Chuyện những người mẹ ở Hà Nội lo con đi học lớp 10 xa nhà hơn chục km: Người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá

Nguyễn Thị Thanh Hải, Theo Trí Thức Trẻ 08:01 20/06/2019

"Hóa ra người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá. Con học được quá nhiều ở trường đời, trên đường đi xe buýt hay tự đạp xe long nhong Hà Nội 36 phố phường."

Thi tuyển sinh vào các trường THPT là một cuộc chiến đầy gam go và căng thẳng. Thế nhưng, cuộc chiến ấy vừa qua đi, thì một nỗi lo lớn lại đến với các bậc phụ huynh và các em học sinh, đó là nỗi lo đi học xa. Với hơn 70 trường THPT trải dài khắp các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội, việc đi học xa là điều khó tránh khỏi đối với nhiều gia đình. Vậy là cuộc đấu tranh tâm lí "cho con học đi học xa ở trường chuyên, trường tốt hay trường kém một chút nhưng gần nhà" lại gieo lên trong lòng các bậc phụ huynh.

Đồng cảm với những lo lắng này, chị Nguyễn Thị Thanh Hải – đồng tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua các kì thi" có con gái là Hoàng Thủy Vân (học sinh lớp 12 Anh 2, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ), đã có những dòng chia sẻ hết sức chân thực tới các bậc làm cha, làm mẹ.

Chuyện những người mẹ ở Hà Nội lo con đi học lớp 10 xa nhà hơn chục km: Người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải – đồng tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua các kì thi"

"Con vào cấp 3 và nỗi lo đi học xa.

Khi các cuộc thi chuyển cấp "thần thánh" vào hồi kết, các phụ huynh lại quay ra chọn trường, chọn lớp cho con. Đời éo le, đã đỗ thì đỗ cả cụm, nên bố mẹ có con trúng trường cấp 2, cấp 3 ưng ý lại vào cơn chọn trường. Cân lên đặt xuống, rồi lại lăn tăn chuyện xa, gần.

Tôi tý ngất vì đọc thấy bảo "xa quá hơn 3 km".

Quá nhiều phụ huynh cả bố lẫn mẹ nhắn tin inbox tôi để hỏi, thậm chí "phi" luôn status lên group lớn hàng vạn người, đôi khi chỉ để hỏi một câu hết sức nghiêm trọng: "Con mình đỗ THPT Kim Liên, cách nhà 2 km và đỗ chuyên Anh trường THPT Chu Văn An, cận chuyên THPT Chuyên Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cách nhà 6 km, 8 km. Chọn trường gì?", có mẹ hốt hoảng: "Con mình đỗ THPT Chuyên Nguyễn Huệ, cách nhà 7 km, lo quá đi học thế nào, hay học Yên Hòa cách nhà 3 km", có mẹ còn cẩn thận hơn: "con mình đỗ trường Kim Liên nhưng xa nhà 3 km, còn trường Quang Trung thì ngay gần nhà, biết làm thế nào?". Tôi tý ngất vì đọc thấy bảo "xa quá hơn 3 km".

Nhưng vốn quen "đặt mình vào vị trí người khác" không nên "đặt mìn vào vị trí người khác", tôi nhớ lại cách đây 2 năm, khi con gái quyết định đăng ký thi nguyện vọng 1 THPT Chuyên Nguyễn Huệ, xa nhà khoảng 15 km tôi cũng hơi hoang mang. Trong khi trường Kim Liên cách nhà chỉ gần 5 km, cách nhà bà ngoại 2 km. Nhiều bạn bè, thầy cô, cả ông bà, các bác cũng góp ý: "Trường nào chả thế, trường Kim Liên rất tốt, chả gì bằng gần nhà". Lại một phương án khác, hay học trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, đi xe buýt tháng của trường 1,5 triệu 1 tháng, cho nó sướng.

Sau một hồi bàn tới bàn lui, thì mặt con tôi vẫn tỉnh bơ, con sẽ học Chuyên Nguyễn Huệ và đi xe buýt "quốc dân". Và một cô bạn tôi lập tức tặng con luôn 1 thẻ xe buýt, đăng ký theo trường nghề của chồng bạn vì lúc đó con chưa nhập học, chưa có thẻ học sinh để mua được vé tháng.

