Chuyện sống chung với mẹ chồng: Con dâu không biết điều, thì sao trách mẹ chồng ghê gớm?

Ngọc Trinh; Design: Tạ Sơn Quỳnh, Theo Trí Thức Trẻ 07:45 09/04/2017
Chia sẻ

Đôi khi những cô dâu trẻ lại quên mất sự ý nhị, khéo léo cần có khi về sống chung với mẹ chồng. Nên người ta mới bảo, trước khi trách người phải xem lại mình đã.

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, từ xưa đến nay đã vô cùng phức tạp. Vì mẹ chồng và nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không quan hệ máu mủ, không ràng buộc bà con; nhưng hai người có một vai trò, một vị trí đặc biệt trong gia đình. Cả hai đều có mối quan hệ đậm đà mật thiết với cùng một người đàn ông: một bên là quan hệ mẹ con, một bên là quan hệ vợ chồng, và đó là lý do khiến mối quan hệ giữa hai người đàn bà đó thường dễ căng thẳng và có nhiều xung đột.

Mặc dù trong xã hội hiện đại, mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu cũng không còn to tát như ngày xưa, nhưng không thể phủ nhận những con sóng ngầm vẫn lăn tăn dưới đáy, gờn gợn đe dọa mối quan hệ vốn đã dễ bị lung lay này. Giữa mẹ chồng - nàng dâu luôn có một rào cản vô hình, khiến hai người khó lòng xích lại gần nhau.

Chính vì lý do đấy, mà chủ đề mẹ chồng - nàng dâu chưa bao giờ hết hot, nhất là khi nó được đem lên màn ảnh nhỏ để ai cũng có thể xem và bàn luận. Bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" dù mới ra đến tập 2 nhưng đã có nhiều vấn đề khiến người xem phải suy ngẫm.

Từ cái gông mẹ chồng

Dường như trong suy nghĩ của hầu hết con dâu, mẹ chồng chính là một thế lực hắc ám, đe doạ tới hạnh phúc của mình. Giống như Vân, ngay từ ngày đầu tiên về thăm gia đình Thanh, cô đã cảm thấy được sự kỹ tính, hay để ý, xét nét từ mẹ người yêu.

Đấy cũng là cảm nhận chung của nhiều cô con dâu khác. Lúc mới về ra mắt thì bị mẹ chồng soi mói từ cách ăn mặc, đi đứng đến công việc nấu nướng. Lúc sắp sửa làm dâu thì mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào việc chuẩn bị đám cưới, không cho các con tự quyền quyết định. Đến khi về chung một nhà rồi mới nhận ra mẹ quá yêu con trai mình, mà hay ghen ghét, tỵ nạnh với con dâu.

Người ta vẫn nói "lấy chồng như đeo gông vào cổ", mà có lẽ ai cũng hiểu rằng cái gông nhiều sức nặng nhất chính là cái gông mẹ chồng. Từ lời ăn tiếng nói của bản thân, đến khi làm những việc trong gia đình đều bị mẹ chồng để ý, xét nét.

Chuyện sống chung với mẹ chồng: Con dâu không biết điều, thì sao trách mẹ chồng ghê gớm? - Ảnh 1.

Vân hay những cô gái sắp về làm dâu nhà người có lẽ đều thấu hiểu điều này, mà cố gắng làm hài lòng mẹ chồng nhất có thể. Ngoan ngoãn, lễ phép, đến hỏi về chào, năng nổ xắn tay áo cùng làm việc bếp núc… Nhưng dù làm sai, làm đúng thì mẹ chồng vẫn luôn có cớ để trách móc con dâu, mà ít khi dùng tấm lòng để đối đãi với họ, nên mối quan hệ ấy ngày càng trở nên xa cách hơn.

Nhưng dẫu sao, cái sự hay soi mói ấy cũng có lý do của nó. Mẹ nào cũng thương con, muốn chăm sóc con về mọi mặt, ngay cả khi con đã trưởng thành. Nhất là với con trai khi đến tuổi lấy vợ, các bà mẹ thường có khuynh hướng sợ con dâu không đủ tốt với con mình, sợ con dâu không chăm lo được cho con trai mình. Cái sự xét nét, để ý ấy cũng chỉ là vì mẹ chồng muốn chắc chắn một tương lai hạnh phúc cho con trai mình mà thôi.

Mẹ chồng Vân cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi Thanh là con một của bà. Bao nhiêu yêu thương bà đều dồn cả vào người con ấy, nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bà đặt nhiều kỳ vọng vào con dâu tương lai là Vân. Cái sự xăm soi, hay để ý của các bà mẹ chồng cũng đáng để cảm thông lắm chứ.

Đến những cô con dâu cũng chẳng phải dạng vừa

Nói đi thì cũng phải nói lại, không có lửa làm sao có khói, không có con dâu đểnh đoảng, vô ý vô tứ thì làm sao có bà mẹ chồng hay xét nét, soi mói trên đời. Trong thời đại ngày nay, không thể cái gì cũng trách móc mẹ chồng là ghê gớm được.

Giống như cái cách mà mẹ Thanh đối xử với Vân, không phải tự dưng bà lại ghê gớm như thế. Nếu tôi là bà, tôi cũng sẽ khó chịu với cô ấy như vậy.

Làm gì có cô gái nào ngày đầu tiên về ra mắt bố mẹ bạn trai đã đến muộn. Cứ cho là vì phải mua hoa, mua quà nhưng nếu là người biết sắp xếp thời gian, thì những thứ đó phải được chuẩn bị từ tối hôm trước.

Làm gì có cô gái nào đến nhà bạn trai mà để mẹ bạn nấu nướng một mình; còn mình thì "tót" lên phòng riêng ôm ấp, hôn hít. Làm gì có cô gái nào đến ăn cơm mà cứ nói chuyện điện thoại vô tư, chen ngang bữa cơm vô duyên như thế. Cái thói vô ý vô tứ này chẳng mẹ chồng nào chấp nhận được.

Chuyện sống chung với mẹ chồng: Con dâu không biết điều, thì sao trách mẹ chồng ghê gớm? - Ảnh 2.

Nếu như Vân biết cách đối nhân xử thế, tinh tế hơn trong mối quan hệ với gia đình nhà bạn trai, thì có lẽ giữa cô và mẹ chồng sẽ không xảy ra những mâu thuẫn khó lòng tháo gỡ.

Chưa kể đến việc, Vân chưa đủ người lớn và chín chắn để có thể xử lý những tình huống phát sinh khi cô về làm dâu nhà người. Thái độ bất hợp tác, khó chịu ra mặt khi mẹ chồng mua cho bộ ga gối là không thể chấp nhận được. Rồi sự vô lý khi Vân nằng nặc đòi tự quyết định đám cưới của mình. Cô vốn biết mẹ chồng là người kỹ tính, biết mình đang trong tầm ngắm của bà, nhưng lại chỉ thích làm theo ý mình, không biết nhún nhường, tôn trọng mẹ chồng.

Chẳng khó để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có thể cơm lành canh ngọt

Đương nhiên, mẫu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu không thể chỉ do một người gây nên, mà trách nhiệm đều thuộc về cả hai. Nhưng nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy, trên khắp các diễn đàn đang bàn luận sôi nổi về bộ phim, nhiều người cũng phải thốt lên rằng mẹ Thanh cũng là một người mẹ chồng tốt đấy chứ! Chẳng qua chỉ là bà hơi kỹ tính, và quá yêu thương con mình mà thôi.

Biết là vậy, thì Vân, người sẽ là vợ của Thanh, sẽ trở thành người phụ nữ thứ hai trong gia đình, nên biết cách đối nhân xử thế sao cho vừa đẹp lòng bố mẹ chồng, vừa không khiến chồng mình rơi vào tình huống khó xử.

Đối với những hành động mà mẹ chồng đã can thiệp vào cuộc sống vợ chồng, hãy học cách để chấp thuận. Dù sao, là người đi trước, mẹ Thanh cũng chỉ muốn những điều tốt nhất cho các con của mình. Trước là vì Thanh, và hai cũng là vì Vân. Bởi sau cùng, cả hai rồi cũng về chung một nhà, cũng đều là con của bà cả.

Và suy cho cùng, đã là sống cùng mẹ chồng thì đi ra đi vào dễ bề chạm mặt. Không thể cứ để mâu thuẫn tồn đọng ngày này sang tháng khác. Cho nên đã muốn làm một nàng dâu thảo, thì nhất định phải là nghe lời mẹ chồng một cách tâm phục khẩu phục. Chứ đừng cái kiểu đầu thì gật, môi thì cười nhưng quay lưng đi nước mắt lại lưng tròng, lại hậm hực, lại dằn vặt và đay nghiến chồng mình.

Chuyện sống chung với mẹ chồng: Con dâu không biết điều, thì sao trách mẹ chồng ghê gớm? - Ảnh 3.

Trong cùng một mái nhà, trời không chịu đất thì đất cũng nên chịu trời. Đừng vì cái "tôi" của mình quá cao mà khăng khăng làm theo sở thích. Đồng ý là chuyện bị can thiệp vào quá sâu đời sống vợ chồng riêng tư là chẳng ai mong muốn, nhưng để có thể sống vui vẻ, hòa thuận cùng chồng và gia đình chồng hay không mới là chuyện quan trọng.

Sinh ra làm phận con gái đã có nhiều thiệt thòi. Nhưng cuộc sống vợ chồng, cuộc sống của người làm dâu sướng khổ ra sao lại do chính bản thân mình lựa chọn cách ứng xử. Nếu con dâu là một cô gái biết nghe lời mẹ chồng, biết cảm thông cho tình yêu thương vô bờ bến của bà dành cho con trai – cũng là chồng mình, thì sẽ thấy mọi chuyện giản đơn và dễ xử hơn nhiều.

Đồng ý là bao giờ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng còn đó là khoảng cách của thế hệ. Giữa những người ở thế hệ đi trước, và những người ở thế hệ sau. Cho nên tránh sao được cái cảnh bất đồng quan điểm? Chỉ có là, phận làm dâu con, lại là dâu mới, biết khôn biết khéo để chèo để chống thì cuộc sống mới dễ bề hanh thông.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày