Chuyện "trộm thận" ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật

HN, Theo Helino 00:10 14/08/2019
Chia sẻ

Nghèo đói và ít học, hàng nghìn nông dân Nepal trở thành "con mồi ngon" cho những kẻ buôn nội tạng vô nhân tính mỗi năm.

Cảnh tượng người dân cầu xin được điều trị thận trên đường phố Kathmandu, Nepal có lẽ không phải là điều hiếm thấy. Không khác mấy với nhiều nơi trên thế giới - dân số già hóa, chế độ ăn uống nghèo nàn và không có bảo hiểm y tế - sức khỏe cộng đồng nơi đây ngày càng đi xuống, tỷ lệ người mắc các bệnh về nội tạng gia tăng, nhất là các bệnh về thận.

Bởi vậy, những quả thận khỏe mạnh trở thành một mặt hàng chợ đen vô cùng được giá, và những kẻ buôn nội tạng người chắc chắn không bỏ qua cơ hội làm giàu. Theo báo cáo của Global Financial Integrity (tổ chức Toàn vẹn Tài chính Toàn cầu), mỗi năm có đến 7 nghìn quả thận đã bị lấy đi một cách bất hợp pháp.

Buôn bán nội tạng là một hoạt động thương mại bất hợp pháp, nhưng lại đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Hoạt động này tạo ra lợi nhuận từ 514 trệu USD đến 1 triệu USD (12 nghìn tỷ đồng đến 23,2 nghìn tỷ đồng) mỗi năm vào túi những kẻ buôn nội tạng.

Chuyện trộm thận ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật - Ảnh 1.

Bi kịch bệnh thận ở Nepal

Ở Kathmandu, không khó để thấy những trường hợp như vợ chồng ông Jeet Bahadur Magar. Họ đã dùng hết số tiền dành dụm cả đời để chạy thận cho con trai, nhưng vẫn không đủ. Hy vọng mong manh cuối cùng của họ là ngồi lề đường ăn xin để có thể gây đủ quỹ trang trải cho các hóa đơn bệnh viện.

Tại Trung tâm Thận Nepal ở Kathmandu, các bệnh nhân tụ lại đông nghẹt để chờ được chạy thận. Quá trình lọc máu kéo dài bốn giờ đồng hồ, ba lần một tuần thông qua một chiếc máy là cách duy nhất giúp họ sống sót mà không cần ghép thận.

Những bệnh nhân may mắn có đủ điều kiện kinh tế để ghép thận vẫn gặp phải trở ngại: người hiến phải có nhóm máu phù hợp với nhóm máu của người nhận và người hiến phải là người nhà của bệnh nhân theo luật pháp Nepal quy định.

"Ngân hàng thận" của Nepal

Kavre là một quận nhỏ gần thủ đô Kathmandu, và là nơi bọn buôn nội tạng chợ đen hoạt động mạnh nhất. Nhờ những mánh khóe tinh vi, các tay buôn vùng này luôn kiếm được bộn tiền. Thủ đoạn của bọn vô nhân tính này là lừa gạt những người nghèo ít học để khiến họ tự tay hiến đi một phần cơ thể. 

Các vụ lừa gạt và buôn bán thận ở đây nhiều đến nỗi người ta gọi quận này là "ngân hàng thận của Nepal".

Trong suốt hơn 20 năm, người dân nghèo tại các làng ở là nguồn cung cấp thận chủ yếu cho những bệnh nhân tuyệt vọng trên khắp Nepal.

Chuyện trộm thận ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật - Ảnh 2.

Một bệnh nhân đang chờ chạy thận

Diễn đàn Bảo vệ Nhân quyền - một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Kathmandu – ước tính chỉ trong vòng 5 năm năm gần nhất, tính riêng quận này đã có ít nhất 300 người trở thành nạn nhân của các vụ trộm thận.

Cái giá gây phẫn nộ: Bốn triệu đồng cho một quả thận!

Giống như nhiều người ở Kavre, Pariyar kiếm sống từ việc bán sữa gia súc và làm công việc chân tay thời vụ tại các trang trại gần đó. Nghèo và không được đi học, tất cả những gì ông có là hai con bò, một ngôi nhà và một mảnh đất nhỏ.

Chuyện trộm thận ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật - Ảnh 3.

Nawaraj Pariyar là một nạn nhân của những kẻ buôn thận.

Pariyar từng đến Kathmandu để tìm việc tại các công trình. Năm 2000, một tay quản đốc tiếp cận ông và đưa ra một đề nghị khá hời: cho bác sĩ "xin" một miếng "thịt", đổi lại ông sẽ có 30 lakh (khoảng 700 triệu đồng). Và "thịt" mà tay quản đốc kia nói thực ra là một quả thận.

"Ông ta nói rằng thịt sẽ mọc lại," - Pariyar kể. Người đàn ông ít học và nghèo đói liền nghĩ bụng "thịt vẫn mọc lại mà mình vẫn được 30 lakh, còn gì bằng" trước khi lo sợ hỏi thêm một câu "Nhỡ tôi chết thì sao?"

Đương nhiên tay buôn kia sẽ không để Pariyar phải lo lắng, hắn trấn an người đàn ông tội nghiệp kia bằng cách quả quyết rằng sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra, hắn còn cho Pariyar đồ ăn và quần áo mới, dẫn Pariyar đi xem phim. Với một người nghèo khổ, thì mọi thứ giống như cuộc sống mà anh luôn mơ tới.

Pariyar nhanh chóng được đưa đến một bệnh viện ở Chennai, một bang miền Nam Ấn Độ. Một bộ hồ sơ giả hoàn hảo đã được chuẩn bị sẵn, việc của Pariyar là nói "đồng ý" với mọi câu được hỏi.

Chuyện trộm thận ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật - Ảnh 4.

Ông kể: "Tại bệnh viện, bác sĩ hỏi tôi người phụ nữ kia có phải là em gái của tôi không. Tôi được bảo là phải nói có."

Sự thiếu kiến thức của Pariyar đã khiến ông không hề hay biết mình sắp mất đi một trái thận mãi cho đến khi mọi sự đã rồi. Ông ngậm ngùi: "Tôi thấy họ cứ nhắc đi nhắc lại ‘mirgaula’ (thuật ngữ chỉ thận trong tiếng Nepal) nhưng tôi có biết ‘mirgaula’ là gì đâu. Tôi chỉ biết ‘mirgaula’ là ‘mirgaula’."

Chắc mẩm mình chỉ bị cắt mất một ít "thịt" ở đâu đó trên người, người đàn ông cả tin cầm khoảng 20 nghìn rupee Nepal (hơn 4 triệu đồng) – chưa đến 1% số tiền được hứa ban đầu – về nước theo sắp xếp của tay buôn nội tạng, sau khi hắn hứa sẽ sớm gửi nốt số tiền còn lại. Đương nhiên, số tiền ấy đã không bao giờ xuất hiện, còn gã đàn ông kia cũng "bốc hơi" từ đó.

Sự "bốc hơi" của tay quản đốc khiến Pariyar sinh nghi và tìm đến bệnh viện. Cho đến lúc này ông mới tá hỏa phát hiện ra mình bị mất một quả thận. 

Hay nói cách khác, ông vừa bán cho một kẻ không quen biết một quả thận với giá 4 triệu đồng - con số chẳng khác nào cho không.

Không chỉ "tiền mất tật mang", Pariyar còn sinh thêm bệnh tật khi thiếu đi một quả thận. Ông thường xuyên gặp phải các vấn đề về tiết niệu, và thường bị đau lưng dữ dội. Số tiền ít ỏi được tay buôn nội tạng kia đưa thậm chí còn không đủ sống, nói chi đến việc khám chữa bệnh. 

Pariyar đành chờ chết, ngậm ngùi nghĩ về con cái: "Nếu tôi chết, tôi chỉ hy vọng chính phủ có thể chăm sóc cho hai đứa con của tôi. Tôi không biết hôm nay hay ngày mai tôi sẽ chết. Tôi đang đếm từng ngày."

Pariyar chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân của riêng quận Kavre mà nguyên nhân chính là tình hình kinh tế nơi đây. Hầu như không có bất kỳ cơ hội việc làm nào khác ngoài canh tác và chăn nuôi. Chỉ cần một mùa vụ thất bát hoặc một lần thuốc men bệnh nặng cũng có thể hủy hoại cả gia đình.

Chuyện trộm thận ở Nepal: Kẻ phè phỡn hưởng tiền, người khổ sở trong nghèo đói và bệnh tật - Ảnh 5.

Những nạn nhân với vết mổ "trộm thận" tại Nepal

Đường dây "thận đen" tại Ấn Độ

Quy trình làm việc của bọn buôn nội tạng được thực hiện rất trơn tru và bài bản. Ngay sau khi tiếp cận và mời gọi "con mồi", chúng chuẩn bị một bộ giấy tờ tùy thân giả và hộ tống nạn nhân đến bệnh viện.

Tuy nhiên, rất ít bệnh viên Nepal có thể thực hiện ghép thận, những gia đình giàu có cũng hiếm khi chọn bệnh viện tại Nepal để thực hiện cấy ghép, họ thường ưu tiên thực hiện phẫu thuật tại Ấn Độ. 

Thêm vào đó, rất khó có thể vượt qua được vòng kiểm tra hồ sơ tại Nepal. Ấn Độ nghiễm nhiên trở địa điểm tiêu thụ thận dễ dàng hơn. Người nhà bệnh nhân chỉ cần đến xin giấy xác nhận "Không phản đối", một thư xác nhận người hiến thận là người thân của bệnh nhân tại Đại sứ quán Nepal ở New Delhi, Ấn Độ. Vì trên thư không hề có hình ảnh của hai đối tượng cần xác nhận, nên việc qua mặt bệnh viện và tráo người không gây bất kỳ khó khăn nào.

Đây chính là kẽ hở được các tay buôn sử dụng trong nhiều năm liền. Mãi cho đến gần đây, Đại sứ quán Nepal tại Ấn Độ mới bắt đầu đính kèm hình ảnh của hai đối tượng cần xác nhận lên giấy tờ.

Thực trạng buôn nội tạng bất hợp pháp tại Nepal quá phổ biến, và cuối cùng cũng khiến chính phủ nhúng tay vào xử lý. Họ cố gắng thắt chặt hơn các chính sách và lấp đầy các kẽ hở. Cảnh sát cũng thực hiện nhiều cuộc điều tra và bắt giữ những kẻ phạm tội. Trong năm 2014, chính quyền quận Kavre đã bắt giữ ít nhất 10 người bị cáo buộc buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc trấn áp bọn tội phạm vô nhân tính này vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Phó thanh tra Dipendra Chand, người đứng đầu cuộc điều tra chia sẻ. "Nếu cảnh sát tiếp tục điều tra một nơi, bọn chúng chỉ việc chuyển địa điểm hoạt động," - Chand nói.

Rajendra Ghimire - luật sư, đồng thời là giám đốc của Diễn đàn Bảo vệ Quyền Con người của Nepal cũng cho biết các đường dây buôn nội tạng hiện đang vượt ra khỏi Kavre.

Dù vấn đề buôn bán nội tạng ở Nepal đang ngày càng được quan tâm, cảnh sát và báo chí cũng đã vào cuộc, nhưng đối với hàng nghìn nạn nhân như Pariyar, điều này dường như đã quá chậm trễ.

Tham khảo: CNN
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày