Shark Lê Đăng Khoa kể, là người có chiều cao nhất nhì trong lớp nhưng chưa bao giờ ngồi hàng ghế giữa hay cuối lớp mà toàn "chềnh ềnh" trên hàng ghế đầu. Khi ngồi bàn đầu thì nhất định sẽ không dám ngủ gật hay nói chuyện riêng, có như vậy độ tập trung vào bài học sẽ cao. Khi rèn luyện được tính tập trung và kiên trì vào những điều mình không thích cũng là cách dạy cho bản thân không bao giờ nản trước khó khăn.
"Thực sự, khi còn là sinh viên, có những môn học đại cương, tôi không hiểu nó sinh ra để làm gì và giúp gì cho tương lai của mình. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ bỏ tiết học và luôn cố gắng ngồi nghe đến cuối buổi. Không phải vì điểm thi cuối kỳ, càng không phải vì điểm danh mà đơn giản tôi nghĩ rằng, nếu cố gắng nghe những cái mình không thích là cách tốt nhất để tập tính kiên nhẫn, kiên trì cho bản thân. Và mãi sau này, tôi càng thấm thía chân lý này trên con đường khởi nghiệp của mình", Shark Khoa giãi bày.
Cùng thời điểm với Khoa, nhiều bạn sinh viên chỉ đi thi chứ không đi học hoặc liên tục cúp tiết thì điều này chưa bao giờ xảy ra với vị "cá mập" này. "Tôi luôn xác định học là để cho sự nghiệp cả đời chứ không phải vì tấm bằng. Nếu như cấp 1, cấp 2 có thể học vì đối phó với điểm số, với bố mẹ nhưng khi đã vào đại học nghĩa là phải xác định học cho tương lai của chính mình. Vì thế, không có lý do gì mà không tự rèn luyện bản thân", Shark Khoa chia sẻ.
Theo Shark Khoa, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng
Theo Shark Khoa, khả năng tự rèn luyện trên giảng đường đại học giúp ích rất nhiều trên con đường khởi nghiệp của mình sau này. Đi du học học ngành tâm lý nhưng vẫn nói dối bố mẹ học kinh tế. Dù chưa kiếm được một đồng tiền từ tư vấn tâm lý mà chỉ kiếm tiền từ kinh doanh nhưng ngành học mà vị Shark này theo đuổi trên giảng đường đã giúp rất nhiều cho bản thân khi đầu tư vào các dự án startup sau này.
"Ngay cả khi học không đúng điều mình theo đuổi nhưng chắc chắn ở một vài trường hợp, nó lại giúp ích rất nhiều cho mình", Shark Khoa cho hay.
"Bản năng thích tìm hiểu hành vi con người; giải mã tâm lý con người khiến tôi chọn ngành tâm lý học. Có lẽ đó cũng là điều giúp tôi đầu tư vào 18 dự án, trong đó có đến 80% ngành nghề đến từ dịch vụ", Shark Khoa chia sẻ.
Theo Shark Khoa, nếu coi việc học là khó khăn dễ bỏ qua, dễ nản thì sau này xây dựng sự nghiệp rất dễ bỏ cuộc khi gặp thử thách. Đặc biệt, khi khởi nghiệp dường như chưa có ngày nào là hết khó khăn. Thậm chí, chưa có được 5 đến 7 ngày thảnh thơi. "Khi khởi nghiệp, nếu chúng ta cảm thấy hết khó khăn là chúng ta chết. Bởi thị trường luôn thay đổi, khách hàng thay đổi, nếu doanh nghiệp không ngừng nâng cao sản phẩm thì sẽ chết", Shark Khoa nhắn nhủ.
Tiết lộ khẩu vị đầu tư của mình, Shark Khoa cho rằng: "Điều khiến tôi đầu tư chắc chắn là ekip con người, bộ máy vận hành chứ không phải là ý tưởng xuất sắc".
Theo Shark Khoa, nhiều startup hiện nay khó gọi vốn từ NĐT vì chưa hiểu được giá trị đồng tiền kiếm được khó khăn như nào. "Người có 1 triệu đô chắc chắn hiểu được giá trị đồng tiền hơn những người không kiếm được đồng nào", Shark Khoa ví von.
Trong khi đó, các startup lại quá tự tin, định giá công ty không có kiến thức. NĐT họ rất rành về vốn. Cho nên, đôi khi theo Shark Khoa đừng nên kiếm tiền từ NĐT mà hãy kiếm NĐT phù hợp với dự án của mình để được tư vấn, hỗ trợ.
"Đừng nghĩ gọi được vốn của NĐT là thành công. Tài sản lớn nhất của NĐT không phải là tiền mà là ekip đằng sau của họ hỗ trợ cho mình, cho mình dùng. Nếu không có người giỏi tư vấn thì startup rất khó đi ra đấu trường. Nếu đang khởi nghiệp, có sản phẩm tiềm năng thì startup nên tìm NĐT hỗ trợ mình về kiến thức lẫn kinh nghiệm", Shark Khoa nhắn nhủ đến các bạn trẻ khởi nghiệp.