Chuyện người phụ nữ làm nô lệ 56 năm không công đã gây chấn động toàn thế giới, nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt

Lily Spiderum, Theo Thời Đại 20:55 22/05/2017
Chia sẻ

Lola không phải một câu chuyện cá biệt. Nạn nô lệ vẫn tồn tại ở thế giới hiện đại và ngay chính trong lòng nước Mỹ, nơi tự do dường như là quyền cơ bản và tối thượng nhất của con người.

Những ngày vừa qua cộng đồng mạng trên toàn thế giới không khỏi sửng sốt trước một bài viết dài 8000 từ được đăng tải trên tờ The Atlantic với tiêu đề “My family's slave" (Người nô lệ trong gia đình tôi) của nhà báo Alex Tizon. Chỉ trong vòng vài ngày, bài viết đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh tình yêu cuộc sống và lòng vị tha đáng kinh ngạc của bà Eudocia Tomas Pulido, nhân vật chính trong câu chuyện, tác phẩm này của Alex Tizon còn gây chấn động khi hé lộ một thực trạng nhức nhối: nạn nô lệ thời hiện đại.  

Chuyện người phụ nữ làm nô lệ 56 năm không công đã gây chấn động toàn thế giới, nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt - Ảnh 1.

"My family's slave" (Người nô lệ trong gia đình tôi) của nhà báo Alex Tizon là bài viết gây chấn động truyền thông thế giới những ngày qua

Nô lệ thời hiện đại: câu chuyện không “hiếm có khó tìm”

Câu chuyện của Pulido (Lola) gây sốc trên toàn thế giới bởi khoảng thời gian quá dài mà bà phải sống trong tình cảnh nô lệ: 56 năm cùng với 3 thế hệ trong một gia đình. Tuy nhiên bà Ai-jen Poo, một nhà hoạt động xã hội tại Mỹ và Giám đốc của Hiệp hội Lao động Nội địa (National Domestic Workers Alliance) cho rằng điều gây sốc hơn chính là việc cuộc đời bà không phải là một ví dụ hiếm có: thực trạng nô lệ giữa người với người đang phổ biến hơn chúng ta vẫn tưởng rất nhiều.

Theo thống kê của tổ chức Thống kê Nạn nô lệ Toàn cầu (GSI), ước tính hiện nay tại Mỹ có khoảng 57,700 người đang phải sống trong tình trạng nô lệ. Không giống như những gì mà người ta vẫn hình dung, nạn nô lệ hiện đại không đi kèm với xiềng xích hay những hình thức tra tấn dã man, song nó vẫn âm thầm tước đoạt đi những quyền tự do cơ bản của con người mà bản thân những nạn nhân như Lola còn không hề hay biết. Thực trạng đó diễn ra trong xã hội hiện đại của nước Mỹ, ngay giữa những cộng đồng người Mỹ.

Chuyện người phụ nữ làm nô lệ 56 năm không công đã gây chấn động toàn thế giới, nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt - Ảnh 2.

Những người nô lệ như Lola không phải là trường hợp cá biệt ở Mỹ

Một tỷ lệ lớn số lượng những nạn nhân của tội ác này là phụ nữ: họ là đối tượng dễ bị tổn thương, và cũng dễ bị che giấu trước con mắt của xã hội. Nạn nô lệ đã có từ khá lâu, thậm chí ăn sâu bám rễ vào một số gia đình ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico, nơi chủ nhà Mỹ bản địa dễ dàng bóc lột những lao động nhập cư Mexico vốn luôn phải lẩn tránh chính quyền bởi họ không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Họ bị buộc phải lao động vất vả không công: dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc người già và trẻ nhỏ trong gia đình.

