Thế giới đang xoay chuyển từng ngày và không ngừng biến đổi. Một trong những lý do tạo nên sự thay đổi ấy nằm ở sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Không nằm ngoài guồng quay này, Việt Nam đang từng bước nắm lấy những cơ hội để đưa mình tiến gần hơn với những tiến bộ ấy của thế giới. Không ngoa khi nói công nghệ đang can thiệp hầu hết vào mọi lĩnh vực trong đời sống và con người buộc phải thích ứng với điều này.
Chúng ta đều hiểu rằng một trong những con đường đưa người Việt theo kịp sự chuyển mình của khoa học, công nghệ đó chính là giáo dục. Hiểu rõ được mối tương quan này, mà các thành viên đến từ tổ chức STEAM for Vietnam, những con người xa xứ cùng bắt tay nhau thực hiện nên một dự án mang sứ mệnh thúc đẩy giáo dục STEAM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Arts - Nghệ thuật, Mathematics - Toán học) tại Việt Nam. Đây là bước đệm để những cái tên ưu tú người Việt đang sinh sống và làm việc khắp nơi trên thế giới đưa trẻ em nước nhà vươn ra biển lớn.
Anh Hùng Trần - Founder của STEAM for Vietnam đã từng biết đến những cái tên khổng lồ về công nghệ trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk,... đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Anh luôn đau đáu một câu hỏi là trẻ em Việt Nam có nên được chạm ngõ với công nghệ từ sớm hay không. Hè năm 2019, khi bắt đầu tiếp nhận một số học sinh nhỏ tuổi để đào tạo lập trình, đáng ngạc nhiên là khả năng tư duy và sáng tạo của các em đều rất tốt.
Từ đây, anh Hùng Trần nghĩ tới việc làm sao có thể đưa công nghệ và đào tạo được càng nhiều các bé ở lứa tuổi này càng tốt. May mắn là khi trình bày ý tưởng này với các bạn trẻ người Việt đang đi làm và đi học ở Mỹ, anh đã được mọi người ủng hộ nhiệt tình. STEAM for Vietnam ra đời từ đó với sứ mệnh đưa giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế tới người Việt nam một cách hoàn toàn miễn phí.
Một tổ chức phi lợi nhuận nhưng lại thành lập trong giai đoạn mà dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Biến nguy thành cơ, các thành viên đã xem đây là biến cố để thúc đẩy STEAM for Vietnam đi nhanh hơn. Khoảng thời gian làm việc online tại nhà giúp các tình nguyện viên có nhiều thời gian dành cho dự án, một số sinh viên không trở về Việt Nam trong mùa dịch cũng chung tay vận hành tổ chức và coi đấy là các hoạt động làm tình nguyện đóng góp cho đất nước từ xa.
Những tình nguyện viên nhiệt huyết tù STEAm for Vietnam
Hiện nay, tổ chức đang tập trung cho dự án Trại hè Lập trình Miễn phí 2020 dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 9. Những kết quả hiện tại của Trại hè đã vượt xa kỳ vọng của team lúc ban đầu. Anh Hùng Trần cho biết: "Chúng tôi dự kiến chắc cùng lắm thì có khoảng 1000 đơn đăng ký học nhưng đã kết thúc với hơn 7000 đơn từ khắp 63 tỉnh thành ở Việt nam và 42 quốc gia khác. Ngay buổi học đầu tiên được livestream đã thu hút được 13K lượt xem. Các em học sinh và phụ huynh tham gia rất nhiệt tình, chia sẻ hình ảnh, bài tập về nhà, dự án rất nhiều làm cho chúng tôi tin rằng sau trại hè sẽ có một số lượng lớn các em học được Tư duy Máy tính và áp dụng tốt trong các tình huống của đời sống để làm các em hiệu quả hơn trong bất kỳ việc gì."
Đại diện từ STEAM for Vietnam tin rằng với kế hoạch của mình, hy vọng trong năm nay sẽ đào tạo được vài chục nghìn bạn trẻ ở độ tuổi 8-16 qua chương trình Nhập môn Tư duy Máy tính và Lập trình với Scratch.
STEAM for Vietnam đã cho thấy được sứ mệnh đáng trân trọng của mình trong việc thúc đẩy giáo dục ở quê hương, do đó, không ít những anh tài đang có vị thế nhất định ở trường quốc tế đã cùng chung tay với anh Hùng Trần xây dựng và vận hành tổ chức. Tinh thần đồng bào được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Chị Dan Hoang, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Kinh doanh kế toán ở tuổi 22, trường Loyola Marymount University, hiện nay đang làm việc ở Deloitte thành phố Los Angeles với tư cách là consultant (chuyên viên cố vấn) là một nhân vật như thế. Cô gái tài năng này vô tình biết đến STEAM qua hội du học sinh Việt Nam ở thành phố San Francisco. Khi đọc và biết được thông điệp và mục đích của STEAM for Vietnam là mang những khóa học STEAM đến cho các bạn nhỏ ở Việt Nam, chị đã mong muốn được tham gia góp sức để các thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận với các môn khoa học và nghệ thuật chất lượng cao.
Dan Hoang cho biết: "Thời học sinh cấp 3 và đại học bên Mỹ, mình đã đi dạy miễn phí môn Kế toán và Toán cao cấp cho các bạn và làm tình nguyện viên ở 1 tổ chức dạy nghệ thuật cho các bạn nhỏ. Mình thực sự thấy việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức về công nghệ, khoa học và đặc biệt là nghệ thuật cho các bạn nhỏ là 1 điều cần thiết vì nó giúp các bé có thể học được cách suy nghĩ 1 cách có quy củ và có thể kích thích được sự sáng tạo ở các bé."
Dan Hoang, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Kinh doanh kế toán ở tuổi 22, trường Loyola Marymount University
Còn với anh Hiếu Lê, một Kỹ sư phần mềm tại trụ sở của tập đoàn Facebook ở thành phố Menlo Park, tiểu bang California, phục vụ kết nối gần 3 tỷ người dùng trên mạng xã hội này cảm nhận được sự đồng điệu giữa tôn chỉ của tổ chức với 2 lĩnh vực anh có nhiều liên hệ cá nhân: Giáo dục và công nghệ.
Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nhà giáo và từng hiểu rõ khó khăn khi dạy học cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên với anh, thử thách lớn hơn cả là STEAM for Vietnam không tuân theo môi trường sư phạm truyền thống: bảng đen, phấn trắng được thay thế bằng những công nghệ có thể còn xa lạ với người Việt.
Hiếu Lê lựa chọn gắn bó với STEAM for Vietnam với những mong ước đóng góp cho giáo dục nước nhà
Đối với Phạm Tuấn Anh, Kỹ sư phần mềm (Software Engineer) ở trụ sở của tập đoàn Microsoft tại Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ, đang theo học chương trình Thạc sĩ về Khoa học máy tính (Computer Science) tại Đại học Washington (University of Washington, Seattle) thì lại có một đam mê lớn với giáo dục. Do vậy, khi nghe đến STEAM for Vietnam, chương trình dạy lập trình cho thế hệ trẻ Việt Nam, anh lập tức tham gia.
Anh chia sẻ: "Khi mình đi học và làm việc ở nước ngoài, mình thấy người Việt Nam thông minh và làm việc tốt không kém gì người bản xứ, nhiều khi còn tốt hơn. Với truyền thống hiếu học sẵn có của người Việt Nam, mình tin tưởng các em nhỏ hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ và phát triển tốt hơn nữa nếu được bắt đầu học và làm quen với lập trình từ sớm."
Một trong những đam mê của chàng kỹ sư trẻ Phạm Tuấn Anh là giáo dục
Anh Hiếu Lê cho rằng, trẻ em Việt Nam sở hữu khả năng tư duy logic, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, và kỉ luật khi giải quyết những vấn đề dài hơn - những yếu tố cần thiết để thành công trong ngành lập trình nói riêng và các lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung. Hàng năm, học sinh Việt Nam thường xuyên đứng đầu trong các cuộc thi lập trình quốc tế. Bằng chứng là ngay tại Thung lũng Silicon, nơi anh đang làm việc, rất nhiều sinh viên người Việt được nhận thực tập ở các tập đoàn công nghệ lớn.
Tuy nhiên theo anh, việc trẻ em Việt Nam không được tiếp xúc với Khoa học Máy tính từ sớm trong khi phương pháp truyền đạt bộ môn này còn khô khan và thiếu cảm hứng là một trở ngại. Chị Dan Hoang còn cho rằng, hạn chế khác nữa là nhiều ngôi trường ở Việt Nam không có đủ cơ sở vật chất như các nước phát triển khác. Thế nhưng, với những lợi thế về mặt con người, tin chắc rằng STEAM for Vietnam sẽ góp phần chung tay giúp trẻ em Việt tiến lại gần hơn với những ước mơ chinh phục khoa học, công nghệ một cách miễn phí.
Dự án Trại hè Lập trình Miễn phí 2020 đang được triển khai và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9
Công nghệ đang hiện hữu ở mọi ngóc ngách trong đời sống. Điều này còn được thể hiện khi đại dịch Covid-19 hoành hành, lúc này vai trò của các ứng dụng công nghệ được bộc lộ rõ khi mọi hoạt động đều chuyển sang trạng thái trực tuyến. Nhưng chàng kỹ sư phần mềm của Facebook Hiếu Lê chia sẻ, các phát minh tiên tiến được tạo ra với mục đích phục vụ cho đời sống của con người, không phải để con người phải phụ thuộc vào chúng. Để làm chủ được nó, mỗi người cần trau dồi và học hỏi kiến thức về Khoa học công nghệ, nhất là ở độ tuổi thiếu niên. Đây là cách mà mỗi đứa trẻ ở Việt Nam trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai không xa.
Ảnh: STEAM for Vietnam