Chuyên gia nhận định: "Ngoài Styren, phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 16:55 16/10/2019
Chia sẻ

Liên quan đến sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu nhớt, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm nhận định: "Cơ quan chức năng phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm vì bản chất của ô nhiễm xuất phát từ một tổ hợp chất, một mình Styren không phải là chất duy nhất".

Ngày 15/10, UBND Hà Nội chính thức đưa ra những khuyến cáo xung quanh sự cố nước sông Đà nhiễm dầu, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khoẻ của người dân.

Trước đó, từ ngày 10/10, nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai... có mùi khét nồng nặc, có váng dầu. Qua xét nghiệm, các mẫu nước đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Nguyên nhân xuất phát từ hoạt động đổ dầu nhớt trộm tại khu vực đầu nguồn khe núi thuộc xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chất thải này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà).

Hậu quả, váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân (Hà Nội).

Vậy chất Styren có trong nước sinh hoạt nguy hại như thế nào?

Chuyên gia nhận định: Ngoài Styren, phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm - Ảnh 1.

Nước suối đen ngòm do dầu thải. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Trao đổi với chúng tôi, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, cho biết Styren là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu.

PGS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, Styren là chất có trong tự nhiên với hàm lượng cực thấp. Bộ Y tế đã công bố 99 tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nước, và Styren thuộc nhóm C (nhóm ít quan trọng nhất). 

"Ngoài Styren, cơ quan chức năng phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm vì bản chất của ô nhiễm xuất phát từ một tổ hợp chất, một mình Styren không phải là chất duy nhất". 

Ông Thịnh cho hay, dầu nhớt xả thải là một tổ hợp rất độc, chứa nhiều kim loại nặng. Dầu chạy máy sau khi cháy, sẽ bị biến chất thành một hợp chất độc hại. Đây mới chính là "thủ phạm" thực sự đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân hiện nay. 

Đối với những hộ dân sử dụng máy lọc nước, PGS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm, khả năng lọc chất độc rất ít, vì "các thiết bị chuyên nghiệp và tốn thời gian còn khó đạt đến mức 90%! Sử dụng máy lọc hộ gia đình để xử lý nước lúc này không phải là cách tốt và các hệ thống màng trong máy lọc cũng sẽ bị ảnh hưởng".

Chuyên gia nhận định: Ngoài Styren, phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm - Ảnh 2.

Khu vực suối bị chia thành 2 màu nước tách biệt. Ảnh: Tiền Phong.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, cách duy nhất là chặn mọi nguồn dẫn nước của các nhà máy có thể ô nhiễm, để tránh hậu họa sau này. Tiếp đó, công ty Viwasupco phải thau sục toàn bộ nước ô nhiễm, tạm thời dẫn nguồn nước sạch của bên khác để cung cấp cho người dân.

"Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco làm việc quá cẩu thả. Một xối nước tự nhiên có chứa dầu nhớt, chạy xuống hồ một cách rất dễ dàng. Vậy có gì đảm bảo tương lai sẽ không bị ô nhiễm nữa. Trong khi đó, công nghệ xử lý nước ô nhiễm dầu thành nước sinh hoạt rất tốn kém, hầu như không có đơn vị nào ở Việt Nam sử dụng".

Trả lời câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của Styren, ông Hoàng Đức Hạnh Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện chưa có tài liệu chính thống nói rõ chất Styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Tuy nhiên, có tài liệu cho thấy, hàm lượng nước đóng chai cho phép không quá 100 mcg/lít hàm lượng Styren, nếu phơi nhiễm Styren với hàm lượng 100mcg trong thời gian dài không ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Sau khi nắm được thông tin về nước sinh hoạt của cư dân có mùi lạ, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động giám sát mẫu nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, lấy 8 mẫu nước từ nhà máy, hộ dân.

Kết quả cho thấy, nước có hàm lượng chất Styren vượt ngưỡng, hàm lượng cao dần ở phía nhà máy, thấp dần ở hộ dân. Styren cũng dẫn đến mùi bất thường mà người dân phản ánh", ông Hạnh nói và khẳng định nước sinh hoạt như vậy hoàn toàn không đảm bảo chất lượng.

Chuyên gia nhận định: Ngoài Styren, phải kiểm tra và công bố các chất khác có trong mẫu nước xét nghiệm - Ảnh 3.

Người Hà Nội xếp hàng đợi nhận nước sạch miễn phí. Ảnh: Phương Thảo.

Trước phản ánh của người dân về tình trạng nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm dầu , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình cần có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/10.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày