Ngày cuối năm, ta dành chút thời gian để nhìn lại, hồi tưởng về một năm cũ. Cùng thở phào nhẹ nhõm khi khó khăn đã ở phía sau và lạc quan hướng đến những hy vọng, may mắn trong một năm mới. Trải qua một năm đầy biến động như vậy, ta nhận ra nhiều điều, rằng cuộc sống vẫn phải tiếp tục dẫu bao điều xảy ra, rằng gia đình vẫn luôn là nơi an yên để ta trở về, rằng trong những ngổn ngang nỗi buồn, ta vẫn thấy yêu thương như ánh sáng ấm áp dẫn ta đi qua những mất mát, như chiếc neo vững chắc của tâm hồn ta trước mọi giông bão của cuộc đời.
"Người với người sống để yêu nhau…" Năm cũ của nhiều người, có lẽ chỉ gói gọn trong một câu thơ như vậy.
Những ngày cuối tháng 12, chuyến tàu Bắc Nam chưa thắm cành mai cành đào nhưng đã rộn ràng không khí Tết. Người đi tàu thôi thúc bởi tiếng còi tầm hay nỗi nhớ nhà mà về sớm vậy? Cái Tết của 2021 ngập tràn những bài hát về câu chuyện trở về, niềm mong mỏi của những người con ở xa. Cái Tết của năm 2022, tinh thần ấy vẫn còn vẹn nguyên. Dịch bệnh có thể đẩy con người ra xa nhau bởi khoảng cách địa lý nhưng càng xích lại những yêu thương gia đình.
Ngồi trên chuyến tàu từ Sài Gòn về lại Vinh, Tân háo hức được gặp lại gia đình, dễ cũng từ Tết năm ngoái cậu không về được; phần vì kẹt dịch, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì lo lắng biết đâu mình lại mang dịch về nhà cho cha mẹ. Trong không khí rộn ràng ngày cuối năm, nỗi nhớ gia đình khiến gương mặt cậu rạng rỡ sau lớp khẩu trang. Bồi hồi nhớ cha mẹ, cậu kể:
"Ngày Sài Gòn bùng dịch, ba mẹ ngày nào cũng gọi vào bảo em giữ sức khỏe, ăn uống cẩn thận. Đến khi Vinh cũng có Covid, nỗi lo của ba mẹ có em san sẻ cùng. Chẳng có chuyện gì nhiều nhặn để nói nhưng ngày nào em cũng phải gọi cho ba mẹ, chỉ để hỏi xem "ba mẹ có khỏe không/con có khỏe không?". Một câu "con có khỏe không" em được nghe là một lần muốn bắt xe về ngay với ba mẹ."
Chẳng ai mong dịch diễn ra, nhưng đi qua ngày tháng xa mặt nhưng không cách lòng ấy, người ta chợt nhận ra cuộc sống không đủ đầy nếu thiếu vắng yêu thương. Chúng ta có thể mất việc, có thể bị cắt giảm lương, bữa ăn có thể bớt đi một ít món ăn ngon hay ở trong nhà cả tháng ngột ngạt, bức bối nhưng hãy giữ tròn vẹn những yêu thương để neo giữ vững vàng những bình an, niềm tin và hy vọng, trước những nghịch cảnh, sóng gió. Trưởng thành là khi ta nhận ra cuộc sống của mình chẳng đủ đầy hơn vì tiền bạc hay vật chất; cuộc sống chỉ ý nghĩa khi ta được sống trong yêu thương và gửi trao cho nhau những yêu thương.
Chuyện của Tân là câu chuyện của hàng triệu người Việt, đi gần hay đi xa cũng thiết tha mong được trở về với gia đình. 2021, có những đứa con xa gọi về nhà thường xuyên hơn chỉ để nghe tiếng cha mẹ, có những người mẹ bác sĩ tranh thủ nghỉ giữa ca, nhớ nhà quá gọi về cho con rồi lại sụt sịt khi con hỏi "bao giờ mẹ về?". 2021, phồn hoa nơi phố thị chẳng níu giữ được chân ta khi ở quê xa có gia đình đang mong đợi - thời gian có thể bao dung cho chúng ta nhưng chẳng còn rộng và dài với cha mẹ. Vì còn yêu thương, ta còn mong đợi được trở về.
