Theo báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới ( World Bank ), 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam.
"Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới", báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương nhận định.
Báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
"Thực tế, Việt Nam là một trong số câu chuyện thành công của khu vực", bà Raja Bentaouet Kattan – Chuyên gia trưởng về Giáo dục của World Bank – cho biết.
Nguồn: World Bank.
Mô hình các quốc gia có thể giải quyết khủng hoảng học tập mà World Bank đưa ra là một khung gồm 5 lĩnh vực chính sách có tính chất bổ sung cho nhau. Đó là sự đồng bộ của các thể chế, tạo ra một môi trường thuận lợi để tác động lên 4 lĩnh vực chính sách còn lại: Chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, Lựa chọn và hỗ trợ giáo viên, Chuẩn bị cho học sinh học tập, và Sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
Theo bà Raja, việc World Bank nhìn nhận sự phát triển ấn tượng của hệ thống giáo dục Việt Nam nhìn trên 5 lĩnh vực chính sách nói trên.
"Việt Nam đầu tư rất thông minh vào giáo dục. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tư vào giáo dục hiệu quả, và điều quan trọng hơn là đầu tư công bằng và bình đẳng. Đây là trường hợp chúng tôi lấy làm ví dụ cho thấy vốn đầu tư hướng tới phát triển giáo dục ở khu vực vùng sâu vùng xa, có những chính sách khuyến khích với giáo viên như giáo viên ở vùng sâu vùng xa thì được hưởng lợi ích nhiều hơn giáo viên ở khu vực đô thị", bà Raja nói.
Học sinh Việt không học vẹt
"Một trong những phát hiện trong báo cáo chủ chốt này là đối với trường hợp Việt Nam , đôi khi có thông tin sai. Đôi khi chúng ta thấy thông tin nói điểm số cao của chương trình khảo thí chỉ do chúng ta ghi nhớ và "học vẹt"", ông Michael F. Crawford – chuyên gia trưởng về giáo dục của World Bank nhìn nhận.
"Khi xem điểm toán của kỳ thi PISA (Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế - PV), kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD không chỉ ở việc tính toán mà còn ở việc giải quyết tư duy logic trong toán học".
Nguồn: World Bank.
Ông Michael cho biết đấy là dấu hiệu cho thấy tư duy phản biện và tư duy phân tích của học sinh Việt Nam rất tốt.
Cũng theo báo cáo, khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng một phần tư tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD. Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Ở những nơi khác trong khu vực, 60% học sinh vẫn đang học tại các hệ thống nhà trường yếu và không được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.
Một phát hiện quan trọng của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ, và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực.
Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc (các tỉnh và thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Bên cạnh đó, báo cáo cũng khẳng định việc cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ như ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực. Ở các quốc gia như Campuchia và Đông Timor, thậm chí có tới hơn 1/3 học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.