Chuyển thể điện ảnh "Dạ Cổ Hoài Lang": Khó hay dễ?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:33 23/03/2017

Liệu phiên bản điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có vượt qua được vở kịch "Dạ Cổ Hoài Lang" có hơn 20 năm tuổi đời hay không?

Dạ Cổ Hoài Lang mang trong mình những kì vọng về một bộ phim sẽ chạm đến cảm xúc của nhiều thế hệ khán giả, đồng thời đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Kịch Dạ Cổ Hoài Lang cũng là một tượng đài không thể thay thế trong làng kịch nghệ với tuổi đời hơn 20 năm. Quyết định chuyển thể kịch thành phim tưởng dễ mà lại rất khó.

Từ một sân khấu 4 người

Cách đây 23 năm, vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang lần đầu được công diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần và ngay lập tức tạo cơn sốt ở Sài Gòn. Khán giả thời đó hẳn vẫn còn nhớ cảnh tượng đoàn người rồng rắn xếp hàng để tranh được chỗ cho 3 suất diễn mỗi ngày. 

Chỉ có 4 diễn viên cùng bối cảnh sân khấu chật chội nhưng Dạ Cổ Hoài Lang chưa từng hạ nhiệt suốt 23 năm qua. Bởi vì nó như một tiếng nấc nghẹn bật ra khỏi lồng ngực của bất kì khán giả nào bên dưới, nhắc nhớ mỗi người về tình yêu quê hương đầy ý nhị, đồng thời giày vò tan nát cái đau đáu về khoảng cách của hai thế hệ gia đình.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 1.

Việt Anh (trái) và Thành Lộc (phải) trong kịch Dạ Cổ Hoài Lang

Dạ Cổ Hoài Lang được thai nghén khi nghệ sĩ Thanh Hoàng tình cờ nghe được bài hát này của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông dốc tâm dốc sức để viết ra một kịch bản chứa đựng nỗi nhớ quê hương của những người già nơi đất khách dù mình chưa từng đến Mỹ. Sau đó, vở kịch chính thức xuất hiện trên sân khấu vào năm 1994 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Công Ninh. Kịch bản được gợi lên từ một bài hát, còn là sản phẩm dàn dựng đầu tay của đạo diễn nhưng Dạ Cổ Hoài Lang lại chạm đến trái tim của rất nhiều người.

Âu cũng vì thời đó điều kiện bay đi bay về chưa dễ dàng như bây giờ nên cái nỗi nhớ người thân, sự hoài vọng quê nhà lúc nào cũng âm ỉ trong lòng người nước mình. Cũng vì vậy mà 4 cái tên Thành Lộc (vai ông Tư Lành), Việt Anh (vai ông Năm Triều), Quốc Thảo (vai người bạn trai) và Hồng Vân (vai cô cháu gái) trở thành những nghệ sĩ có công cán mở ra "triều đại" chưa dừng lại của Dạ Cổ Hoài Lang.

Trích đoạn kịch "Dạ Cổ Hoài Lang" được tái diễn trong chương trình "30 năm Hội Sân Khấu Tp.HCM" với phần thể hiện của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh

Đến một hành trình bền bỉ nặng tình

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 3.

Hữu Châu (trái) và Thành Lộc (phải)

Suốt hơn 20 năm công diễn với cả nghìn suất từ Nam ra Bắc, từ Việt sang Mỹ, Dạ Cổ Hoài Lang luôn nhận được sựu ưu ái của khán giả dù đã có không ít lần thay đổi diễn viên. Cặp đôi Thành Lộc - Việt Anh, Hoài Linh - Việt Anh, hay Thành Lộc - Hữu Châu đều trở thành những Tư Lành - Năm Triều xuất sắc trên cái sân khấu chứa đầy nỗi khắc khoải của họ. 

Bởi đơn giản một lẽ, cái tình của nhân vật, của vở kịch thấm thía đến từng thớ cảm xúc của khán giả. Tất cả cùng cười, cùng khóc rồi cùng lặng đi theo những âm thanh, tiếng nói nặng nợ quê nhà, nặng tình gia đình trong những suất chiếu đặc kín người. 

Ngạc nhiên nhất chính là khi Dạ Cổ Hoài Lang "thân chinh" ra Hà Nội vào năm 1996 và vẫn nhận được rất nhiều ủng hộ cũng như những giọt nước mắt đồng cảm của khán giả phía Bắc, điều mà hiếm vở kịch Nam Bộ nào làm được.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 4.

Việt Anh (trái) và Hoài Linh (phải)

Có lẽ vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê, sự uất nghẹn không thể tỏ bày giữa hai thế hệ khác biệt về ngôn ngữ, tuổi tác trên đất khách là chuyện không của riêng ai. Đặt trong bối cảnh hậu chiến (những năm tám mươi) thì chỉ càng cảm thấy mủi lòng. Từng câu thoại như là ruột, là gan của những ông bạn già nương tựa vào nhau trên đất khách. Từng cái to tiếng, từng sự hiểu lầm của những người trẻ lớn lên xa quê hương như lời giải bày uất ức của thế hệ mới. 

Tác giả Thanh Hoàng đã viết nó bằng tấm lòng của sự đồng cảm, những nghệ sĩ đã hóa thân vào nhân vật bằng sự chân thật, lồng trong bản nhạc ám ảnh từ câu đầu tiên của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Dạ Cổ Hoài Lang cứ thế sống mãi qua từng năm tháng ở nhiều sân khấu.

Và sự đổi mới đầu tiên nhiều thách thức

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng vì bị vở kịch này chinh phục mà quyết định thực hiện bản phim điện ảnh chuyển thể. Anh đã mời nghệ sĩ Thanh Hoàng chủ trì phần kịch bản, nhạc sĩ Đức Trí (người có nhiều duyên nợ với bản kịch) làm giám đốc âm nhạc cho bộ phim có quá trình thực hiện gần 2 năm. Hoài Linh một lần nữa trở thành Tư Lành, nhưng là trên màn ảnh, còn Chí Tài lần đầu trở thành Năm Triều với nhiều thách thức.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 5.

Hoài Linh và Chí Tài trong bản điện ảnh

Đạo diễn cũng đã "nêm nếm" thêm nhiều gia vị mới lạ cho bản điện ảnh như việc đoàn phim lặn lội sang tận Canada để quay những cảnh tuyết rơi chân thực nhất. Song song là phát triển phần chuyện quá khứ của bộ ba Tư Lành – Út Trong – Năm Triều từ nhỏ đến lớn với những cảnh quay làng quê Việt Nam đẹp mướt mắt. 

Tuy nhiên, "chất điện ảnh" trong phim cũng chỉ dừng lại ở đó. Việc thay đổi một số tình tiết, hoán đổi vị trí nhân vật đều có chủ đích nhưng cũng không ảnh hưởng lắm đến tinh thần của nguyên tác, thành thử trở nên không cần thiết.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 6.

Bối cảnh được đầu tư với nhiều lần xuất ngoại mới có thể hoàn thành sau 2 năm

Nói đi cũng phải nói lại, khó lòng trách được Nguyễn Quang Dũng vì những điều còn thiếu sót trong bộ phim này. Bản thân anh là một khán giả ruột của Dạ Cổ Hoài Lang, nên chắc chắn anh sẽ có trách nhiệm gìn giữ tinh thần của bộ phim một cách trọn vẹn nhất. Do đó, dù cho bối cảnh trong căn nhà có tường sơn màu tím xuất hiện gần như nửa thời lượng phim, gây ra cảm giác ngột ngạt và nhàm chán nhưng phần nội dung, diễn xuất đã cứu lại khá nhiều.

Xuyên suốt bộ phim đều là những cảnh đối thoại nhưng thoại lại chính là linh hồn của Dạ Cổ Hoài Lang. Nếu ông Tư Lành không cãi nhau với cháu gái, ông Tư Lành không tâm sự với Năm Triều thì những tinh thần của nguyên tác khó có thể được truyền tải. 

Cái thi vị và thấm thía nhất của câu chuyện này không nằm ở những khẩu hiệu yêu nước, hay vài ba câu nói sâu sắc về tình gia đình. Nó nằm ở cách mà các nhân vật đối thoại với nhau, như hơi thở của thời cuộc. Vì vậy, có thể trách phim Dạ Cổ Hoài Lang còn thiếu chất điện ảnh nhưng cũng hãy trách sao kịch Dạ Cổ Hoài Lang lại quá thiếu chất liệu điện ảnh để thực hiện! Bởi mới nói, cái khó khi chuyển thể bộ phim này chính là ở đây.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 7.

Will trong vai Năm Triều lúc trẻ

Nhưng cũng thật may mắn khi hầu hết khán giả bước ra khỏi rạp, nhất là các khán giả lớn tuổi, đều rưng rưng tròng mắt. Bởi họ đã tìm được cái không khí xồng xộc mùi nỗi nhớ trên sân khấu ngày xưa. Hoài Linh với Tư Lành như chim về với tổ sau những tháng ngày lang bạt, Chí Tài lại là một bất ngờ vô cùng thuyết phục khi lần đầu trở thành Năm Triều tếu táo nhưng cũng đầy tinh tế. 

Các tuyến vai phụ được chọn lựa đa dạng cũng bổ sung khá tốt cho phim. Đặc biệt, phần âm thanh được nhạc sĩ Đức Trí trau chuốt chính là điểm cộng rất lớn. Anh cũng nói mình chủ đích giữ lại cách hát, hòa âm ở những phân đoạn linh hồn của sân khấu để có được không khí trọn vẹn.

Chuyển thể điện ảnh Dạ Cổ Hoài Lang: Khó hay dễ? - Ảnh 8.

Nếu nhất định phải so sánh giữa phim và kịch thì chắc chắn kịch vẫn nhỉnh hơn. Nhưng nếu nghĩ tích cực thì Nguyễn Quang Dũng đang có công phổ biến cái hay ho của Dạ Cổ Hoài Lang trên màn ảnh rộng đến nhiều đối tượng khán giả. Hơn nữa bộ phim này tuyệt đối không phải là một phim làm ẩu. 

Dù còn nhiều điều chưa tốt nhưng nó đã hoàn thành xuất sắc vai trò lưu giữ và kế nhiệm sự tuyệt vời của vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang trong những thước phim hiện đại. Giống như khoảng cách giữa Tư Lành và cô cháu gái vậy, bản kịch và bản phim vẫn giao nhau ở những cảm xúc được gióng lên từ chính trái tim người Việt.