Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chỉ ra 8 điều cần lưu ý để đam mê của người trẻ được nuôi nấng và sống sót

Diệu Thu, Theo Tổ Quốc 13:05 09/05/2020

"Có bạn hỏi tôi, chị ơi mình làm cái dự án này rồi nửa chừng lỡ có gì đó xảy ra ngoài ý muốn và mình thất bại thì sao. Tôi cười, chưa làm em đã sợ thất bại thì em đã thất bại ngay lúc này rồi, hỏi câu đó làm gì", nữ chuyên gia thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - tài chính chắc hẳn đã quá đỗi quen thuộc với cái tên Nguyễn Phi Vân - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhượng quyền tại Việt Nam. Bà còn là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1000 thương hiệu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.

Trên trang cá nhân, nữ chuyên gia thường xuyên đăng tải những bài viết vô cùng sâu sắc về kiến thức, kinh nghiệm thực tế hữu ích cũng như các kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng để giúp người trẻ trau dồi, hoàn thiện, ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Như mới đây, bà đã chia sẻ một số điều cần lưu ý xoay quanh thứ mà người ta định nghĩa là đam mê và người trẻ cần làm gì với đam mê để nó có thể sống sót qua một hành trình dài, gập ghềnh phía trước.

Nguyên văn bài viết của chuyên gia Nguyễn Phi Vân như sau:

"Mọi người nói rất nhiều về đam mê, và khuyên bạn hãy đi tìm đam mê đó của mình. Nhưng làm gì với đam mê đó để nó có thể nuôi sống bạn thì còn cả một hành trình dài và gập ghềnh phía trước. Có người vì không biết làm sao để sống sót qua cuộc hành trình nên bỏ cuộc. Có người vì chưa chuẩn bị cho hành trình nên bỏ cuộc. Cũng có người mơ mộng hão huyền quá nên thất bại và bỏ cuộc. Tôi cũng là một kẻ mơ mộng. Và tôi thà thành công khi thực hiện công việc mình đam mê hơn là thành công với thứ mà mình ghét cay ghét đắng. Nhưng những kẻ mơ mộng hỡi, ta cần phải có sự chuẩn bị để nuôi nấng và bảo bọc đam mê của mình. Chia sẻ với các bạn một số điều cần lưu ý nhé.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chỉ ra 8 điều cần lưu ý để đam mê của người trẻ được nuôi nấng và sống sót - Ảnh 1.

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhượng quyền tại Việt Nam - Nguyễn Phi Vân

1. It takes more than just passion – Cần nhiều điều kiện hơn, không chỉ có đam mê: có đam mê thì tốt rồi, vì đó là đòn bẩy để đưa bạn qua mọi khó khăn, gian nan sắp tới. Nhưng đam mê không thì không đủ. Vì bạn còn phải sống và làm việc quần quật để nuôi sống bản thân và cả đam mê. Bạn có sẵn sàng work hard – làm hết sức không? Ở đây không có chuyện thần tiên nhe. Đừng mơ mộng là ta bay bay giữa bầu trời với đam mê của mình. Thực tế là ta phải lao vào cái hố sâu, làm ngày làm đêm không nghỉ, làm đến nỗi muốn kiệt sức và bỏ cuộc ấy. Hỏi bản thân xem bạn có sẵn sàng? Và không làm thì thôi. Nếu đã làm thì làm cho xuất sắc, làm giỏi đến nỗi ai cũng phải kinh ngạc, ghi nhận. Và ngoài chuyên môn còn biết làm nhiều chuyện nhỏ nhặt, chán ngắt khác cần thiết cho công việc của mình như hành chính giấy tờ chẳng hạn. Sao? Nghe xong bỏ chạy hay là nuôi dưỡng đam mê?

2. How can I make something better? Ta làm gì để một việc nào đó tốt hơn lên? Đã đam mê thì phải biết nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm không ngừng để giải quyết một vấn đề, làm cho một thứ gì đó trong ngành mà bạn đang theo đuổi tốt hơn lên. Và đó có phải là cách để bạn tự do sáng tạo, tự do thể hiện đam mê của mình? Nếu bạn đam mê nấu ăn chẳng hạn, bạn sẽ làm gì để nhà hàng của mình đặc biệt hơn, hay hơn, ngon hơn những nhà hàng khác? Đó chính là tìm ra điểm khác biệt cơ bản cho business của bạn. Không có nó, và nếu ta chỉ làm cũng xoàng xoàng như người khác, thì chả bao giờ sống được lâu dài. Nói gì mà nuôi dưỡng đam mê.

3. Brainstorm options to monetize your passion – Suy nghĩ nhiều cách để có thể kiếm tiền từ đam mê của mình: xung quanh ngành mà bạn đam mê, có rất rất nhiều việc bạn có thể đóng góp vào ngành đó. Bạn thử bắt đầu làm bản đồ mind map và tìm ra một option nào đó liên quan xem nhé. Đây là vài câu hỏi để giúp bạn suy nghĩ:

- Tôi có nên bán sản phẩm gì đó liên quan trong một cửa hàng do tôi tự mở ra?

- Tôi có nên bắt đầu viết blog, làm kênh youtube, viết sách, làm phim gì đó để chia sẻ về đề tài mà tôi đam mê?

- Tôi có nên làm tư vấn về ngành mà tôi đam mê?

- Tôi có nên đầu tư vào một ý tưởng hay mô hình kinh doanh gì đó trong ngành mà tôi đam mê?

- Tôi có nên sáng tạo bằng công nghệ để giúp cho người trong ngành mà tôi đam mê làm việc dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn…?

- Tôi có nên làm gì đó để recycle được hay sửa và giữ được sản phẩm cũ cho người sử dụng trong ngành mà tôi đam mê?

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chỉ ra 8 điều cần lưu ý để đam mê của người trẻ được nuôi nấng và sống sót - Ảnh 2.

4. Don’t be a perfectionist – Đừng chờ sự hoàn hảo rồi mới bắt đầu: không có ai trên thế giới này mà hoàn hảo tất cả mọi kiến thức và kỹ năng trong ngành của họ cả. Họ chỉ giỏi, và học hỏi mỗi ngày để giỏi hơn thôi. Do đó, bạn cũng chẳng cần phải quá lo lắng khi bản thân chưa 100%. Cứ bắt tay vào làm và thử, nhưng phải biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày bằng cách dành thời gian tự học.

5. Get outside of your comfort zone – Vượt ra khỏi vòng an toàn: nếu muốn khởi nghiệp với ngành mà mình đam mê, bạn cần phải bước ra khỏi vòng an toàn. Có người cả đời sẽ chẳng bao giờ khởi nghiệp được. Có người sợ hãi không dám bước ra. Có người lúc này lúc khác. Tất cả qui về một chữ sợ. Sợ mất đi những gì mình đang có. Nếu không bước ra, không bắt đầu, không mất vài thứ mình đang có thì làm sao ta có được những điều mà ta mơ ước? Cái gì cũng muốn giữ mà vẫn muốn có thêm cái mới. Đó là chuyện viễn vông.

6. Have a lot of fun – Phải vui mới được: bạn cộng tác dự án của tôi hay nhắc nhở mỗi khi tôi di công tác "Chị giữ gìn sức khoẻ và đừng làm việc nhiều quá nhé." Tôi trả lời chị đâu có làm việc gì em. "I am just having a lot of fun, and pick up some business along the way – Chị chỉ ham chơi, ham vui, rồi trên hành trình đó làm thêm việc kinh doanh nữa." Làm mà không vui thì chi bằng bạn đang giết dần giết mòn đam mê của mình? Rồi một ngày nào đó, bạn quên luôn cả lý do tại sao mình bắt đầu. Bạn chỉ muốn mọi thứ kết thúc. Và đó là bản án tử hình cho đam mê của chính ta.

7. Master your skills – Hoàn thiện kỹ năng: làm gì thì làm, đừng ngạo mạn. Bạn có giỏi thì cũng chẳng bao giờ giỏi nhất. Và nếu muốn tiếp tục phát triển và cạnh tranh được với đời thì lúc nào cũng phải dành thời gian học để hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Nếu không, một ngày nào đó bạn sẽ lạc hậu. Một ngày nào đó người khác sẽ vượt qua bạn. Còn bạn, và đam mê của mình, sẽ chỉ biết ngồi đó thất chí mà thôi.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chỉ ra 8 điều cần lưu ý để đam mê của người trẻ được nuôi nấng và sống sót - Ảnh 3.

8. Overcome obstacles – Vượt qua thử thách: thử thách được sinh ra là để test bạn mà thôi, xem bạn có đủ can đảm, đủ niềm tin, đủ quyết tâm để thực hiện đam mê của mình. Mới thấy khó đã bỏ chạy là chicken nhe. Nhát như vậy thì đừng bao giờ nói chuyện đam mê. "Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 1001 cách khác để thực hiện ý tưởng của mình." Nhớ câu này không? Đó mới gọi là đam mê nhé. Không thì bỏ chạy từ đầu đi. Đừng thuyết giảng về đam mê của mình rồi chicken out – bỏ chạy giữa chừng nhe.

Trải qua một ngã rẽ Covid khốc liệt để tái sinh, tôi mong các bạn sẽ dành thời gian suy nghĩ về đam mê và hành trình tiếp theo của cá nhân mình. Tôi nghĩ rằng chỉ khi mỗi cá nhân theo đuổi đúng con đường mà mình hằng mơ ước, bạn mới có thể vui vẻ và hạnh phúc. Có bạn hỏi tôi, chị ơi mình làm cái dự án này rồi nửa chừng lỡ có gì đó xảy ra ngoài ý muốn và mình thất bại thì sao. Tôi cười, chưa làm em đã sợ thất bại thì em đã thất bại ngay lúc này rồi, hỏi câu đó làm gì. Còn chuyện ta đã dấn thân mà vì tác động gì đó bên ngoài khiến ta không thành công, ta cũng đã học được một bài học lớn để quay về nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tìm cách tốt hơn, và tiếp tục làm cho đến khi thành công vậy."