Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 25/10/2024
Chia sẻ

Ở vùng đất Tây Nguyên, có những con người gắn cả đời mình với cây cà phê. Họ làm việc trên những rẫy cà phê bạt ngàn, yêu mùi hương thơm ngọt của hoa cà phê và tự hào với những hạt cà phê chất lượng cao do chính mình canh tác.

Đó là những người nông dân đang thực hành nông nghiệp tái sinh sau khi tham gia vào Chương trình NESCAFÉ Plan. Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi tham gia Chương trình, đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ đã được nâng cao nhờ việc áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tạo ra những hạt cà phê chất lượng cao và các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao khác thông qua mô hình xen canh hợp lý mà vẫn bảo tồn được nguồn nước cũng như độ phì nhiêu của đất.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 1.

Một buổi chiều tháng 9, ông Trần Trọng Hồng Long (60 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà và trông đứa cháu đang chạy giỡn quanh sân. Ông Long có ba người con, đều đã đi làm và thành đạt.

Nhà của ông Long nằm ngay đường lớn, kiên cố và vững chãi. Vụ cà phê năm ngoái mang lại năng suất cao, vợ chồng ông mừng rỡ mang gửi tiết kiệm tích lũy. Các con cứ nài nỉ “bố mẹ nghỉ làm” nhưng đối với người đàn ông 60 tuổi, mỗi sáng được thong dong chạy xe máy lên thăm rẫy là niềm hạnh phúc.

“Cà phê gần như là cả cuộc đời tôi”, ông Long nói. Ít ai biết được rằng, ông Long từng có năm tháng tuổi trẻ đầy cơ cực để lo toan cho gia đình năm người, cho đến khi quyết định chuyển dịch sang hình thức canh tác bền vững, góp phần nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 2.

Ông Long có tuổi thơ gắn liền với những rẫy cà phê bạt ngàn ở tỉnh Lâm Đồng. Tuổi thơ ông là những lần chạy rong ruổi quanh các gốc cà phê, lớn hơn chút, bố mẹ là người hướng dẫn ông chọn các loại phân bón, chăm chút tưới nước cho cây.

Sau khi rời quân ngũ và lập gia đình, ông được bố mẹ cho 4ha cà phê canh tác. Thập niên 90, hai người con của ông Long lần lượt ra đời khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai. Tiền sữa, tiền học, tiền sinh hoạt của cả gia đình trông chờ vào những vụ cà phê.

Ông đùm cơm lên làm việc ở rẫy cà phê 10 tiếng mỗi ngày. “Không có máy móc hỗ trợ mọi việc tôi đều làm bằng tay từ phá vỡ đất, đào hố, ươm cây, chăm sóc cây. Tôi làm đến chai sạn bàn tay, suốt ngày và quanh năm”, ông Long nhớ lại.

Dù cực khổ, ông Long chưa một lần muốn bỏ nghề bởi tình yêu với cà phê. Đây là công việc từ thời bố mẹ nên bằng mọi giá, ông muốn giữ gìn nó.

Năm 2013, ông Long tham gia công tác xã hội và tình cờ được giới thiệu về Chương trình NESCAFÉ Plan của công ty Nestlé Việt Nam. Lần đầu tiên, ông biết đến những khái niệm về mô hình cà phê bền vững cùng những kỹ thuật canh tác mới mẻ, khoa học.

Khi đó, ông đã ngoài 50 tuổi nhưng mỗi tối cần mẫn mang sách vở và tài liệu về đọc. Mái tóc đã điểm bạc, đôi lúc nhớ trước quên sau nhưng ông Long tự nhủ phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất mới đạt được những giá trị lớn hơn.

Ngày xưa, mỗi lần trời mưa ông sẽ bón phân cho cây đến khi nắng lại nổ máy bơm tưới nước. “Tôi không biết bao nhiêu là đủ sức ra hoa hay kết trái nên hoàn toàn làm theo cảm tính”, ông kể.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 3.

Tuy nhiên, các cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Chương trình NESCAFÉ Plan đã hướng dẫn và đồng hành cùng ông trong hành trình mới. Ông bắt đầu giữ thảm cỏ để mưa không làm rửa trôi đất, thay vì phát quang triệt để như trước; tỉa cành thông thoáng để cây quang hợp tốt, phát triển khỏe mạnh. Nhờ vậy, lượng phân bón hóa học được giảm hơn 20% và ông Long tiết kiệm gần 30% nước dùng cho tưới tiêu.

Khi thấy chi phí giảm và sản lượng tăng lên, ông biết mình đã đi đúng hướng, nỗi lo vơi bớt. Ông Long kể người nông dân như mình luôn thấp thỏm lo vụ cà phê năm được năm mất, khi được hơn 4 tấn nhưng mùa lại sụt còn 2 tấn. Chuyện học hành, nhà cửa cũng phải “bóp” lại theo chi tiêu để còn làm vốn cho vụ sau.

Nhưng sau khi tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan, kinh tế của gia đình đã vững nhờ sản lượng tăng ổn định, đạt 5-6 tấn/1ha. Ông nhớ lần đầu đạt được sản lượng cao, sự phấn khởi đã đẩy thành động lực "ham làm".

Với những thành tích trong việc tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan, ông Long cùng 50 nông dân xuất sắc nhất đã có chuyến thăm quan nhà máy  Nestlé ở Trị An (Biên Hòa) - một trong những nhà máy chế biến cà phê  hiện đại nhất của Tập đoàn Nestlé nhằm hiểu thêm về hành trình của hạt cà phê sau khi rời nương rẫy, được chế biến sâu giúp gia tăng giá trị để từ đó có thể xuất khẩu đi khắp thế giới. Trải nghiệm này đã giúp những người nông dân như ông Long cảm thấy rất vui và tự hào.

“Tôi cảm thấy tự hào khi những hạt cà phê mình gieo trồng trở thành nguyên liệu chế biến thành sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu tới 30 thị trường trên toàn cầu, trong đó có nhiều thị trường khắt khe như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ”, ông kể.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 4.

Những tuần cuối tháng 9, mọi người hiếm gặp được chị Mai Thị Nhung (Đắk Lắk) bởi người phụ nữ này luôn bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt. Xong công việc cho mấy đứa nhỏ ở nhà, chị lại ngược xuôi lên rẫy cà phê trồng xen canh hồ tiêu, sầu riêng rồi lại đi họp.

Trong chuyến tham quan nhà máy Nestlé Trị An, chị Nhung với vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười hiền lành, tác phong chuyên nghiệp đã gây ấn tượng với mọi người. Tuy nhiên, những con số liên quan đến rẫy cà phê mà người phụ nữ này chia sẻ còn gây ngạc nhiên hơn.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 5.

Vườn cà phê 2ha đang trồng xen canh của chị mang lại cho chị tổng thu nhập lên đến 700 triệu đồng do năng suất hiện tại cao gấp 3 lần so với trước năm 2015. Chị đang là trưởng nhóm nông dân gần 90 thành viên trong đó 42% là phụ nữ, người đồng bào tại địa phương. Với cương vị trưởng nhóm, chị hướng dẫn, chia sẻ các kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững mà các cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé đã truyền đạt cho các thành viên trong nhóm của mình.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc bởi mình đã thay đổi và tiến xa hơn", chị Nhung nói. Chị lớn lên với nghề nông, công việc mà nam giới luôn chiếm số lượng nhiều hơn nữ. Chị từng phải trải qua các khó khăn gây ra bởi biến đổi khí hậu. Sau mỗi mùa thu hoạch, chị lại xoay xở để có vốn cho mùa sau.

Là người phụ nữ lớn lên ở nông thôn, chị Nhung thừa nhận ít được tiếp xúc với kỹ thuật trồng trọt bài bản. Năm 2015, qua chia sẻ của người bạn, chị Nhung biết đến Chương trình NESCAFÉ Plan và tham gia buổi tập huấn của các cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Chương trình. Ngay lập tức, chị Nhung được truyền động lực và tự đặt mục tiêu phải tham gia vào chương trình để có thể thay đổi và cải thiện sinh kế của gia đình.

Chị học cách quản lý cỏ dại bằng phương pháp làm cỏ bằng thủ công hoặc bằng máy cắt cỏ, sau đó tận dụng cỏ dại, vỏ cà phê ủ phân hữu cơ, phân vi sinh để tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất. 

Chị Nhung cũng được các cán bộ của chương trình chia sẻ cách quan sát và đánh giá độ ẩm của đất bằng các dụng cụ rất đơn giản như lon sữa bò, chai nhựa…để quyết định việc tưới tiêu cho rẫy cà phê, tránh lãng phí nước. Bằng những kỹ thuật này, vườn cà phê của chị tiết kiệm được 50% nước tưới, giảm 20 - 30% lượng phân bón vô cơ, không cần sử dụng thuốc trừ cỏ. Ngoài ra, chị còn được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng nhật ký nông hộ cài đặt trên điện thoại để có thể dễ dàng theo dõi toàn bộ chi phí đầu tư, lợi nhuận.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 6.

Những vụ cà phê mang năng suất tốt đã làm thay đổi cuộc sống gia đình chị Nhung. Kinh tế gia đình ổn định, các con đều được học tập đầy đủ và trưởng thành. Nhưng quan trọng hơn hết, chị thấy mình phát triển và vươn xa so với những gì chị nghĩ mình có thể làm được.

"Giờ đây, tôi có thể tự hào khi tạo dựng sự nghiệp của riêng mình và giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ Tây Nguyên", chị nói.

Ông Long, chị Nhung là những người đang đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Họ là những người nông dân cần mẫn lao động, sẵn sàng tiếp nhận và ứng dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp mới, bền vững và hạnh phúc với công việc của mình.

Không chỉ riêng họ, tính đến năm 2023, Nestlé đã hỗ trợ 21.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê bền vững, triển khai tập huấn cho 355.000 lượt nông dân, phân phối hơn 74 triệu cây giống có năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, giúp tái canh hơn 74.000 héc ta diện tích cà phê già cỗi. Theo đó, thu nhập của người nông dân tăng lên 30 - 100% so với trước khi tham gia NESCAFÉ Plan.

Chuyện của những người nông dân ươm trồng hạt cà phê hạnh phúc- Ảnh 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày