Theo bà Debbie Ausburn - nhà văn, chuyên gia về nuôi dạy trẻ tại Mỹ, một nền tảng quan trọng để xây dựng mối quan hệ lành mạnh là cho trẻ nhiều không gian.
“Tôi thích nghĩ về không gian đó theo hướng không gian cảm xúc, không gian vật lý và không gian riêng. Tất cả những điều này đều cần thiết cho bất kỳ mối quan hệ gia đình vững chắc nào”, chuyên gia cho biết. Nguyên tắc đầu tiên là cho trẻ nhiều không gian cảm xúc.
Nguyên tắc này sẽ thể hiện trong gia đình theo nhiều cách khác nhau, tùy vào mỗi người. Tuy nhiên, những vấn đề phổ biến nhất dường như lại xuất hiện liên tục. Bà Debbie Ausburn đã gợi ý một số giải pháp được coi là hiệu quả nhất.
Để trẻ định hướng: Thật dễ dàng khi cha mẹ để những ý định nuôi dạy con lấn át, khiến trẻ cảm thấy như phụ huynh đang cố gắng ép buộc để tạo ra một mối quan hệ gần gũi. Thay vào đó, cha mẹ cần bắt đầu bằng những kỳ vọng thực tế cho những mối quan hệ này.
Không phải tất cả trẻ em đều nhận ra ngay rằng cha mẹ tuyệt vời như thế nào. Thậm chí, một số trẻ sẽ không bao giờ nhận ra.
Thực tế, tốt nhất là cha mẹ hãy chờ đợi và để con tự định hướng. Trẻ sẽ mất thời gian để chấp nhận một mối quan hệ mới. Trong hầu hết các trường hợp, phụ huynh hãy thể hiện mình là một người lớn biết quan tâm, luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhưng không áp đặt.
Tự định hướng không có nghĩa là trẻ phải bắt đầu mọi cuộc trò chuyện. Suy cho cùng, trong các tình huống, cha mẹ là người lớn với các kỹ năng xã hội phát triển hơn. Do đó, chúng ta hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ theo cách sẽ làm với bất kỳ ai khác: Hỏi về sở thích của con, để bé giải thích những gì bản thân muốn. Sau đó, hãy hỏi ý kiến của trẻ về các sự kiện hiện tại liên quan. Hãy tạo cơ hội cho trẻ nói chuyện với cha mẹ, nhưng không nên ép buộc.
Tạo cơ hội cho “thời gian bên nhau”: Phụ huynh hãy cố gắng tìm những điều mà gia đình có thể tận hưởng cùng nhau, cho dù đó là tham gia trò chơi, ăn kem, hay các hoạt động ngoại khóa.
Bà Ausburn nhấn mạnh, phụ huynh không nên ép buộc mọi người phải có thời gian chất lượng. Nguyên tắc là tạo ra cơ hội chứ không phải ép buộc trẻ. Cố gắng tìm một số điểm chung cho những điều mà phụ huynh và trẻ có thể cùng nhau tận hưởng. Hoặc, ít nhất là những điều mà cha mẹ có thể thích nghi. Ví dụ, cha mẹ sẽ không bao giờ thích trò chơi điện tử ở mức độ như trẻ, nhưng ít nhất đã học được cách để con chia sẻ về một trong những đam mê.
Một phần quan trọng khác của nguyên tắc này là cùng nhau tham gia theo cách thoải mái. Các cuộc trò chuyện riêng có thể khó khăn đối với trẻ. Đó là một lý do tại sao bữa tối gia đình có thể là một phần quan trọng trong quá trình nuôi dạy con.
Trẻ em thường sẽ nói nhiều hơn trong một nhóm, thay vì các tình huống khác. Ngoài ra, phụ huynh không nên bỏ qua tầm quan trọng của những lúc trẻ có thể nói chuyện mà không cần nhìn cha mẹ. Một số trẻ em nhút nhát và phương tiện truyền thông xã hội dường như đã tạo ra một thế hệ trẻ không biết cách trò chuyện trực tiếp.
Trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên, có vẻ thoải mái hơn khi trò chuyện vào lúc cha mẹ đang tập trung vào một điều gì đó khác, chẳng hạn như xem tivi hoặc làm việc.
“Nơi phổ biến nhất mà các con bắt đầu những cuộc trò chuyện quan trọng với tôi là khi tôi lái xe đưa chúng từ nơi này đến nơi khác. Tôi không biết liệu việc thấy rằng, tôi phải quan sát đường thay cho con có khiến chúng thoải mái hơn không, hay trẻ thích nói chuyện trong khi nhìn ra ngoài cửa sổ? Dù lý do là gì, tôi đã học được cách không bao giờ coi nhẹ tầm quan trọng của những cuộc trò chuyện này”, chuyên gia chia sẻ.
Dành thời gian xây dựng lòng tin: Theo bà Ausburn, thông thường, trẻ em không quan tâm cha mẹ biết bao nhiêu, cho đến khi chúng biết phụ huynh quan tâm nhiều đến chúng.
Phụ huynh thường cần nhiều thời gian, thậm chí là rất lâu để xây dựng lòng tin và cho trẻ thấy rằng, cha mẹ sẽ luôn bên con. Các mối quan hệ phải phát triển một cách tự nhiên và không có từ ngữ kỳ diệu nào giúp cha mẹ có thể sử dụng để đẩy nhanh quá trình này.
Hãy cho trẻ thời gian để hiểu rằng, phụ huynh đáng tin cậy. Phụ huynh cũng nên dành thời gian để học cách trở thành một người mà trẻ có thể tin tưởng.
Một phần của việc xây dựng lòng tin là để trẻ quyết định gọi phụ huynh theo cách nào. Với con riêng của vợ/chồng mình, phụ huynh không nên ép trẻ phải ngay lập tức gọi mình là “mẹ” hay “bố”. Bởi, trẻ có thể không muốn có bất kỳ sự thay thế nào. Hãy tôn trọng khi trẻ tự đưa ra quyết định về việc gọi phụ huynh theo cách nào.
Cho con không gian vật lý cũng quan trọng như không gian cảm xúc. Phụ huynh không nên ép buộc hành động yêu thương ở trẻ. Giống như khía cạnh tình cảm của mối quan hệ, hãy để trẻ tự quyết định. Trẻ nhỏ thường tình cảm hơn trẻ lớn. Thậm chí, nhiều thanh thiếu niên có vùng “không được chạm” vô hình xung quanh chúng. Bất kể trẻ đang ở giai đoạn phát triển và tình cảm nào, hãy để chúng tự đặt ra ranh giới cho tình cảm mà chúng muốn từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, phụ huynh hãy để con trẻ có thời gian với chính cha mẹ ruột của chúng. Nếu trẻ không thể dành thời gian cho cha mẹ ruột, hãy cố gắng tạo điều kiện để con gọi điện thoại, gửi email hoặc viết thư. Những mối quan hệ đó rất quan trọng đối với trẻ. Do đó, phụ huynh cần khuyến khích con kết nối dù ở bất cứ nơi nào có thể.
Ngoài ra, phụ huynh hãy đảm bảo rằng, mình dành thời gian và không gian riêng cho con. Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau sẽ có những ý tưởng khác nhau về thời gian riêng tư. Cha mẹ thường phải giám sát trẻ nhỏ chặt chẽ hơn trẻ lớn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, mọi người đều cần được nghỉ ngơi. Phụ huynh nên coi đó là chuyện bình thường nếu trẻ muốn bắt đầu dành thời gian riêng tư.
Nguyên tắc cuối cùng là yếu tố dễ bị bỏ qua trong cuộc sống bận rộn hằng ngày. Bà Ausburn chia sẻ: “Trong hầu hết các trường hợp với con, tôi để phòng ngủ của trẻ là không gian riêng tư. Cũng giống như tôi không bao giờ muốn con mình tự do vào phòng ngủ của tôi, ngược lại tôi luôn tôn trọng phòng ngủ của chúng. Bởi, căn phòng đó thuộc về trẻ chứ không phải tôi. Tôi không vào trừ khi cần thiết vì lý do an toàn hoặc vệ sinh và luôn gõ cửa, xin phép”.
Bất cứ nơi nào phụ huynh sắp xếp không gian cho con mình, hãy đảm bảo rằng các quy tắc trong nhà yêu cầu toàn bộ gia đình tôn trọng ranh giới của mọi người. Nếu trẻ phải chia sẻ phòng ngủ với anh/chị/em, hãy giúp con đặt ra ranh giới trong phòng. Như vậy, trẻ có thể yêu cầu về không gian của mình.
Khuyến khích trẻ chọn đồ trang trí hoặc thậm chí là màu sơn mới. Để trẻ tự quyết định về phòng của mình sẽ giúp con cảm thấy mình thuộc về nơi đó, chứ không phải là ở một nơi xa lạ do người khác kiểm soát.
“Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng khi bạn là cha dượng có một đứa con riêng chỉ đến thăm một phần thời gian. Cho trẻ không gian riêng sẽ khiến chúng cảm thấy mình là một phần của gia đình, thay vì chỉ là một vị khách bán thời gian. Hãy làm những gì có thể để cung cấp cho con cùng một khoảng không gian như những đứa trẻ sống toàn thời gian trong gia đình.
Nếu không thể làm được điều đó, hãy cố gắng tìm cho trẻ một không gian riêng thay vì thỉnh thoảng đưa chúng vào phòng của một đứa trẻ khác. Thu hút mọi người vào các cuộc thảo luận và trao đổi rõ ràng về cách tốt nhất để giúp mỗi trẻ cảm thấy mình là một phần quan trọng của gia đình”, chuyên gia gợi ý.
Theo bà Ausburn, xây dựng mối quan hệ bền chặt khi nuôi con của người khác là một trong những thách thức mà nhiều phụ huynh phải đối mặt, dù là cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ kế. Điều đó có thể rất khó khăn. Khi đó, việc học cách cho trẻ không gian - cả về mặt tình cảm và thể chất - sẽ giúp phụ huynh đặt nền tảng để cuối cùng xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
"Trên hết, hãy hướng đến sự tôn trọng lẫn nhau và giao tiếp cởi mở với con. Có thể đó không phải là giao tiếp có qua có lại. Suy cho cùng, trẻ không phải là người lớn với những trải nghiệm sống và kỹ năng như chúng ta. Song, bố mẹ có thể là hình mẫu tích cực về việc giao tiếp tốt sẽ thế nào trong một mối quan hệ tích cực. Trong khi đó, trẻ sẽ có thời gian để trở thành một phần của gia đình mới", chuyên gia Ausburn gợi ý.
Theo Debbie Ausburn