Không khó để bắt gặp những mảnh đời tương tự như Lola trên đất Mỹ. Ai-jen Poo đã chia sẻ một số câu chuyện như vậy. Một cô gái người Jamaica tên Lilly đã được một vài nhân viên của một công ty công nghệ tại Mỹ đưa tới Texas vào năm 15 tuổi. Cô được hứa hẹn rằng sẽ được hưởng nền giáo dục Mỹ và sẽ có cơ hội giúp gia đình đổi đời, với điều kiện cô phải làm bảo mẫu cho 3 đứa trẻ trong một gia đình. Thế nhưng ngay khi vừa đến Mỹ, họ đã cắt đứt mọi liên lạc của cô với gia đình và thế giới bên ngoài. Trong vòng 15 năm tiếp theo, cô gái này không được phép đi đâu hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai, và đương nhiên không bao giờ được trả lương.

Karmo cũng là một phụ nữ Nepal tới vùng ngoại ô Virginia làm việc cho một viên chức gốc Ấn với hy vọng thoát nghèo. Ngay khi đặt chân tới miền đất hứa, cô đã bị ép làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt và bị cô lập với thế giới bên ngoài. Hộ chiếu của cô đã bị người chủ tịch thu, và họ đe doạ nếu cô dám hé miệng than phiền, cô sẽ bị cảnh sát bắt. Những câu chuyện của Lilly hay Karmo cho thấy tình trạng kinh tế khó khăn, nỗi sợ bị trục xuất, rào cản ngôn ngữ và việc thiếu kỹ năng lao động khiến cho những người như họ không thể thoát ra khỏi nạn nô lệ hiện đại. (Tên các nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo danh tính).

Hiệu ứng luộc ếch và tâm lý của những người nô lệ

Có một thí nghiệm rất nổi tiếng: nếu thả một con ếch vào nồi nước và tăng nhiệt độ lên từ từ, thì con ếch đó sẽ thích nghi dần với môi trường và ngồi im trong đó cho tới lúc chết vì nước sôi. Mặc dù các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi nhiều về tính xác thực của thử nghiệm này, nhưng ý nghĩa triết lý mà thử nghiệm này đem tới thì rất rõ ràng: nếu sống trong một môi trường quá lâu, bạn sẽ không có khả năng thay đổi nữa. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của những nạn nhân nô lệ.

Nô lệ thực sự là một quá trình lâu dài, và điều đáng sợ là nó có thể khiến cho những nạn nhân không thể bứt ra khỏi cái vòng cuộc sống lặp đi lặp lại đó. Giống như trong câu chuyện của Lola, bà không thể quay trở lại làm một người “tự do" đúng nghĩa ngay cả khi đã được cho phép làm điều đó: Lola liên tục ám ảnh với việc dọn dẹp và chăm sóc tất cả mọi người. Thậm chí chính tác giả Alex Tizon cũng cảm thấy băn khoăn vì điều đó, và cuối cùng đã đi tới kết luận: Những người như Lola không biết phải làm gì khác. Họ không thể thay đổi, ít nhất là trong một sớm một chiều.

Chuyện người phụ nữ làm nô lệ 56 năm không công đã gây chấn động toàn thế giới, nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt - Ảnh 3.

Nhiều nạn nhân không thể tự thoát ra khỏi cuộc sống nô lệ của mình

Đâu là lời giải thực sự cho những nạn nhân nô lệ như Lola, Lilly hay Karmo? Những nhà hoạt động xã hội đã nghiên cứu và kết luận rằng yếu tố quan trọng nhất giúp họ vượt qua được tình trạng nô lệ là việc ý thức rằng mình không đơn độc. Tổ chức National Domestic Workers Alliance đã khởi động một chiến dịch mang tên “Beyond Survival" (Hơn cả sống sót). Chiến dịch này được phát động nhằm hỗ trợ những nạn nhân được kết nối với nhau, chia sẻ trải nghiệm của họ với công chúng và có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Karmo, người phụ nữ bên trên cũng chính là một trong những nạn nhân đã giành lại tự do thành công nhờ vào chiến dịch này.

Câu chuyện của những người nô lệ như Lola không chỉ khiến trái tim của chúng ta rung động vì thấu cảm. Hơn hết, nó còn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: cần có những hành động cụ thể và triệt để để ngăn chặn nạn buôn người và nô lệ trong thế giới hiện đại, để chấm dứt nỗi đau vô nhân tính mà chính con người gây ra cho đồng loại của mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày