Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Hồ Thuỳ Linh về chuyện tình yêu của mình với chồng là PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân. Cả hai nhà khoa học trẻ hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử (ĐHQG-HCM), và đều từng nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng.
Từ miền quê Bình Định, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Hồ Thuỳ Linh (SN 1990) bước chân vào giảng đường với ước mơ làm cô giáo. Thùy Linh chọn theo học ngành Hoá học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), để thỏa trí tò mò các thành phần màu sắc của lá cây. “Suốt 4 năm học đại học, tôi chẳng nghĩ gì xa xôi hay phấn đấu trở thành một nhà nghiên cứu. Mọi chuyện đến với tôi theo lẽ tự nhiên mà người ta hay gọi đó là duyên nợ”, TS. Linh kể.
Năm 2012, khi đang là sinh viên năm cuối, Thùy Linh được phân công làm đề tài tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của giảng viên trẻ Đoàn Lê Hoàng Tân (SN 1987, quê ở Bình Dương). Ấn tượng đầu tiên về người thầy hướng dẫn trong chị là sự lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng rất truyền cảm hứng khi say mê nói về những thí nghiệm hoá học. Từ những cuộc tranh luận căng thẳng về hoá học, hay sự đồng tâm hiệp lực khi cùng thực hành các thí nghiệm với thầy hướng dẫn, hóa học dần dần ngấm vào tâm trí chị.
Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp, Thùy Linh gác lại ước mơ trở thành cô giáo, chọn ở lại phòng nghiên cứu với định hướng trở thành một nhà nghiên cứu tập trung. Sau 3 năm sống với tình yêu hoá học, tình cảm, sự ngưỡng mộ của chị với người thầy hướng dẫn cũng lớn dần theo thời gian, cặp đôi nhà khoa học trẻ chính thức tìm hiểu nhau.
Sau gần 5 năm quen và tìm hiểu, năm 2016, hai nhà khoa học trẻ chính thức về chung một nhà. “Nhiều người hay bảo, vợ chồng chung chỗ làm nhiều khi gặp chuyện khó xử hay nhanh chán nhau. Thậm chí có bạn bè hỏi vui: Nghiên cứu để giải cứu thế giới hay sao? Tôi lại nghĩ khác, nếu không hiểu công việc đối phương, ta sẽ chỉ thấy đó là kết quả của sự cố gắng thông thường. Nhưng khi cùng nghề với chồng, khoảnh khắc tìm ra một giải pháp nhỏ hay được chấp nhận công bố khoa học thôi cũng đã đủ để thấy nể phục nhau hơn. Bởi cả hai cùng nếm trải cuộc sống đằng sau đó”, TS. Linh chia sẻ.
Với vợ chồng chị Linh, hoá học là cuộc sống. Đam mê với hoá học và tình yêu giữa hai người luôn song hành cùng nhau trên một hành trình. “Có những ý tưởng nghiên cứu của tôi bừng sáng và thành công chỉ đơn giản từ sự gợi mở hay gợi ý vu vơ của chồng trong những lúc cùng ăn sáng, hay nấu ăn vào buổi tối. Chẳng hạn như công bố khoa học về vật liệu xúc tác (năm 2019) và cảm biến khí NH3 (năm 2021), đều được xuất bản trên tạp chí khoa học Q1”, nữ tiến sĩ kể.
Vợ chồng nhà khoa học trẻ Hoàng Tân - Thuỳ Linh nên duyên từ những thí nghiệm hoá học. Ảnh: NVCC
Mặc dù có chồng làm “điểm tựa” trong nghiên cứu khoa học nhưng hành trình nghiên cứu của TS.Linh không có nghĩa “toàn màu hồng”. Một ngày của chị bắt đầu ở phòng nghiên cứu từ 8h sáng, thường 17h kết thúc. Buổi tối ở nhà chị tranh thủ viết báo và sửa khoá luận cho sinh viên. Để có bộ dữ liệu cho một công bố khoa học, chị phải thực hiện chuỗi các mẫu thí nghiệm, mỗi yếu tố khảo sát phải lặp lại độ chính xác từ 3 lần trở lên. Nếu phát hiện có lỗ hổng về số liệu hoặc lệch khỏi xu hướng dự báo, chị sẽ khoanh vùng và thực hành lại thí nghiệm. Trung bình nếu nghiên cứu kết hợp với cộng sự, chị sẽ mất từ 12 đến 15 tháng, nếu nghiên cứu độc lập sẽ mất 2 năm mới có thể xuất bản.
Vừa làm vợ, làm mẹ, làm nhà khoa học, TS. Nguyễn Hồ Thuỳ Linh thừa nhận, không thể cùng một lúc hoàn thành được mọi dự định, nhưng đôi khi lại tạo khoảng nghỉ để tiến xa hơn. “Thời điểm năm 2018, tôi gác lại việc nghiên cứu để sinh con. Khoảnh khắc ở trên giường đau đẻ, chồng tôi vẫn ung dung nói chuyện về nghiên cứu khoa học với tôi... Tôi thắc mắc tại sao ngay cả trong lúc sắp đẻ, anh vẫn nhắc đến chuyện nghiên cứu. Anh bảo, anh kể để tôi quên đi cơn đau”, nữ tiến sĩ kể.
Sau khi sinh con, Thùy Linh nhanh chóng trở lại “đường đua” khám phá hoá học. Tính tới thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Hồ Thùy Linh đã có hơn 40 bài báo khoa học. Trong đó, có 21 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Q1, 17 bài trên tạp chí khoa học quốc tế Q2, 4 bài trên tạp chí khoa học trong nước, chủ trì 2 đề tài cấp bộ và tương đương.
Không kể nhiều về thành tựu của mình, nữ tiến sĩ trẻ khiêm tốn nói rằng, cô vẫn cần học hỏi nhiều hơn từ người chồng và những nhà nghiên cứu giỏi khác. Và giờ, hai vợ chồng chị có thêm một mối quan tâm đặc biệt nữa là đứa con. “Tôi và chồng đang và sẽ nuôi một mầm non hoá học, cho con tiếp cận sớm với hoá học, từ việc làm xà bông để thổi bong bóng...”, nữ tiến sĩ chia sẻ thêm.