Chuyện lấy chồng... ma ở Nam Sudan: Tưởng kinh dị mà ai cũng xem là bình thường, con cái sau này cũng được tính là của “bố ma”

Vũ Huế, Theo Helino 00:10 12/11/2019
Chia sẻ

Tại đất nước Nam Sudan, kết hôn với người đã chết cũng bình thường như làm đám cưới với người đang sống.

Nam Sudan là một đất nước ở Bắc Phi, có dân số rơi vào khoảng 12 triệu người. Cư dân Nam Sudan bao gồm 5 sắc tộc chính: Shilluk, Dinka, Nuer, Bari và Azande. Tất cả họ đều nằm trong nhóm Các dân tộc Nin (Nilotic).

Văn hóa cưới xin nặng vật chất: Chú rể cần phải có 50 con bò trở lên mới lấy được vợ

Ở Nam Sudan, khi chàng trai lần đầu ngỏ lời với cô gái, "Em có đồng ý lấy anh không?", cô nàng sẽ khôn khéo xin được từ từ suy nghĩ. Hôn nhân là chuyện tư, nhưng cũng là việc chung của cả gia đình. Thiếu nữ cần phải xin phép và được sự đồng ý của cha mẹ trước.

Sau khi chàng trai ra về, cô gái sẽ đề cập vấn đề với người nhà và bạn bè. Họ sẽ cho cô lời khuyên và cùng nhau đi đến quyết định. Nếu tất cả cùng đồng ý, cô gái sẽ "đánh tiếng" để chàng trai biết nẻo mà quay lại cầu hôn thêm lần nữa.

Chuyện lấy chồng... ma ở Nam Sudan: Tưởng kinh dị mà ai cũng xem là bình thường, con cái sau này cũng được tính là của “bố ma” - Ảnh 1.

Thủ tục cưới xin truyền thống ở Nam Sudan khá phức tạp và dài ngày

Về phía chàng trai, anh có thể quay lại hoặc không. Đôi khi, lời ngỏ ý đầu tiên chỉ là đùa bỡn. Còn nếu anh chàng nghiêm túc, chuyện cưới hỏi sẽ được hai nhà trao đổi đàng hoàng. Mỗi bên sẽ cử ra một người đại diện. Đầu tiên, họ cẩn thận xem xét huyết thống có "dây mơ rễ má" gì không? Rồi thì trong tiền sử có từng thù hằn, giết chóc lẫn nhau bao giờ chưa? Nếu tất cả đều không, họ sẽ vào thẳng vấn đề "của hồi môn".

Để cưới vợ, một nam giới Nam Sudan nhất thiết phải có bò. Trước đây, nhà gái thường thách cưới 25 con bò. Bây giờ, số lượng đã tăng chí ít là gấp đôi, từ 50-100 con.

Cô dâu Nam Sudan được thách cưới bằng bò và có của hồi môn cũng là bò

Phụ nữ gánh vách vai trò liên minh, liên kết hai gia đình

Kể từ khi gia đình đôi bên cho phép tiến hành hôn sự, thiếu nữ Nam Sudan được xem là có chồng. Tuy nhiên, họ chưa về nhà chồng ngay.

Mặc dù chưa được về nhà chồng, cô dâu trẻ cũng không được phép ở với cha mẹ đẻ. Nhà gái sẽ dựng tạm cho cô một túp lều, ở riêng. "Tân lang" sẽ đến thăm và qua đêm cùng "tân nương" vài ngày.

Trong khoảng thời gian này, họ hàng, bằng hữu hai bên mở tiệc ăn mừng, nhảy múa linh đình. Chỉ đến khi cha cô dâu cho phép, chú rể mới được "rước nàng về dinh". Đưa vợ về đến nhà, anh vui mừng "ngả" một con bò. "Tân nương" lập tức bắt tay vào trổ tài nấu nướng, mời bà con cô bác thưởng thức.

Trước khi sang nhà chồng, cô dâu Nam Sudan cũng lo gói ghém toàn bộ của hồi môn được cha mẹ chia, thức ăn và sữa. Nhà chồng sẽ đem chỗ sữa và thức ăn này phân phát cho mọi người. Còn của hồi môn thì là tài sản riêng của cô dâu.

Chuyện lấy chồng... ma ở Nam Sudan: Tưởng kinh dị mà ai cũng xem là bình thường, con cái sau này cũng được tính là của “bố ma” - Ảnh 3.

Mọi người nhảy múa, ăn mừng tưng bừng trong những ngày chờ chú rể "rước nàng về dinh"

Vài ngày sau, cô lại khăn gói sữa, thức ăn, nhưng lần này là mang về thăm cha mẹ đẻ. Kể từ lúc này, liên minh giữa hai gia đình hình thành. Hôn nhân trong các bộ lạc của Nam Sudan không chỉ là chuyện dựng vợ gả chồng giữa đôi trai gái. Nó còn mang tính chất "chính trị", tạo nên sức mạnh hợp nhất giữa hai gia đình, dòng họ khác nhau.

Hệ lụy: Chú rể lỡ qua đời là phải lấy chồng ma

Nếu "cơm lành canh ngọt", cô dâu Nam Sudan sẽ là dâu thảo, vợ hiền, chăm lo cho chồng mới cưới và gia đình nhà chồng. Có điều, đôi lúc cũng xuất hiện trường hợp "chú rể bạc phước", qua đời ngay trong thời gian chờ rước vợ về.

Chuyện lấy chồng... ma ở Nam Sudan: Tưởng kinh dị mà ai cũng xem là bình thường, con cái sau này cũng được tính là của “bố ma” - Ảnh 4.

Phụ nữ Nam Sudan lấy chồng ma vẫn có thể có con và tuyệt đối không bị gọi là góa phụ

Trong trường hợp chú rể mất đột ngột, cô dâu Nam Sudan có 2 lựa chọn: từ bỏ hôn lễ hoặc tiếp tục. Nếu từ bỏ hôn lễ, họ cũng phải từ bỏ toàn bộ của hồi môn. Phía nhà trai sẽ lấy lại tất cả số bò đem dẫn cưới, và cắt đứt sự liên minh giữa hai nhà.

Một số phụ nữ Nam Sudan vì không "đền" nổi "phí từ hôn" (hoặc chỉ đơn giản không muốn từ bỏ của hồi môn) sẽ lựa chọn tiếp tục lễ cưới. Mặc dù thiếu chú rể, hôn lễ vẫn diễn ra. Cô dâu cũng không bị gọi là "góa bụa", mà vẫn nghiễm nhiên là vợ hợp pháp.

Anh (em) chồng thế chân, con cái thuộc về người đã khuất

Nếu cô dâu chọn tiếp tục lễ cưới, anh (hoặc em) trai của tân lang xấu số sẽ đứng ra thay mặt, cùng em (chị) dâu tiến hành các nghi thức. Kết thúc lễ cưới, cô dâu Nam Sudan chính thức trở thành một thành viên trong nhà chồng. Nếu cô muốn có con, anh (em) chồng sẽ chịu trách nhiệm thay người đã khuất làm công việc nối dõi.

Chuyện lấy chồng... ma ở Nam Sudan: Tưởng kinh dị mà ai cũng xem là bình thường, con cái sau này cũng được tính là của “bố ma” - Ảnh 5.

Trong trường hợp chú rể là con đầu lòng, một em trai sẽ phải thế chân, lấy chị dâu. Có điều, tất cả con cái mà anh có với người vợ-chị dâu đều được xem là con của anh cả.

Khi hiện đại hóa đến Nam Sudan, không ít cư dân đã suy xét lại, thấy nên thay đổi khía cạnh văn hóa hôn nhân "lấy chồng ma" gượng ép này. Trái với họ, nhiều người lại cho "lấy chồng ma" cũng là một phần của văn hóa Nam Sudan truyền thống.

Trong Nam Sudan ngày nay, những cuộc hôn nhân "vợ người, chồng ma" đã giảm mạnh. Chỉ là, nó sẽ tuyệt đối không biến mất. Chí ít cũng có 2 dân tộc kiên quyết gìn giữ và thực hành. Đó là người Dinka và Nuer.

Tham khảo Face Africa

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày