Chuyện về quả bóng cười: Xuất hiện trong những bữa tiệc thượng lưu từ thế kỷ 19, để lại những hệ lụy khó lường

J.D, Theo Helino 21:00 05/04/2019

Những trái bóng cười thực chất có quá khứ tương đối... hào hùng trong lịch sử "dân chơi" của thế giới.

Có lẽ giờ đây chúng ta ai cũng ít nhiều nghe đến 2 chữ "bóng cười", và biết được nó là cái gì. Đó là những trái bóng có chứa khí nitrous oxide (N2O) - một loại khí có nhiều công dụng, từ gây mê với y học, đến vai trò "giải trí" gây ra rất nhiều tranh cãi những năm gần đây trên thế giới.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng loại khí này có một lịch sử "chơi bời" tương đối hào hùng, khi trở thanh linh hồn của những bữa tiệc ngay từ cuối thế kỷ 18.

Chuyện về quả bóng cười: Xuất hiện trong những bữa tiệc thượng lưu từ thế kỷ 19, để lại những hệ lụy khó lường - Ảnh 1.

Từ những bữa tiệc khí cười của giới thượng lưu

Nitrous oxide vốn là một chất khí không màu, có vị và mùi ngọt nhẹ. Đây vốn là chất khí được sử dụng để gây mê, được tìm thấy lần đầu vào năm 1772 bởi nhà khoa học người Anh Joesph Priestley.

Ở thời điểm ấy, loại khí này chỉ được dùng trong phòng thí nghiệm và với y học. Tuy nhiên, cũng chính Priestley đã tình cờ phát hiện ra khả năng... giải trí của nó. Khi hít vào, cơ thể sẽ trải qua cảm giác hưng phấn nhẹ, một chút chóng mặt, đầu óc lâng lâng và thiếu tỉnh táo. Nếu hít một lượng lớn khí cùng một lúc, nó có thể khiến bạn cười ngặt nghẽo, không dứt được.

Chuyện về quả bóng cười: Xuất hiện trong những bữa tiệc thượng lưu từ thế kỷ 19, để lại những hệ lụy khó lường - Ảnh 2.

Thời ấy chưa có những trái bóng, mà người ta đựng khí trong các túi lụa lớn để người dùng hít khí vào cơ thể. Ai hít vào đều cảm thấy vui vẻ, sảng khoái và vô cùng thích thú, để rồi loại khí này lan tỏa đi khắp châu Âu và sang cả Mỹ. Và kể từ đó, N2O được xem là linh hồn của những buổi tiệc tùng.

Đến những hệ lụy ít người nghĩ tới

Vào thế kỷ 19, một nhà nghiên cứu người Anh tên Wells sau một vài lần trải nghiệm các bữa tiệc cười đã nhận ra một số điểm bất thường. Ông cho rằng nếu cứ liên tục sử dụng loại khí này, cơ thể người sẽ bị nhiễm độc, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, dần trở nên vô cảm với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, quan điểm của Wells khi đó đã không được thừa nhận và bị phản bác mạnh mẽ.

Chuyện về quả bóng cười: Xuất hiện trong những bữa tiệc thượng lưu từ thế kỷ 19, để lại những hệ lụy khó lường - Ảnh 3.

Ngày nay, N2O được đánh giá là loại chất kích thích dạng nhẹ, không gây nghiện nên cũng không phải sản phẩm bất hợp pháp. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nó trở nên an toàn.

Khi sử dụng khí cười quá nhiều - nhất là khi đi kèm rượu, khí cười có thể dồn lên não quá nhanh. Cần biết rằng trên đời này, loại khí giúp duy trì sự sống chỉ có khí oxy. Do tác dụng an thần của N2O, người dùng có thể thở quá nông, quá chậm, dẫn đến cơ thể không được đáp ứng đủ dưỡng khí.

Chuyện về quả bóng cười: Xuất hiện trong những bữa tiệc thượng lưu từ thế kỷ 19, để lại những hệ lụy khó lường - Ảnh 4.

N2O được dùng tỏng mục đích y tế (ảnh minh họa)

Nếu để rơi vào tình trạng đó, hậu quả có thể rất khó lường. Nhẹ thì bất tỉnh, nặng thì hệ thần kinh bị tác động, tổn thương vĩnh viễn, hệ miễn dịch suy yếu dẫn đến tử vong. Theo một số báo cáo từ trường ĐH College London thì từ năm 2006 - 2012, trên toàn nước Anh có 17 trường hợp tử vong vì N2O.

Hoại tử tế bào thần kinh dẫn đến teo não là một trong hậu quả có thể xảy ra do sử dụng quá nhiều N2O. Đây có thể là lời giải thích lý tưởng nhất cho hiện tượng "ngáo ngơ", hay quên, lơ đễnh, "đơ tạm thời" mà các dân chơi sử dụng bóng cười thường xuyên đang gặp phải.

Ở thời điểm hiện tại, N2O vẫn được sử dụng với mục đích y học. Còn về phương diện giải trí, cần biết rằng một số nước như Anh Quốc đã cấm bán bóng cười trong các vũ trường vì sự nguy hiểm của nó.

Chính vì thế, bạn cũng nên cân nhắc trước khi đến với thú chơi vui phút chốc mà rủi ro có thể đánh đổi cả tính mạng.