10 món đồ chơi công nghệ "độc" trong “Mission: Impossible”

Lý Cơ Hân, Theo Trí Thức Trẻ 14:42 10/08/2015

Không chỉ ấn tượng bởi những nhiệm vụ gay cấn, thương hiệu “Mission: Impossible” còn hấp dẫn bởi những thiết bị công nghệ cao.

Suốt gần hai thập kỷ kể từ lần đầu tiên ra mắt, thương hiệu Mission: Impossible xoay quanh chàng điệp viên Ethan Hunt và những cộng sự chuyên thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi luôn hấp dẫn người xem mỗi dịp ra mắt. Một trong những yếu tố khiến người hâm mộ dành tình cảm cho loạt phim này chính là sự xuất hiện những thiết bị công nghệ cao, những thiết bị hỗ trợ cho các điệp viên trong nhiệm vụ hiểm nguy của họ. Trang Collider vừa đưa ra danh sách những thiết bị công nghệ cao ấn tượng nhất từng xuất hiện trong Mission: Impossible, cùng nhau điểm qua những món đồ hấp dẫn này nhé.

Top 10 đồ chơi công nghệ trong "Mission: Impossible"
 
Bút chứa thuốc gây nôn
 
Mission: Impossible (1996) tuy không có những thiết bị công nghệ cao hoành tráng như những phần phim sau này, nhưng bù lại, phần phim đầu tiên lại mang đến cho người hâm mộ những món đồ gần gũi thú vị hơn bao giờ hết. Một trong số đó là chiếc bút chứa thuốc gây nôn.
  
10-f1fee
Chiếc bút chứa thuốc gây nôn do nữ điệp viên Claire Phelps (Emmanuelle Béart) sử dụng
 
Điệp viên Ethan Hunt và đồng đội đã vạch sẵn kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết cho phi vụ cướp tài liệu mật của CIA ở Langley, yếu tố con người rất quan trọng, nhưng những thiết bị hỗ trợ cũng quan trọng không kém. Chiếc bút chứa thuốc gây nôn đã khiến nhân viên giữ tài liệu nhiều phen khốn đốn và từ đó Ethan Hunt đã dễ dàng thực hiện kế hoạch của mình.
 
Máy ảnh bắn thiết bị định vị
 
Bên cạnh kế hoạch được thiết kế chỉn chu, nguyên nhân chính khiến Ethan Hunt và đồng đội không bị phát hiện trong nhiệm vụ chính là những món đồ mà bề ngoài nhìn vào chả có vẻ gì đáng ngờ. Ai lại đi nghi ngờ một du khách cùng chiếc máy ảnh của anh ta phải không nào?
 
9-9a7fe
Máy ảnh bắn thiết bị định vị xuất hiện trong “Mission: Impossible III” (2006)
 
Nhờ thiết bị định vị được bắn ra từ chiếc máy ảnh do điệp viên Declan Gormley (Jonathan Rhys Meyers) sử dụng mà Ethan Hunt và nữ điệp viên Zhen Lei (Maggie Q) đã dễ dàng xác định được vị trí tẩu thoát chuẩn xác từng ly.
 
Thánh giá truyền tín hiệu
 
Sau khi xem Mission: Impossible III các bạn sẽ ngộ ra thánh giá không chỉ là món đồ tôn giáo hay trang trí, chiếc thánh giá thiêng liêng hoàn toàn có thể góp công lớn vào một nhiệm vụ gay cấn. Trong phần phim này, chiếc thánh giá đã được Ethan Hunt sử dụng truyền tín hiệu, để từ đó người đồng đội Luther Stickell (Ving Rhames) xác định được chuẩn xác vị trí mà họ muốn đánh sập.
 
8-f7a2f
 
Kính áp tròng quét dữ liệu
 
Ở phần phim Mission: Impossible – Ghost Protocol, những thiết bị của nhóm điệp viên IMF được đẩy lên ở một mức độ hiện đại khó có thể tưởng tượng. Một trong những thiết bị đó là kính áp tròng quét dữ liệu.
 
7-61103
Lần sử dụng kính áp tròng quét dữ liệu đầu tiên của Brandt (Jeremy Renner) đã phải nhận một thất bại ê chề
 
Với kính áp tròng quét dữ liệu, bạn chỉ cần nháy mắt, tài liệu mà bạn nhìn vào sẽ được sao chép và gửi đến chiếc vali ở cách đó hàng chục mét trong tíc tắc. Chính thiết bị hiện đại này đã giúp nhóm điệp viên do Ethan Hunt dẫn đầu xoay sở được cuộc giao dịch hệ trọng ở hai căn phòng biệt lập nhau.
 
Mắt kính có gắn máy quay
 
Có lẽ với những tín đồ phim hành động thì mắt kính có gắn máy quay là một thiết bị không quá xa lạ, nhưng nên nhớ mốc thời gian mà lần đầu tiên chiếc mắt kính này xuất hiện trong loạt phim về siêu điệp viên Ethan Hunt là năm 1996, tức là cách đây gần hai thập kỷ, lúc đấy thì nó chẳng tầm thường chút nào. Những gì xuất hiện trước chiếc mắt kính này sẽ được truyền về cho bạn, không hề cồng kềnh và rất gọn gàng.
  
6-2b3ac
Những gì xuất hiện trước chiếc mắt kính này sẽ được truyền về cho các điệp viên
 
Găng tay kết dính
 
Ở mỗi phần phim, Ethan Hunt luôn phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi, trong Mission: Impossible – Ghost Protocol nhiệm vụ đó là trèo lên tòa nhà cao nhất thế giới… từ bên ngoài. Suýt nữa thôi, đây đã là nhiệm vụ bất khả thi thực sự nếu thiếu đôi găng tay kết dính mà anh chàng hài hước Benji (Simon Pegg) mang theo trong lúc nguy cấp.
 
5-3f44c
 
Máy chế tạo mặt nạ
 
Gắn liền với thương hiệu Mission: Impossible chính là chiếc mặt nạ giả dạng, trong cả loạt phim chiếc mặt nạ đã xuất hiện không ít hơn mười lần. Dù đã gây ấn tượng ở hai phần phim đầu tiên, nhưng mãi đến phần Mission: Impossible III (2006), chiếc máy và cả quy trình chế tạo mặt nạ hoàn thiện mới chính thức được trình làng trên màn ảnh rộng.
 
4-6dd40
 
Chỉ cần những bức ảnh ở nhiều góc độ khác nhau của đối tượng được cung cấp đầy đủ, cỗ máy thần thánh sẽ cho ra đời chiếc mặt nạ hoàn hảo đến từng chi tiết. Với những chiếc mặt nạ này, chàng điệp viên Ethan Hunt và đồng đội đã hoàn thành hết nhiệm vụ bất khả thi này đến nhiệm vụ bất khả thi khác. 
 
Đệm chống sốc
 
Nếu các điệp viên hay thậm chí là kẻ ác có được thiết bị đệm chống sốc này thì số lượng xác chết trong những phim hành động sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Chỉ cần mang theo đệm chống sốc được nén trong một thiết bị nhỏ gọn và khi gặp hiểm nguy, bị dồn vào chân tường ở lầu cao, bạn chỉ việc nhảy xuống mà chắc rằng chiếc đệm đã được kích hoạt.
 
3-fa2f3
 
Ở phần phim thứ tư Mission: Impossible – Ghost Protocol, điệp viên Hanaway (Josh Hollyway) đã cướp mã phóng tên lửa và tẩu thoát ấn tượng bằng đệm chống sốc. Cần lưu ý rằng Hanaway vẫn sống sót sau khi nhảy từ lầu cao xuống, anh bị hạ sát bởi nữ sát thủ Sabine Moreau sau đó, đệm chống sốc không có lỗi gì ở đây cả.
 
Màn chiếu ba chiều
 
Để đột nhập vào điện Kremlin một cách trơn tru, Ethan Hunt và cộng sự đã phải nhờ đến màn chiếu ba chiều. Với thiết bị này, bạn có thể di chuyển ngay trước mũi đối tượng mà họ không mảy may hay biết.
 
2-e1720
 
Kẹo cao su phát nổ
 
Kẹo cao su phát nổ chắc chắn phải có một suất trong những thiết bị công nghệ ấn tượng của loạt Mission: Impossible. Có vẻ ngoài đáng yêu, trông rất ngon lành, nhưng kẹo cao su phát nổ không phải là thứ mà chúng ta có thể tùy tiện cho vào miệng để thưởng thức. Chỉ cần hai mảng màu xanh và đỏ chạm vào nhau, thanh kẹo sẽ phát nổ trong tíc tắc, cực kỳ nguy hiểm.
 
img_20150808225325913-29740
 
Trong tất cả những thiết bị công nghệ cao của loạt phim, kẹo cao su phát nổ thực sự đã gây bất ngờ bởi công dụng chẳng ai ngờ tới, một món đồ ngụy trang quá đỗi xuất sắc. Xuất hiện trong Mission: Impossible (1996), kẹo cao su phát nổ đã hai lần cứu sống siêu điệp viên Ethan Hunt.

Phần phim thứ năm, đồng thời cũng là phần phim mới nhất Mission: Impossible - Rogue Nation dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Christopher McQuarrie, cùng sự tham gia của Tom Cruise, Simon Pegg, Jeremy Renner và Rebecca Ferguson, xoay quanh siêu điệp viên Ethan Hunt và các cộng sự phải chiến đấu chống lại tổ chức nguy hiểm Syndicate đang được công chiếu trên toàn quốc.