Đa số phim Việt Nam, từ tình cảm đến hành động, từ hài hước đến viễn tưởng, đều có lồng ghép nội dung về gia đình, đặc biệt là tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Các bậc phụ huynh dù xuất hiện nhiều hay ít, thậm chí có vào vai phản diện đi chăng nữa, thì ơn nghĩa sinh thành, giáo dưỡng đối với con cái vẫn được các nhà làm phim Việt khắc họa đầy xúc cảm và thiêng liêng.
Nhân ngày lễ Vu Lan, hãy cùng chúng tôi điểm lại một vài khoảnh khắc trên màn ảnh rộng gần đây, mà hình ảnh các bậc làm cha, làm mẹ hiện ra giản dị nhưng đủ ấm lòng.
1. "Bố" Hoài Linh, "mẹ" Việt Hương của gia đình hài hước (Nhà có năm nàng tiên)Nhà có năm nàng tiên là phim thắng “đậm” trong mùa Tết vừa qua. Chuyện phim xoay quanh một gia đình nghèo có 5 cô con gái đẹp như tiên. Cả 5 cô đều là con nuôi, do đôi vợ chồng nghèo hiếm muộn, làm nghề lượm ve chai vô tình nhặt về nuôi. Họ đã chăm lo cho 5 đứa trẻ như con ruột của mình.
Nội dung của bộ phim không mấy phức tạp, chủ yếu là hài hước. Nhưng đằng sau những tiếng cười khi trông thấy “ông bố”
Hoài Linh gầy gò đạp chiếc ba gác chở các con đến trường vào mỗi sáng sớm, hay khi “bà mẹ”
Việt Hương leo cả lên nóc nhà để chửi hàng xóm dám bắt nạt con mình... tất cả những tình tiết dù là nhỏ trong xuyên suốt bộ phim, đều khiến khán giả thấy được tuổi thơ mình trong đó, có vòng tay cha mẹ bao bọc, chở che.
2. Ông bố phản diện vẫn rất yêu thương con (Biết chết liền)
Nhân vật của
Chí Tài trong
Biết chết liền là một vị giáo sư tài năng nhưng độc ác, sẵn sàng vì chính mình mà hại chết nhiều người khác. Rõ ràng nhân vật này thuộc tuyến phản diện. Thế nhưng nếu xét riêng phương diện một người cha thì ông không hẳn là một người cha tồi. Đối với cô con gái “rượu” do
Angela Phương Trinh thủ vai, ông hết mực thương yêu, cưng chiều và ra sức chở che, bảo vệ con khỏi những cạm bẫy do chính ông tạo ra.
Đến cuối cùng, khi con gái bị kẻ thù bắt cóc, ông cũng bất chấp nguy hiểm, một mình đi tìm con gái mình, thậm chí còn sẵn sàng lao vào biển lửa cứu lấy con. Có câu
“Hổ dữ không ăn thịt con”, dù có xấu xa đến đâu, dù có cầm đầu phe phản diện đi nữa, thì hình ảnh người cha đối với con mình cũng vẫn được mô tả đủ tốt.
3. Mẹ luôn là nguồn động viên cho con (HIT: Hoàng tử & Lọ Lem)Với một kịch bản thuần đam mê tuổi trẻ như
HIT: Hoàng tử & Lọ Lem thì tấm lòng của cha mẹ vẫn được “nguệch ngoạc phác họa” đâu đó, như khi chàng nhạc sĩ nghèo do
Yanbi thủ vai nhận điện thoại của mẹ. Người mẹ từ Hà Nội gọi cho con trai lớn sớm một mình vào Nam lập nghiệp, thế nhưng những lời của mẹ lại tỉ mỉ như thể con trai còn bé bỏng lắm, nào là hỏi han ăn uống, sinh sống ra sao, dặn dò tự chăm sóc, thậm chí còn lo nó thiếu tiền ăn, đòi gửi tiền cho nó dù “thân già” chính mình cũng chẳng hề khá hơn. Chắc hẳn những ai từng xa nhà đi học, đi làm, cũng đều hiểu rõ điều này. Thậm chí đôi lần nổi cáu vì bị đối xử như con nít.
Hay như bố của nhân vật do
Andrea thủ vai, để chiều theo việc con gái thích ca hát, ông sẵn sàng bỏ hàng đống tiền để thuê người dạy, thậm chí gian lận kết quả cuộc thi âm nhạc để con gái đăng quang. Cho dù việc đó là sai nhưng đều bắt nguồn từ lòng thương con, chiều con đến mù quáng. Và có lẽ, cũng như “mẹ” của
Yanbi hay bất kỳ người cha, người mẹ nào, “bố” của
Andrea xem con gái như đứa trẻ, phải có bố “ra tay” mới có thể thành công. Không ngờ con gái lại chịu tổn thương vì sự can thiệp của mình.
4. Tình cảm gia đình - viên ngọc sáng nhất của "Lửa Phật"
Lửa Phật những tưởng là bộ phim hành động/viễn tưởng chứa đầy những cuộc đối đầu đẫm máu, lạnh lùng, những lý tưởng anh hùng vĩ đại. Thế nhưng phía sau câu chuyện rất “ngầu” đó, lại là một câu chuyện khác về tình cảm gia đình, về tình thương của những người cha, bằng cách này hay cách khác, họ đều hi sinh cho con mình. Và tất nhiên, không thể không kể đến tình thương và sự bảo vệ từ “người mẹ”
Ngô Thanh Vân, thể hiện qua từng
câu hát ru nghẹn nước mắt lúc sắp phải rời xa con:
“...khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học. Mẹ đi trường đời”.
Sau sự kiện
họp báo ra mắt phim,
Lửa Phật đã bắt đầu nhận được những lời bình luận của một số ít khán giả đặc biệt được xem phim trước. Đánh giá chung là hay hay dở khoan hãy bàn đến, chỉ nói về câu chuyện gia đình nhân dịp lễ Vu Lan này thì đây quả thực là một tác phẩm không thể phù hợp hơn.
Có rất nhiều cách để các nhà làm phim lồng ghép nội dung về tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Bởi trong đời thật, cha mẹ chúng ta cũng có vô vàn cách để yêu thương, bảo vệ chúng ta. Một bộ phim dù như thế nào thì vẫn thật ấm lòng khi được thoáng thấy tình cha, tình mẹ trong đấy. Những lúc như vậy, ta lại bồi hồi, nghĩ về mẹ cha ta cũng ít nhất đôi lần như thế. Hi vọng rằng, trong mỗi thời khắc hồi tưởng ấy, bạn sẽ nghiệm ra được nhiều điều, thấm thía hơn ơn nghĩa sinh thành, giáo dưỡng và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Để biết thương yêu hơn cha ta, mẹ ta và cố gắng nhiều nữa để khiến mẹ cha vui lòng!