Chuyên gia dịch tễ: Khi Hà Nội mở cửa, cần cảnh giác với các chuỗi ca bệnh thuộc nhóm nguy cơ này

Ngọc Minh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 10:01 28/09/2021

PGS Nguyễn Huy Nga cho rằng, thời điểm người dân ngoại tỉnh về thành phố đi làm trở lại, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, lúc này, nhóm nguy cơ tăng lên sẽ có nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, mức độ dịch sẽ không quá lớn mà chỉ bùng phát cục bộ.

Bùng phát dịch ở chuỗi ca bệnh cục bộ

Hôm nay 28/9, là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện quyết định cho người dân quay lại tập thể dục Thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về); Cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

Ở góc nhìn đánh giá về dịch tễ, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, thời điểm này đã thích hợp để Hà Nội có thể mở lại một số hoạt động khi mà các số ca trong cộng đồng giảm, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã tăng lên. Trong khi đó, người dân cũng có những áp lực nhất định về kinh tế. Do vậy quyết định mở cửa lại của Hà Nội vào thời điểm này là đúng đắn và kịp thời.

"Chúng ta không thể đợi 'Zero Covid-19' được nữa. Nếu thực hiện theo chiến lược cũ thành phố cũng sẽ tt hậu kinh tế, đời sống nhân dân sẽ bị ảnh hưởng", PGS Huy Nga nói.

Giai đoạn khi mà thành phố Hà Nội mở cửa trở lại sẽ thường khó khăn và phải cảnh giác do dịch có trong cộng đồng, một số người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc nhóm người bị suy giảm miễn dịch hiệu quả tiêm bảo vệ không cao, trẻ em chưa tiêm vắc xin nguy cơ bùng phát dịch sẽ theo chuỗi người nguy cơ.

Chuyên gia dịch tễ: Khi Hà Nội mở cửa, cần cảnh giác với các chuỗi ca bệnh thuộc nhóm nguy cơ này - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Huy Nga

PGS Huy Nga phân tích: "Hà Nội sẽ có thể bùng phát chuỗi ca bệnh ở nhóm người có nguy cơ. Do vậy người dân vẫn phải thực hiện 5K. Đặc biệt phải đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng và giữ khoảng cách với người lạ. Với người dân có triệu chứng giống cúm, ho, khó thở, cần tới bệnh viện ngay.

Bên cạnh đó, ngành y tế phải nâng cao hệ thống giám sát người vào bệnh viện, giám sát các ổ dịch mới xuất hiện trong cộng đồng để kịp thời ngăn ngừa không cho bùng phát lên.

Tnh phố vẫn cần phải tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, trong đó có tiêm vắc xin cho trẻ em. Việc Hà Nội kiểm soát tốt dịch là do có tỷ lệ 1 mũi vắc xin đã trên 80% trong thời gian giãn cách xã hội nên số ca bệnh tăng chậm.

Thành phố đã chống dịch thành công?

Việc mở lại các hoạt động phát triển kinh tế có đồng nghĩa với việc dịch bệnh tại thành phố đã được khống chế thành công hay không? PGS Huy Nga chia sẻ quan điểm, hiện nay, thành phố đã chống được dịch thành công do: tiêm vắc xin, giãn cách, nhóm chưa được tiêm vắc xin như học sinh, sinh viên nghỉ học ở nhà, lao động tự do tại thành phố về quê… nguy cơ dịch bệnh không cao.

Tuy nhiên, thời điểm người dân ngoại tỉnh về thành phố đi làm trở lại, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, lúc này, khối cảm thụ (nhóm nguy cơ) tăng lên sẽ có nguy cơ bùng phát dịch. Nhưng mức độ dịch sẽ không quá lớn theo chuỗi người nguy cơ, bùng phát cục bộ.

Theo PGS Huy Nga, trẻ em hiện nay chưa tiêm chủng cho nên chưa thể cho trẻ tới trường. Do vậy việc có quyết định cho trẻ tới trường hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch tễ đảm bảo 14 ngày không có ca mới trong cộng đồng và nên tiêm vắc xin sớm cho trẻ em.

"Tới thời điểm này chúng ta bắt buộc phải sống chung với dịch bệnh. Dịch không có nguy cơ lớn, chúng ta có cơ hội để hồi phục kinh tế, nếu giãn cách kéo dài sẽ không có cơ hội để phục hồi. Chúng ta đã có kinh nghiệm tập trung vào điều trị giảm tỷ lệ tử vong. Đối với trẻ em nhiễm virus sẽ bị nh khi nhiều người lớn tiêm vắc xin thì virus lây cho trẻ em cũng sẽ bị nhẹ hơn.

Tuy nhiên chúng ta không thể quay trở lại cuộc sống như trước kia, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới sẽ sống ở trạng thái bình thường mới. Lúc này, người dân sẽ phải vừa làm việc, vừa chống dịch.

Chúng ta sẽ phải xác định thẳng thắn rằng, khi mở cửa trở lại sẽ có người bị ốm, người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng tỷ lệ sẽ cao hơn", PGS Huy Nga nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày