Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên

Song Nam - Clip: Phú Tuấn, Theo Thanhnienviet.vn 23:32 20/08/2024
Chia sẻ

Vẫn luôn có những người thầm lặng dành cả nửa cuộc đời của mình cho từng con thú, hốc đá, tán cây ở Thảo Cầm Viên.

Họ rành rẽ từng hốc đá, tán cây, lối vào chuồng. Họ nhớ từng bé dê, chú hổ với những đặc điểm ngoại hình lẫn tính cách. Họ bón từng thìa thuốc khi chúng chẳng may trở bệnh, hạnh phúc với khoảnh khắc thú con chào đời. Họ được định danh là những người chăm sóc thú nhưng cuộc đời họ gắn với Thảo Cầm Viên Sài Gòn có nhiều chuyện để kể hơn thế.

Clip: Những người lặng thầm ở Thảo Cầm Viên (Nguồn: Phú Tuấn)

Người gắn hơn nửa đời mình với thú dữ

“Dương nó dễ chịu hơn Bình. Bình ngoan nhé con”, ông Hùng nói trong lúc mở cửa sổ nhỏ nhìn vào chuồng.

“Hai đứa nhỏ” ông vừa nhắc là hai chú hổ Bengal đang nằm ngủ dưới tán cây. Ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi) là chuyên viên chăm sóc thú dữ. Năm 18 tuổi, ông Hùng vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn, tức có hơn nửa cuộc đời với bầy thú.

Mỗi sáng, ông đi từng chuồng kiểm tra xem bọn thú đang thế nào. Xong việc, người đàn ông tóc điểm bạc làm vệ sinh các chuồng và làm đầy nước các hồ tắm. Mùi đặc trưng xộc lên khiến vài người trong nhóm tôi khựng lại trong khi ông Hùng vẫn bước vào. Ông đã quen với nó, mùi phân và nước tiểu của nhóm thú ăn thịt.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 1.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 2.
Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Hùng

Hai chiếc xô nhựa được ông chất đầy đùi gà chia cho hổ. Ông gọi tên từng con, hiểu tính con đực háu ăn hơn con cái nên sẽ chuyển thức ăn làm hai đợt. Chúng được xen kẽ thịt bò và gà theo khẩu phần.

Ông Hùng có 40 năm gắn bó với tổ thú dữ. Gọi là thú dữ nhưng với ông, chúng là những con vật có tính cách, có tâm hồn, có thói quen và luôn cần được yêu thương. Ông theo dõi sát sao chúng nếu lỡ con vật có bỏ ăn hoặc gặp vết thương nhỏ. Nói cách khác, ông xem chúng như con mình nên đặt toàn bộ sự cẩn thận, tỉ mỉ.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 4.
Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 5.

Năm ngoái, Thảo Cầm Viên Sài Gòn tổ chức lễ đầy tháng cho Bình và Dương, ông Hùng cảm thấy vui nhất. Khi hổ cái mang thai, họ đã gắn hệ thống camera quan sát từ sân chơi đến chuồng trại. Chúng lớn lên trong sự chăm sóc của hổ mẹ cùng các nhân viên ở đây, trong đó có ông Hùng.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông kể về chúng xưng “bạn à, bạn ơi”. Mỗi lần cho thú ăn, ông gọi tên chúng như Bình, Dương, Nhất. Hàng chục năm ở đây, khó khăn của những lần dọn chuồng trại, quét lá, trông thú, chia thức ăn… gần như đã trở thành thói quen. Ông không cảm thấy cực nhọc mà xem chúng như một phần của cuộc sống mình.

Cuộc đời đáng yêu và đáng sống

Khoảng 10h, bọn trẻ con đã vây kín quầy của bà Lan. Trên chiếc kệ nhỏ, bà để từng khay rau, cà rốt để chúng trải nghiệm cảm giác cho thú ăn. Những em bé òa lên thích thú khi chú dê nhấm nháp từng khoanh cà rốt. Ở chuồng khác, cụ rùa cũng chậm chạp đón lấy lá rau tươi non.

“Các con thấy dê ăn như nào?”, bà Lan cất tiếng. Chục đứa trẻ tranh nhau kể trải nghiệm của mình. Đó là sự thích thú của trẻ con thành thị lần đầu tiếp xúc thế giới tự nhiên. Nơi chúng dễ dàng mường tượng các con vật chúng học trong sách vở, tranh vẽ hiện thực ngoài đời.

Bà Trương Thị Thanh Lan (chuyên viên chăm sóc thú thiếu nhi) thừa nhận đó là giây phút khiến cuộc đời bà chưa từng “già đi” mà ngược lại trẻ hơn với những niềm vui dung dị đó.

Bà Lan vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm việc từ thời còn là một cô gái trẻ với tình yêu động vật. Do đó, bà làm bằng cái tâm của mình. Bà gọi bầy dê bằng “các bé” và đặt tên cho chúng. Một chú dê hiếu động nhất đàn đã được bà gọi là “bông hướng dương của chị Lan”. Bà luôn dỗ dành nó mỗi lần cho ăn.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 6.

Bà Lan kể công việc mình có vui lẫn buồn. Người phụ nữ này sợ nhất là những lần dê đẻ khó do con quá to. Bà nhớ lần đó, mẹ dê kêu rất to, bà lập tức gọi thú y đến xem nhưng dê con đã bị chết ngộp. Bà Lan buồn rười rượi cả tuần liền.

Mỗi sáng, người ta vẫn thấy người phụ nữ đạp xe giữa Thảo Cầm Viên Sài Gòn để di chuyển từ chuồng này sang chuồng khác. Công việc luôn tay, luôn chân, và đôi khi là luôn miệng hướng dẫn những bé nhỏ vào xem thú.

Thi thoảng, bà dắt tụi nhỏ vào chuồng rùa, cho chúng cầm bàn chải nhè nhẹ làm sạch mai của “các cụ”. Nhìn mắt chúng lấp lánh niềm vui, bà biết đã gieo vào chúng hạt mầm của lòng yêu thương và bảo tồn động vật.

Cách đó không xa, ông Đỗ Thanh Hải đang vuốt chú voi to lớn. Ông có 40 năm gắn đời mình với voi – một trong những con vật to lớn nhất Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ông nói do kích cỡ lớn, voi là loài khó chăm sóc. Chúng ăn nhiều, uống nhiều, khi bệnh cũng uống nhiều thuốc và vào nước biển nhiều hơn, thời gian chăm và dưỡng bệnh cũng dài hơn các loài khác.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 7.

Trong số đó, ông rất thương Tom, chú voi 37 tuổi được đưa về từ Đắk Lắk. “Gật đầu chào đi con”, ông Hải nói. Chú voi liền gật đầu, ông thưởng cho nó mẩu bánh mì.

Tom từng là chú voi ốm yếu, bỏ ăn khi mới vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Một tay ông Hải chăm sóc và lo lắng từng khẩu phần ăn cho nó. Rồi Tom cũng dần khỏi bệnh trở nên tươi vui và hòa nhập với bầy. Chú voi cũng rất quấn quýt và nghe lời ông Hải.

Tín hiệu vui của những người đóng góp thầm lặng

40 năm ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn của ông Hải có thể so sánh với một nửa đời người. Trải qua những vui buồn, thăng trầm, ông nói mình vẫn yêu nghề, hết lòng với bầy thú và chưa một ngày muốn rời bỏ công việc này. Chúng làm cho ông thấy cuộc đời này đáng yêu và đáng sống.

Ông Hùng, bà Lan, ông Hải là những người âm thầm góp nên thành công của Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong việc thu hút khách du lịch. Bầy thú khỏe mạnh là một trong những yếu tố khiến người ghé thăm thích thú và an tâm.

Thông tin này được củng cố qua số liệu mới nhất của Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Theo báo cáo tài chính tính đến cuối tháng 6 năm 2024, tổng tài sản của Thảo cầm viên lên tới 859 tỉ đồng, tăng trưởng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, sở thú không có khoản vay nào từ ngân hàng và đang có một số tiền là 63 tỉ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 8.
Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 9.
Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 10.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này đạt 73,5 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức 4,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 12% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn giúp Thảo Cầm Viên hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm Số lượng vé bán ra của Thảo Cầm Viên vượt 881.100 vé, tức mỗi ngày họ đón hơn 4.800 lượt khách. Doanh nghiệp này nộp ngân sách hơn 13,8 tỷ đồng.

Thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 108 triệu đồng cho 6 tháng đầu năm, đã bao gồm tiền thưởng Tết năm 2023 (khoảng 33 triệu đồng) và phần chi trong năm 2024. Như vậy bình quân mỗi tháng, nhân viên Thảo Cầm Viên nhận khoảng 18 triệu đồng. Mức này tương đương với thù lao một số ngân hàng vốn hóa trung bình trả cho nhân viên.

Chuyện của "Ba Hùng", "mẹ Lan" hàng chục năm lo miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú ở Thảo Cầm Viên- Ảnh 11.

Khi con số này công bố trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự thích thú. Bởi lẽ, nó xứng đáng với công sức mà những nhân viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn bỏ ra.

Và khi bạn dạo bước vào Thảo Cầm Viên, trông thấy bầy thú được đặt tên, tổ chức lễ thôi nôi, khỏe mạnh bước đi dưới tán cây, hãy để lại một lời cảm ơn cho những người chăm sóc chúng một cách thầm lặng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày