàn thiện và giống con người hơn.


Kikaider qua hai phiên bản cũ và mới
 
Series này trụ được hai mùa rồi ngưng hẳn vào năm 1973, sau đó được đầu tư một phần phim phụ truyện dành riêng cho nhân vật phản diện Hakaider vào năm 1995. Sau đó, cái tên Kikaider chỉ còn xuất hiện trong những bộ truyện tranh và phim hoạt hình. Mãi đến năm 2014, một phiên bản mới của nhân vật này mới xuất hiện với vai khách mời trong Kamen Rider Gaim, làm tiền đề cho phần phim điện ảnh reboot ra mắt vào cùng năm đó.
 
8. Ultraman

Ra đời vào năm 1966, Ultraman vốn dựa trên loạt phim truyền hình về quái vật mang tên Ultra Q được phát sóng cùng năm trước đó. Tạo hình của Ultraman cũng như các sinh vật khổng lồ trong phim do chuyên viên kỹ xảo Eiji Tsuburaya thiết kế, ông cũng là người đã mang Godzilla lên màn ảnh vào năm 1954.


Đến nay, Ultraman đã trải qua 24 mùa, với hơn 20 tựa phim (tính cả phim tài liệu)
 
Là series có hình ảnh xuất hiện trên nhiều quảng cáo hàng hóa nhất, câu chuyện về những người hùng khổng lồ đối đầu với quái vật trong Ultraman gần như là một phần không thể thiếu khi chúng ta muốn kể cho ai đó nghe về những điều kỳ diệu của văn hóa Nhật Bản.

(Tổng hợp)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày