Tôi vẫn nhớ mãi câu hát mà ngày bé tí chắc ai cũng thuộc lòng "Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời!". Không hiểu có phải đa số các mẹ chồng cũng thuộc bài hát ấy và ý thức được quá rõ cái sự độc tôn và duy nhất ấy của mình không mà luôn tự coi mình như đấng cứu thế. "Thuận theo mẹ thì sống. Ngược mẹ à? Vẫn sống. Nhưng không bằng chết!". Thế có đáng sợ không cơ chứ!
Sống chung với mẹ chồng, là "bị" hay "được"?
Mấy bữa nay dân tình lại được một phen bàn tán, buôn chuyện xôn xao về phim "Sống chung với mẹ chồng". Tên phim nghe qua đã thấy hot, vì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngàn đời nay vẫn là một bộ tiểu thuyết trinh thám tâm lý đấu đá dài tập và bất phân thắng bại. Đấu trí, đấu lí cũng căng thẳng, sóng gió không kém thâm cung nội chiến là mấy.
Bộ phim bám sát thực tế, khi xây dựng một hình mẫu mẹ chồng điển hình: Thượng lưu, gia giáo, cơ bản, Hà Nội gốc. Nhà lại không nhiều nhặn gì, có nhõn anh con trai "đẹp trai cao ráo, công nhân viên chức nhà nước, nhà cao cửa rộng". Bố chồng thì thuộc mẫu úi xùi, "em quyết sao anh nghe vậy". Con trai 30 tuổi lớn đùng vẫn phải nghe mẹ từng ly từng tý, mẹ nói gì cũng vâng vâng dạ dạ. Còn cô con dâu là người tỉnh lẻ, xinh đẹp (tất nhiên, nếu không tuổi gì được anh trai kia xin chết?), cũng có chút tính tiểu thư công chúa.
Tất cả những cá tính ấy, khi đứng riêng thì đúng là chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Người khó tính, hay dò xét cứ việc soi mói. Người nũng nịu, bánh bèo cứ việc điệu đà chẳng ai quan tâm. Nhưng khi những mảnh ghép ấy được đặt gần với nhau, trong một mối quan hệ có tên là mẹ chồng - chồng - nàng dâu, được hợp thức hóa bằng một đám cưới, thì tất cả sẽ là một câu chuyện khác. Rất khác.
Dù phim mới chỉ chiếu được hai tập, nhưng ai xem xong cũng phải phẫn nộ vì "Mẹ chồng gì tai quái đến vậy? Đêm tân hôn còn nhảy xổ vào phòng con trai con dâu. Trước mặt tân tiến sau lưng phong kiến. Thế là thế nào?".
Rồi "Ở cùng với bà này quá là địa ngục trần gian".
Ơ thế hóa ra sống chung với mẹ chồng là PHẢI sống, là BỊ sống à? Nếu không thấy thoải mái thì đừng sống chung. Nếu không thể không sống chung thì đừng cưới! Nhất là cưới một anh chồng nhà chẳng có gì ngoài điều kiện, bóng sáng ngút trời, nhưng không bao giờ có tiếng nói riêng bằng cách trò chuyện thẳng thắn, nghiêm túc với mẹ, mà toàn phải giở trò dằn dỗi, nịnh nọt, van xin.
Một người đàn ông nhu nhược, kém cỏi như thế mà vẫn đâm đầu vào yêu, rồi nhất định phải cưới cho bằng được, và quyết tâm về ở cùng nhà với mẹ chồng tai quái hay soi mói như kia, thì Vân - nhân vật nữ chính thực sự là người điếc không sợ súng.
Mà mẹ đẻ của Vân cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự lựa chọn kém sáng suốt của cô, khi nói với con rằng "Nhà mình là nhà gia giáo, có ăn học nên không có chuyện con gái đi lấy chồng, cãi nhau gây chuyện với nhà chồng rồi về nhà bố mẹ đẻ ở đâu nhé!" Con gái còn chưa lấy chồng, chưa lên xe hoa đã bị chính mẹ đẻ mình "ruồng rẫy" như vậy, thử hỏi vui vẻ yên tâm sao nổi?
Chưa kể ở nhà chồng thì mẹ chồng lườm nguýt; hàng xóm lại chỗ này một câu, chỗ kia một câu; bạn mẹ chồng lại đưa chuyện ngược xuôi. Mẹ đẻ hất đi, mẹ chồng không tiếp. Xem phim thực sự thấy tội cho Vân. Vì dại. Dại quá. Chọn cưới một chàng như thế đã dại. Còn bảo với mẹ mình là "Mẹ yên tâm, con không bao giờ làm như vậy đâu" là càng dại hơn.
Khi ấy, con dâu càng nhường, mẹ chồng càng lấn tới. Con dâu càng nhăn nhó, mẹ chồng càng khó chịu. Tuy nhiên mẹ chồng - nàng dâu cũng chỉ khó chịu qua lại, hứng "đòn" của nhau. Còn người phải chịu đòn gấp đôi, không ai khác chính là anh con trai - anh chồng ở giữa. Thật trăm ngàn khổ cực khi cứ phải chạy qua nịnh nọt người này, chạy lại xin lỗi người kia.
Không ai có quyền chọn mẹ chồng, vậy nên hãy lựa chồng cho thật kỹ!
Người ta vẫn nói mẹ chồng chỉ là người quen, quen qua chồng. Chồng chính là cầu nối giữa mẹ mình, người đã sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn và vợ, người mình yêu thương, muốn cùng nhau xây dựng một gia đình nhỏ. Nếu cầu nối ấy có vấn đề, thì mẹ chồng - nàng dâu sẽ vĩnh viễn ở hai đầu chiến tuyến, luôn bằng mặt mà không bằng lòng. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Con người vốn cảm tính như vậy.
Đàn bà lại càng cảm tính hơn. Đó chính là lí do tại sao khi con dâu, mẹ chồng hục hặc thì nhiều ông con trai ở giữa toàn lỉnh đi mất. Đứng giữa nơi bom rơi đạn lạc chết lúc nào không biết! Hôn nhân khi ấy sẽ chẳng khác nào tiền tuyến, nơi ngày nào cũng thấy súng nổ, máu chảy, nước mắt rơi.
Chúng ta không ai có quyền chọn mẹ chồng, vậy nên hãy lựa chồng cho thật kỹ. Lựa người biết đối nhân xử thế, lựa người có tiếng nói, lựa người không quá sống dựa vào bố mẹ, không quá nghe lời một dạ hai vâng, hơi tí là "Để anh về hỏi mẹ đã nhé!". Bởi vì nói qua cũng phải nói lại, những người đang ở cương vị đã, đang và sắp làm dâu sẽ vừa xem phim vừa bức xúc. Nhưng những người đã làm mẹ chồng, mẹ vợ xem phim hẳn sẽ ít nhiều tặc lưỡi đồng cảm.
Thật may vì đó chỉ là phim, nên biên kịch có quyền ăn vạ, có quyền làm quá bao nhiêu tùy thích. Còn cuộc đời của bạn, hôn nhân của bạn, hãy thực sự tỉnh táo và lí trí khi quyết định. Đừng mơ một người đàn ông không có chính kiến sẽ bảo vệ mình được khỏi những mâu thuẫn giằng co khó xử với mẹ chồng nói riêng và nhà chồng nói chung.
Vậy nên tốt nhất đừng nghĩ đến đám cưới, khi chưa tự lập được về tài chính. Đừng thỏa hiệp, khi không thể sống chung cùng nhau. Còn khi đã nhìn thấy tất cả tương lai nhưng vẫn đâm đầu vào, thì đừng đóng vai nạn nhân khổ sở để xin mọi người rủ lòng thương. Bạn đã chọn thế cơ mà?
Phim chưa hết, nhưng ai cũng đã bàn về cái kết. Người ta nói nhiều về một happy ending, kiểu như sau bao nhiêu sóng gió, bà mẹ chồng tai quái cũng nhận ra sai trái của mình, rồi yêu thương con dâu như con đẻ. Tôi thì mong người ta làm cái kết thực tế hơn. Vân và Thanh li hôn. Thanh cùng mẹ sống vui vẻ hạnh phúc đến hết đời.
Đấy, các cô gái cứ trông vào đấy mà học tập, soi xét lại tình yêu của mình. Nếu anh người yêu vẫn còn ăn bám mẹ, mẹ nói gì cũng nghe, không có chính kiến riêng thì thôi, đừng dại mà đâm đầu vào!