Từ lớp 1 đến lớp 8, con luôn được bố mẹ chở đi bằng xe máy, ô tô học thêm, học chính. Đến lớp 9, thi thoảng đi đến nhà bà ngoại, đi học thêm gần 2-3 km, con tự đạp xe đạp. Facebook nhắc lại một status hồi con học lớp 9, có hôm, con dậy sớm, nhất định tự đạp xe đến trường, cách nhà hơn 5 km, con nói, con đi sớm, đường vắng, an toàn, mẹ đừng lo: "Sáng nay mẹ cháu tự dưng thành thất nghiệp! Bạn Cốm lẳng lặng dậy sớm và tự đi xe đạp đến trường. 1 tuần, Cốm thường "đảo chính" một hai hôm, tự đạp xe đi học, nghênh ngang ngắm phố phường... Mẹ cháu thì luôn thích ngày nào cũng đưa Cốm đi học, nhưng 15 tuổi rồi, Cốm thích độc lập tự do. Thôi cũng là rèn cái tính tự lập một chút..."

Nhờ có thẻ xe buýt đó, con thỏa chí đi đến các nhà sách bờ Hồ, nhà sách Tiền phong, Hội chợ sách mà không lệ thuộc vào xe ôm lắm mồm là mẹ…

Đùng cái, vào 10, con quyết đi xe buýt tuyến đi học xa nhà. Nhà tôi không tiện tuyến xe buýt, con phải đi 1 chuyến từ đầu ngõ ra Ngã Tư Sở, sau đó bắt tiếp chuyến thứ hai, từ Ngã Tư Sở đến trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ ở Hà Đông. Những buổi đầu tiên nhập học Chuyên Nguyễn Huệ, con lọ mọ tìm xe mà có lần đi lạc chuyến đến tận gần sân bay Nội Bài. Phát hiện ra, con bắt xe ôm quay về nhà, mất toi 130.000 đồng xe ôm. Cả nhà biết tá hỏa rồi cười xòa "mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt".

Sau chuyến đi lạc đó, con chả bao giờ nhầm tuyến hay gì nữa, cầm thẻ xe buýt 100.000 đồng 1 tháng trong tay, con đi khắp nơi, lên phố cổ thăm bà Nội, đi học thêm, lượn khám phá Hà Đông, Cầu Giấy. Và nhờ có thẻ xe buýt đó, con thỏa chí đi đến các nhà sách bờ Hồ, nhà sách Tiền phong, Hội chợ sách mà không lệ thuộc vào xe ôm lắm mồm là mẹ… Lại nhật ký facebook của mẹ viết hồi năm 2018: "Cốm đi học cả ngày mệt nhoài, vẫn bắt xe buýt về bờ hồ, xem chương trình hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới London"…

Nhưng ai hỏi tôi, có lo lắng không khi con tự đi xe buýt khắp nơi như thế. Thực ra nói mạnh mồm, chứ lo đứt ruột. Sáng mùa đông, trời còn tối đen như mực, gió hun hút, con đã đi bộ ra đầu ngõ bắt xe buýt, nhiều lúc khóc thầm, định vùng lên lấy ô tô chở con đến trường cho xong. Nhưng con không chịu. Những hôm hè nắng cháy, con mồ hôi mồ kê nhễ nhại đứng chờ xe buýt dọc đường Nguyễn Trãi, lại muốn "đảo chính": "Hay là mẹ mua cho con xe đạp điện, xe máy, đi cho đỡ khổ". Cậu trả lời: "con đi xe buýt, xe đạp, cho đến khi đủ tuổi cấp bằng xe máy, rồi hãy tính mẹ ạ! Con không thích đi xe đạp điện".

Có lần, con bị nhỡ chuyến xe buýt do tài xế bỏ chuyến, con quay về nhà, lấy xe đạp mini Nhật ra, phi một mạch đến trường, 15km. Chuyện này 2 tháng sau, con mới kể tôi. Tôi tá hỏa, thương con nước mắt rơi. Bảo nó: "Chẳng may nhỡ chuyến, con a lô mẹ, mẹ đưa đi, bố đưa đi, hoặc bắt taxi". Nhưng nó bảo: "Con tự giải quyết được là được, nhưng hôm nào nhỡ, có khi con cũng gọi mẹ, mẹ đừng lo".

Chuyện những người mẹ ở Hà Nội lo con đi học lớp 10 xa nhà hơn chục km: Người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải và con gái Hoàng Thủy Vân (bên trái) đi chơi cùng gia đình

Con đi học xe buýt, tôi ghét nhất mùa đông, mùa xuân mưa phùn, cứ nghĩ 5h30 sáng chưa rõ mặt người, con đã phải một mình đi xe, có hôm, cả xe buýt có con, phụ lái và 2 người khách. Nghe con kể, lại nghẹn lòng, nhưng nó bảo: "Cả cái xe 45 chỗ lúc nào cũng đưa đón đúng giờ. Mẹ lo gì". Và hết năm học lớp 10, rồi 11, con tự nhận chỉ đi muộn 1 lần do ngủ quên vì đêm trước thức khuya làm đề tài thuyết trình, 1 lần con trèo tường để thử xem như thế nào. Và con bảo, sẽ không bao giờ có lần thứ 2 nghịch ngợm như thế nữa. Cho đến giờ, con có thể tự cầm cái thẻ xe buýt đi khắp nơi, đi thăm ông bà nội, bà ngoại, đi tham gia sự kiện, học thêm, đi làm thêm hè nhưng thường đúng giờ, ít khi sai hẹn.

Thế đó, bố mẹ cứ lo lắng, cứ khóc đi. Con bảo, con còn sướng chán, có bạn nhà xa 30-40 km, ở nội trú kí túc xá trong trường chuyên, có bạn ở Thanh Trì cách trường 18 km, có bạn trên phố cổ, cách trường 17 km. Bên THPT Chuyên Đại học Sư Phạm, THPT Chuyên Ngoại ngữ nhiều bạn ở các tỉnh, nội trú, năm được về thăm nhà có vài lần, có sao. Rồi bạn con có đứa vừa đi du học Canada, tuyết rơi lạnh cóng, đi Mỹ bão tuyết đầy, đi Úc có lúc nóng 50 độ, đi Nhật có lúc động đất, họ có sao đâu, giữa Hà Nội hơn chục km, sao mẹ cứ cằn nhằn, cứ lo làm gì.

Hóa ra người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá. Con học được quá nhiều ở trường đời, trên đường đi xe buýt hay tự đạp xe long nhong Hà Nội 36 phố phường.

Và nếu có thời gian, các bố mẹ thử đọc một đoạn cháu viết trong một dự án nhỏ của cháu về sách vở gì đó, con nói rất thật về chuyện con đi ra ngoài, đi xe buýt, xe đạp tuyệt vời như thế nào, khi bố mẹ không kè kè ở bên, sợ nọ, sợ kia. Có thể các bố mẹ cho rằng phải đưa đón, phải kè kè bên con, con phải học gần mới tốt. Còn tôi, tôi lựa cách đi đằng sau con, quan sát, có khi tôi ôm vô lăng xe mình, nhìn thấy con trên xe buýt đứng chen nhau nhưng cứ đi theo xe buýt, dù có lúc tôi vẫn nghẹn lòng, khóc lóc sến xẩm… Đọc những dòng bạn Cốm nhà tôi viết dưới đây, tôi đã khóc, hóa ra người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá. Con học được quá nhiều ở trường đời, trên đường đi xe buýt hay tự đạp xe long nhong Hà Nội 36 phố phường. Bạn có thể có tiền tỷ với xe siêu sang, có thể là cái xe 2 bánh nhưng bạn hãy để cho con mình đến trường bằng chính lựa chọn của nó, để thỏa chí được ngắm nghía, được va vấp như thế này. Cốm viết:

"Tôi sống nội tâm, ấy thế nhưng tôi rất thích ra ngoài.

Cái "ra ngoài" ấy, thường là tôi ra ngoài một mình. Đơn giản bởi vì những người hợp tôi, đã ít lại toàn ở xa tôi. Hẹn hò cũng khó. Thường là một mình thôi. Chán quá nên có những lúc đạp xe đi học thêm về nhà, tôi cố tình đi lòng vòng để ngắm nghía Hà Nội, để đỡ phải về nhà sớm. Chỉ thế thôi! Đi chẳng có chủ đích gì cả. Muốn đến đâu thì đến! Thấy một con đường mới, một con ngõ là lạ, tôi lại tạt té vào, "ngó nghiêng" tí cho đã mắt, rồi lại quay ra. May mắn thì con đường ấy có thể thông với đường cái tôi dùng để về nhà. A! Thế là tôi biết thêm một đường khác để về!

Sự khám phá, đôi khi chỉ tình cờ thế!

Nhưng chưa dừng lại tại đó.

Sau hàng loạt những lần bố mẹ cho tôi đi du lịch, tôi đã có phản xạ quan sát sự vật xung quanh mình. Quan sát và phân tích. Vì gia đình tôi thích đến những miền đất mới. Trông cách bố tôi tư duy, quan sát để đưa cả nhà đi thăm thú, tôi dần dần học được phản xạ ấy.

Đi trên đường, tôi trông thấy một người cảnh sát, vì đường tắc quá, đã đưa đồ cho một anh chồng ngồi trong xe ô tô hộ chị vợ ở phía đường bên kia. Đi trên đường, tôi tình cờ đi ngang qua một ban nhạc đường phố, người violin, người saxophone, say sưa biểu diễn. Đi trên đường, tôi trông thấy một đôi vợ chồng già dắt tay nhau tươi tắn bước trên con đường xe cộ đông như mắc cửi.

Kể cả đi xe buýt tôi cũng hay nhìn ngang ngó dọc như thế. Tôi thấy có người phụ xe, vì sợ tài xế bỏ bến không cho khách xuống, chốc chốc lại bấm đèn dừng xe giúp những vị khách không có thói quen bấm đèn hay những vị khách già không bấm được đèn. Có những người thanh niên rất nhanh chóng và vô tư, sẵn sàng nhường chỗ cho những vị khách cao tuổi. Tôi đã từng thấy một cậu học trò đang trên xe thì ngất, ngay lập tức rất nhiều người sốt sắng đỡ cậu ta dậy, bác tài xế nhanh chóng mở cửa xe cho thoáng không khí, rồi những người phụ nữ quanh đó ân cần chăm sóc, hỏi han cậu ta, có một bác còn đích thân dẫn cậu xuống xe rồi chăm sóc cậu một lúc, chấp nhận hành trình của mình chậm trễ hơn so với bình thường.

Chuyện những người mẹ ở Hà Nội lo con đi học lớp 10 xa nhà hơn chục km: Người lớn mang cái quyền làm mẹ áp đặt con nhiều quá - Ảnh 3.

Dù cho con quyền tự do lựa chọn phương tiện đến trường, chị Thanh Hải vẫn luôn đồng hành và lắng nghe, chia sẻ cùng con.

"Lông nhông" nhiều, nên một đứa u ám, lạnh lẽo như tôi cũng nhận ra được rằng: cuộc đời thực sự rất đáng yêu.

Mà không chỉ có những thay đổi về mặt tình cảm thôi đâu! Đi trên đường, tôi phát hiện một khu trồng bạt ngàn đào, để rồi tự ngộ ra rằng ở Hà Nội, không phải chỉ đất Nhật Tân mới trồng đào.

Đi trên đường, tôi thấy được những người bán hàng cùng một lúc phục vụ năm bảy người khách, để thực sự thấm được rằng mình còn phải cố gắng rất nhiều vì hành trình phía trước vẫn đầy rẫy những vất vả như thế.

Đi nhiều để nhận thấy rằng thời gian thực khủng khiếp. Hà Nội, thành phố hơn nghìn năm lịch sử, quả thực thể hiện rất rõ bước đi của thời gian. Những hàng cây cao vút, thân to bằng mấy vòng tay người, chạy dọc con đường dài, hỏi trồng bao nhiêu chục năm mới được như thế? Có những khu nhà tập thể vô cùng nhỏ bé, cũ kĩ, nhưng từ khi tôi sinh ra, chúng chẳng thay đổi gì cả. Mà đâu phải là từ khi tôi sinh ra đâu. Từ khi mẹ tôi còn trẻ, chúng đã xuất hiện, và đến giờ vẫn được sử dụng.

Có những nơi dân cư sinh sống, làm ăn đã bao thế hệ, mà đường đi vẫn là đường đất bụi mù. Trong khi ấy, có những khu chỉ dăm bảy năm trước là nơi hoang vu, đầy cây dại cóc ngoé, đi cả cây số có đúng một cửa hàng tạp hoá, thì giờ đây dân cư đông đúc, đường sá hiện đại, nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhận thức được điều ấy, gấp mấy lần nghe những lời thúc giục "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ".

Kể cả mặt xấu, tôi cũng nhìn thấy ở mọi nơi. Gây gổ nhau trên xe buýt vì những điều nhỏ nhặt. Ném túi rác từ rìa đường bên này sang vỉa hè bên kia, nước bẩn chảy lênh láng. Chờ được người yêu trang điểm, nhưng lại không thể đủ kiên nhẫn đợi đèn giao thông chuyển xanh. Nhìn thấy, để nhận ra, rằng đâu đâu cũng có tiêu cực, rằng đám đông chưa chắc đã đúng, rằng mình còn phải cố gắng nhiều.

Hoá ra, các bài học cuộc sống có ở khắp mọi nơi. Nếu không đủ điều kiện để ra khỏi luỹ tre làng, thì đi quanh làng quan sát cũng có thể ngộ ra điều gì đó. Hoá ra, vấn đề không nằm ở việc được đi những đâu, mà là có chịu đi không, và có chịu quan sát, cảm nhận, học hỏi hay không."

Thế đó, con tôi còn viết rất dài nữa, nhưng tôi trích như vậy. Cảm ơn xe buýt, cảm ơn những bàn học trên đường thật như hơi thở cuộc sống mà Cốm nhà tôi đã có được. Thế nhưng, mùa hè sắp trôi qua, thu đến và đông lại sang, nghĩ đến 5h30 sáng con ra bến xe khi chưa tỏ mặt người, tôi lại nuốt nước mắt…"