Chia sẻ tại một tọa đàm về cung ứng điện tháng 4/2024, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sử dụng điều hòa vào mùa hè chiếm khoảng 50-70% tổng nhu cầu sử dụng điện với các hộ gia đình.
Cụ thể, đối với điều hòa công suất 12.000 BTU, tương đương khoảng 1,2kWh, nếu một ngày sử dụng 8 giờ, trong một tháng sẽ dùng 288 số điện. Nếu hộ gia đình sử dụng ở bậc 2, thì dùng máy lạnh sẽ phải ở bậc 3 bậc 4. Nếu lấy giá điện ở bậc 3, chi phí tăng thêm cho riêng một điều hòa là 624.000 đồng.
Nếu áp với hộ gia đình đã dùng giá điện ở bậc 5 thì toàn bộ mức điện năng này được tính với giá bậc 6. Với 288 kWh tăng thêm, mỗi tháng khách hàng phải thanh toán thêm 907.000 đồng. Vậy nên sử dụng điều hòa đúng cách có thể tiết kiệm điện, giảm chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Trưởng ban Kinh doanh EVN cho hay, máy lạnh thường chỉ sử dụng vào mùa nắng nóng, kéo dài 3-5 tháng nên nhiều người quên các tính năng, kỹ năng tiết kiệm điện hiệu quả.
Vị chuyên gia của EVN đã đưa ra một số lời khuyên về việc lựa chọn thiết bị điều hòa: chọn mua và sử dụng điều hòa công nghệ mới Inverter có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, chi phí tiền điện có thể giảm từ 15-30%.
Không ít gia đình thường bỏ quên hoặc chưa chú ý đến việc vệ sinh điều hòa. Ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh việc vệ sinh định kỳ điều hòa cũng góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng của thiết bị lạnh, giảm được chi phí tiền điện. Tần suất vệ sinh từ 3-6 tháng/lần, có thể giảm 10-15% tiền điện.
Mức nhiệt lý tưởng nhất vị chuyên gia này khuyên các hộ gia đình lựa chọn là 26-27 độ. "Nếu chúng ta giảm 1 độ của điều hòa, ví như từ 26 độ xuống 25 độ, thì điện năng tiêu thụ tăng thêm 3% và đây là con số rất lớn. Do đó, nếu biết cách sử dụng điều hòa đúng cách thì sẽ tiết kiệm, hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài đối với hộ gia đình và xã hội", ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Theo EVN, khi mới khởi động thiết bị, người dùng có thể cài mức nhiệt thấp, khoảng 20 độ C, rồi tăng dần lên mức nhiệt ổn định như trên. Nếu ở nhiệt độ 26 - 27 độ, gia đình cảm thấy chưa đủ mát, hãy bật thêm quạt ở chế độ nhỏ để làm phòng mát nhanh hơn.
Chuyên gia này cho biết việc người dân giảm bớt tiêu thụ trong những mùa cao điểm sẽ giúp cho hệ thống đảm bảo cân đối cung cầu, giảm nguy cơ sự cố, đảm bảo cung ứng đủ điện phát triển kinh tế đồng thời không huy động những nguồn điện với giá thành cao, đỡ tạo áp lực lên giá điện.
Những cách khác để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa
Bật chế độ Sleep buổi đêm
Sleep là chế độ có thể tự động tăng nhiệt độ lên để nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của người dùng (thông thường là cứ sau 30-1 tiếng, nhiệt độ sẽ tăng lên 1-2 độ).
Trên thực tế, vào ban đêm nhiệt độ môi trường cũng giảm xuống, chế độ tự động tăng nhiệt giúp cân bằng nhiệt độ, mang lại hiệu quả về tiết kiệm điện năng. Chế độ Sleep cũng tốt cho sức khoẻ khi người dùng sẽ không có cảm giác quá lạnh lúc ngủ, giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Chọn chế độ Dry/Cool theo thời tiết
Chế độ Cool tốn năng lượng hơn so với chế độ Dry do ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, tạo không khí khô ráo trong khi chế độ Cool lại lấy nhiệt nóng từ trong phòng đẩy ra cục nóng bên ngoài để làm mát phòng.
Cần lưu ý dùng chế độ Dry khi môi trường có độ ẩm cao trên 60%, nhiệt độ bên ngoài dưới 34 độ còn trong trường hợp nhiệt độ lên đến 40 độ C, độ ẩm dưới 50% thì vẫn nên chọn chế độ Cool để phòng mát hơn.
Trong những ngày trên nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, không nên sử dụng để tránh tiêu thụ điện năng mà không mang lại hiệu quả làm mát.