“Con cái là bản sao của cha mẹ” - Câu nói quen thuộc này không phải chỉ đúng về mặt di truyền. Trong cách cư xử, lối sống và cả cách ứng xử với áp lực, trẻ em cũng sao chép lại chính xác những gì chúng thấy từ người lớn trong nhà.
Nhiều chuyên gia giáo dục và tâm lý đã thẳng thắn chỉ ra: nếu cha mẹ vô tư làm 5 điều sau đây, thì người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là những đứa trẻ.
“Con nhà người ta học giỏi thế”, “Nhìn em mày mà học tập”… Những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt này thực chất lại là thứ ăn mòn sự tự tin của trẻ. Theo các chuyên gia, việc cha mẹ liên tục so sánh con cái sẽ tạo ra cảm giác không đủ tốt, không đáng yêu, không xứng đáng. Trẻ lớn lên trong nỗi bất an, dần thu mình, hoặc ngược lại phản ứng tiêu cực bằng cách nổi loạn để chứng minh mình khác biệt.
Một đứa trẻ thiếu tự tin không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội sau này. Khi lớn lên, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc tin tưởng bản thân, thường xuyên lo sợ bị đánh giá và gặp rào cản lớn trong môi trường làm việc hoặc yêu đương.
Nhiều cha mẹ có xu hướng “ra tay” ngay khi con gặp vấn đề: quên bài tập, gọi cô giáo xin hộ; bị phạt, lập tức đến trường nói chuyện. Họ nghĩ rằng mình đang bảo vệ con. Nhưng thật ra, những lần “giải cứu” đó lại khiến con không học được kỹ năng giải quyết vấn đề, không chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khi trẻ không được phép sai, không được phép tự sửa lỗi, chúng sẽ lớn lên với tư duy ỷ lại. Đến khi bước vào đời, va phải khó khăn, những đứa trẻ này thường không biết phải bắt đầu từ đâu bởi trước giờ mọi chuyện đã có cha mẹ lo.
Gia đình là nơi đầu tiên trẻ học cách điều tiết cảm xúc. Nếu cha mẹ thường xuyên nổi nóng, nói những lời cay nghiệt với nhau hoặc với chính con thì trẻ sẽ mặc định đó là cách ứng xử bình thường. Trẻ dễ bị kích động, không kiểm soát được cảm xúc, thậm chí dễ mang bạo lực vào trường học hoặc các mối quan hệ xã hội.
Hậu quả không dừng lại ở đó. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ sống trong môi trường thiếu an toàn về cảm xúc sẽ có nguy cơ cao bị lo âu, trầm cảm khi lớn lên. Nỗi sợ giấu trong im lặng của trẻ nhỏ là thứ cha mẹ không nhìn thấy, cho đến khi nó trở thành một vấn đề lớn.
“Con ngủ đi, mẹ ra ngoài một lát rồi về”, “Con ăn ngoan đi rồi bố mua ô tô cho”… Những lời nói dối tưởng như vô hại này lại khiến trẻ hình thành tư duy rằng: “Người lớn nói một đằng, làm một nẻo là bình thường”.
Việc cha mẹ không giữ lời khiến trẻ mất niềm tin. Trẻ lớn lên với tư duy không minh bạch, có xu hướng “né” trách nhiệm, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Một đứa trẻ không được nuôi dạy bằng sự thành thật sẽ gặp khó trong việc xây dựng các mối quan hệ bền vững sau này cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân.
“Ngày xưa mẹ không được học ngành này, nên con phải học để mẹ tự hào”, “Bố không được làm bác sĩ, giờ con phải học thật giỏi để tiếp bước”… Những mong mỏi mang tính kế thừa có thể xuất phát từ tình yêu, nhưng nếu vượt quá giới hạn, chúng trở thành gánh nặng.
Rất nhiều học sinh giỏi bị stress, mất định hướng, trầm cảm vì phải học một ngành mà bản thân không hề yêu thích chỉ vì đó là điều cha mẹ mong muốn.
Cha mẹ nào cũng mong con mình có tương lai tốt đẹp. Nhưng đôi khi, chính những điều chúng ta vô tình làm lại để lại những “vết xước” dài lâu trong tâm hồn con. Sự kỳ vọng, nỗi sợ hãi, thói quen ứng xử, tư duy về bản thân..., tất cả đều được định hình từ chính môi trường gia đình.
Nếu bạn yêu con, hãy bắt đầu từ việc sửa lại chính mình. Chậm thôi cũng được, nhưng đừng để muộn.