'Đi cầu 2 ngày 1 lần là cách để cứu lấy Trái đất' - Đây là "sáng kiến" của tổng thống Brazil vừa khiến rừng Amazon bị chặt hạ với tốc độ chưa từng có

J.D, Theo Helino 12:25 13/08/2019
Chia sẻ

Câu chuyện nghe tưởng vô lý mà hóa ra... đúng là vô lý đùng đùng.

Rừng Amazon hiện đang bị chặt phá với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Trong tháng 7/2019 vừa qua, đã có hơn 2.254 km2 rừng bị chặt hạ, tăng hơn 278% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân cho cơ sự này bắt nguồn từ tháng 10/2018, khi tổng thống Brazil đương nhiệm Jair Bolsonaro đắc cử và có những tuyên bố tương đối chống lại môi trường. Và kể từ lúc đó, tốc độ chặt phá rừng tại Amazon tăng đến chóng mặt.

Đi cầu 2 ngày 1 lần là cách để cứu lấy Trái đất - Đây là sáng kiến của tổng thống Brazil vừa khiến rừng Amazon bị chặt hạ với tốc độ chưa từng có - Ảnh 1.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Nhưng có vẻ tổng thống Bolsonaro cũng có những ý tưởng bảo vệ Trái đất của riêng mình. Chẳng hạn như mới đây khi bị hỏi dồn về vấn đề chặt phá rừng để tăng trưởng nông nghiệp đang khiến hiệu ứng nhà kính tăng thêm 25%, Bolsonaro đã phản pháo:

"Giờ là lúc nên ăn ít lại. Anh đã nói về ô nhiễm môi trường? Thế thì hãy đi cầu cách ngày ra. Như vậy thế giới sẽ tốt hơn đấy."

Tóm gọn lại thì Bolsonaro đang cho rằng tất cả chúng ta chỉ nên đi cầu ở mức độ "2 ngày 1 lần" mới có thể cứu được Trái đất. Và vì câu nói xuất phát từ một người khiến hàng ngàn kilomet vuông rừng Amazon bị chặt hạ chỉ trong vòng 2 tháng, nên nó đang gây ra phản ứng hết sức dữ dội từ cộng đồng mạng.

Không rõ ông đùa hay thật, và cũng bỏ qua câu chuyện chặt cây, thì liệu sáng kiến này có đúng hay không? Xét cho cùng, một trong những nguồn tạo khí methane gây hiệu ứng nhà kính chính là chất thải của động vật mà.

Đi cầu 2 ngày 1 lần là cách để cứu lấy Trái đất - Đây là sáng kiến của tổng thống Brazil vừa khiến rừng Amazon bị chặt hạ với tốc độ chưa từng có - Ảnh 2.

"Đi" ít thôi để bảo vệ môi trường

Một sáng kiến rất phản khoa học

"Đi cầu không phải là thứ chúng ta có thể quyết định nên đi lúc nào. Chẳng ai lên kế hoạch trước được chuyện này cả," - trích lời Bruce Y. Lee - phó giáo sư khoa Y ĐH Johns Hopkins cho biết. 

"Lời khuyên đi cầu ít đi cũng không phù hợp về mặt sức khỏe, thậm chí việc nhịn có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc, như... đùn ra giữa cuộc họp chẳng hạn."

Trên thực tế thì theo một nghiên cứu năm 2018, người trưởng thành khỏe mạnh có tần suất đi cầu dao động từ 3 lần/ngày đến... 3 ngày/lần. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của họ. Nếu đến lúc mà phải nín nhịn, tình trạng táo bón có thể xảy ra và khiến cơ thể gặp nhiều vấn đề khó chịu.

Đi cầu 2 ngày 1 lần là cách để cứu lấy Trái đất - Đây là sáng kiến của tổng thống Brazil vừa khiến rừng Amazon bị chặt hạ với tốc độ chưa từng có - Ảnh 3.

Thậm chí, tình hình có thể trở nên nguy hiểm. Năm 2015, một cô gái mắc chứng "sợ toilet" đã qua đời sau khi cố gắng nín nhịn đi cầu suốt 8 tuần. Số lượng chất thải tồn đọng nhiều đến nỗi dồn cả lên ngực, đè vào tim và khiến cô bé truỵ tim mà chết.

Ngay cả năm 2018, một người đàn ông cũng đã khiến cảnh sát Anh Quốc phát hoảng sau khi lập một kỷ lục nhịn đi cầu lên tới 40 ngày. Tuy nhiên, anh ta nhịn không phải để bảo vệ môi trường, mà vì trước lúc bị bắt đã nuốt một túi ma túy. Cảnh sát chỉ đợi anh ta "xả van" để thu lấy bằng chứng thôi, nên anh nhất quyết không đi.

Chuyện đi cầu có ảnh hưởng đến môi trường, nhưng cần giải quyết theo một cách khác

Vấn đề không phải là bạn đi cầu bao nhiêu lần, mà là bạn xả ra cái gì. Hãy cứ để "đầu ra" của bạn như bình thường, nhưng đầu vào thì hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm từ thịt.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ngành chăn nuôi đang chiếm một phần khá lớn trong lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Nếu chuyển sang một chế độ ăn rau, bạn sẽ đi cầu nhiều hơn, nhưng bù lại lượng carbon thải ra thực chất lại nhỏ hơn.

Tham khảo: Science Alert, IFL Science
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày