Thể loại phim áp đảo điện ảnh Nhật Bản tháng 9 này thuộc về 2 dạng vốn rất nổi danh ở xứ sở mặt trời mọc: phim kinh dị và phim chuyển thể! Điều thú vị là tất cả các tác phẩm tiềm năng nhất trong tháng 9 đều chọn đúng 1 ngày để “tấn công” khán giả. Đó chính là hôm nay!
1. Hotarubi no Mori E
Có thể nói, Hotarubi no Mori E là một trong những one-shot manga (truyện tranh 1 chương) kinh điển đối với nhiều thế hệ fan truyện tranh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tác phẩm nằm trong chùm truyện ngắn của nữ họa sĩ Midorikawa Yuki (phát hành năm 2002), đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt độc giả.
Hotarubi no Mori E hay Khu rừng đom đóm bắt đầu từ một mùa hè năm cô bé lên 6 tuổi. Lạc giữa rừng xanh, cô bé được linh hồn chàng trai mang mặt nạ giải cứu. Và từ ấy, cứ mỗi mùa hạ trôi qua cô bé lại lớn thêm một chút và yêu linh hồn không biết mặt kia lúc nào chẳng hay.
Nhưng, khoảng cách giữa 2 người là cả thế giới. Linh hồn kia sẽ vĩnh viễn tan thành hư vô chỉ với một lần duy nhất chạm đến người thương yêu. Hotarubi no Mori E vang mãi trong tâm trí mỗi người âm thanh của tiếng ve ngân dài giữa sắc trời xanh ngắt và màu nắng đẹp có chút bi thương.
Phim là tác phẩm hoạt hình duy nhất góp mặt trong cuộc chiến 4 bên này.
2. Rabbit Horror 3D / Tormented
Rabbit Horror hoàn toàn không sở hữu những ngôi sao diễn xuất cỡ bự để thu hút đông đảo người hâm mộ. Có điều, tò mò của khán giả dành cho bộ phim lại vẫn cứ cao kỳ lạ nhờ tên tuổi đạo diễn Shimizu Takashi.
Đã là fan của dòng phim kinh dị mà không biết đến Shimizu Takashi thì chắc chắn là một thiếu sót to lớn. Vị đạo diễn 39 tuổi này chính là “cha đẻ” của Ju-On (The Curse) – tác phẩm đã cùng với Ringu (The Ring) khẳng định tên tuổi Nhật Bản trên bản đồ phim kinh dị thế giới.
Trở lại với Rabbit Horror 2011, như cái tên của mình, phim là tác phẩm kinh dị dựa trên câu chuyện cổ tích quen thuộc Alice in Wonderland. Kịch bản xoay quanh cô gái trẻ cứ mải mê tìm kiếm cậu em trai đã bị một con thỏ dẫn đi mất…
Ngoài Shimizu Takashi, Rabbit Horror còn có sự góp mặt của Christopher Doyle, người từng đạt nhiều giải thưởng Kim Mã và là quay phim cho Người Mỹ Trầm Lặng.
3. Unfair 2: The Answer
Năm 2006, loạt phim đầu tiên về nữ thám tử tài ba Yukihira Natsumi đã ra mắt khán giả theo dõi kênh truyền hình Fuji TV. Với rating trung bình là 15,4, Unfair trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất mùa chiếu đông năm đó (theo lịch Nhật Bản là từ tháng 1 đến tháng 3). Phim cũng mang về 2 giải thưởng Hàn lâm Truyền hình Nhật Bản cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Shinohara Ryoko và Biên kịch xuất sắc nhất Sato Shimako.
Tiếp nối thành công này, phiên bản màn ảnh rộng của phim đã tung hoành 1 năm sau đó. Unfair: The Movie thu về khoảng 457,5 tỉ VND tiền bán vé, đứng thứ 21 trong top những phim ăn khách nhất Nhật Bản năm 2007.
Tuy nhiên, cái kết của 4 năm về trước trong Unfair vẫn chưa thật sự là điểm cuối cùng. Sau từng ấy năm, người ta lại thấy nữ thám tử xinh đẹp lao vào một cuộc chiến chống lại kẻ giết người, kế hoạch phản bội và những cái bẫy khó lường.
Unfair: The Answer công bố dự án vào tháng 12 năm ngoái và bắt đầu bấm máy vào tháng 2, 2011. 9 tháng để hoàn thành một bộ phim bom tấn như Unfair thì quả là thần tốc. Phim liệu có gặt hái được thành công nhanh như thế hay không?
Teaser #2
4. Switch wo Osu Toki / When I Kill Myself
Dựa trên một thực tế là tỉ lệ người trẻ tuổi tự sát ở Nhật Bản càng lúc càng gia tăng, chính phủ nước này quyết định thực hiện một thí nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân đứng đằng sau đó. Những đứa trẻ đã được lựa chọn bị sắp đặt vào các tình huống khác nhau, dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia nghiên cứu.
Ở cái tuổi thứ 10, lũ trẻ "được" nắm trong tay một kíp nổ với nút kích hoạt duy nhất. Chúng nhận cảnh báo rằng, chỉ cần bấm 1 cái thì mọi thứ sẽ đi tong và bản thân chúng cũng chết ngay lập tức. Nhưng dưới áp lực của những thí nghiệm, phần lớn lũ trẻ đều ra đi. Chỉ còn lại đó một vài đứa trẻ, tồn tại đến phút cuối cùng.
7 năm sau, những cô cậu bé ngày ấy đã bước sang tuổi 17 tươi đẹp giống như bao teen khác. Nhưng họ không hề hay biết các giám sát viên còn ở đó và thí nghiệm tự sát chưa hề dừng lại…
When I Kill Myselfđược xây dựng từ tiểu thuyết của Yamada Yusuke. Năm 2006, truyện đã được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ với vai chính thuộc về Narimiya Hiroki. Một năm sau đó, vở kịch sân khấu Switch wo Osu Toki ra mắt khán giả cùng chàng mỹ nam "duyên hơn cả con gái" Hiroki Aiba.
Clip giới thiệu về vở kịch
Và ca khúc chủ để của Switch wo Osu Toki chạm đến tận tâm can
Còn với phiên bản điện ảnh lần này, phim tụ họp đông đảo dàn diễn viên trẻ được nhiều khán giả biết đến như Koide Keisuke, Mizusawa Erena, Sano Kazuma, Atae Shinjiro, Sakamoto Shogo…
Chẳng ai biết con số 17/9 đẹp xấu cỡ nào cho từng bộ phim “tham chiến” trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, khán giả Nhật Bản thì chắc chắn là “ngư ông đắc lợi” vì có thêm nhiều lựa chọn cho những ngày hè cuối cùng này.