Một năm cũ khép lại, ta nhận ra cuộc sống xung quanh không hờ hững, xa lạ mà lan tỏa, lấp đầy những ấm áp, ngọt ngào của yêu thương. Yêu thương trong những câu chuyện gia đình, bạn bè, người thân. Yêu thương như từng đợt sóng, vỗ yên đến từng xóm nhỏ, len lỏi trong mỗi con hẻm để ai cũng cảm thấy cuộc đời vẫn đầy rẫy điều tốt đẹp. Từ những ngày mới chớm dịch, những cây ATM gạo như san sẻ bớt gánh nặng cho người lao động. Đến ngày dịch bùng khắp cả nước, đồng bào từ Bắc chí Nam lại kề vai sát cánh, viết lên những câu chuyện tình người đẹp đẽ trong khó khăn: Chuyện người chủ trọ giảm tiền trọ cho nhân viên, chuyện người chú bán rau ai thiếu thì tới lấy, rồi cả chuyện những chuyến xe tình nguyện chở bệnh nhân Covid, chở nông sản về hỗ trợ thành phố, chở bình oxy khắp phố phường Sài Gòn. Những ngày đội ngũ y bác sĩ từ ngoài Bắc vào miền Nam hỗ trợ, yêu thương chẳng còn là chuyện cá nhân mà giờ đây mang tầm vóc dân tộc.
Và bất chợt người ta cũng tự hỏi: Đã bao lâu rồi ta không thương lấy bản thân mình? Đã bao lâu rồi ta không về nhà đúng giờ, ăn cơm đúng bữa, tập thể dục đều đặn, dành vài phút để ngẫm nghĩ, gọi điện thoại về cho người thân hay cho mình một khoảng tĩnh lặng giữa những tháng ngày bận rộn, cuốn mình theo công việc? Yêu thương bản thân nổi lên như một sự thức tỉnh về tinh thần khi dịch bệnh khiến chúng ta đều nhận ra rằng, biến động cuộc sống có thể xảy ra bất cứ lúc nào – khi ta chưa kịp đủ thời gian để thực hiện những ước mơ, dự định còn dang dở.
Nếu 2021 chính là năm để yêu thương những người chúng ta trân quý, yêu thương bản thân mình nhiều hơn.
Chính trong những ngày tháng ấy, người trẻ bỗng nhận ra mình có nhiều nhu cầu chia sẻ và kết nối hơn. Những lời hẹn hò rủ nhau "nào hết dịch mình đi nước ngoài cùng nhau nhé, 2 năm rồi không đi du lịch nhớ quá" thay lời nói "ê tao nhớ tụi bây quá", những câu hỏi thăm "ba mẹ ơi bữa giờ con được anh hàng xóm tặng cho 2 thùng mì tôm lận, nhìn bát mì lại nhớ hồi ôn thi đại học tối nào mẹ cũng nấu mì con ăn" thay câu nói "ba mẹ ơi, con nhớ cả nhà quá, bao giờ mới Tết để con được về". Những tin nhắn hằng đêm của đôi trẻ yêu xa nay bỗng thủ thỉ hơn, tâm tình hơn vì một đoạn voice chat ngập ngừng, "này, em bảo, tự dưng em… nhớ anh ghê."
Vì người ta nhận ra tương lai là một điều bất định, tại sao không cùng nhau tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn trong hiện tại? Sao không dành những phút giây của hôm nay để gửi đi những lời yêu thương cho gia đình, cho bạn bè, cho những người xa lạ. Và cả cho chính mình.
Năm 2021, ta chọn yêu thương làm điểm neo tựa cuộc sống để giờ đây, mỗi người đều đong đầy hàm ơn khi năm cũ đi qua; hàm ơn cuộc sống vì vẫn cho ta thức dậy vào sớm mai, hàm ơn từ những người thân sơ đến người xa lạ, hàm ơn vì ta được yêu thương, hàm ơn bản thân vì đã không bao giờ bỏ cuộc, đã tập yêu chính mình. Những lời hàm ơn ấy, có người gói ghém trong một món quà, người chọn viết lá thư gửi tới "Tôi" của một năm sau, người đăng một bức hình lên Facebook kèm dòng chia sẻ xúc động gửi tới bạn bè hay một dòng tin nhắn dễ thương gửi về nhà cho ba mẹ. Bằng cách này hay cách khác, ta đang gửi đi những thông điệp của yêu thương và hàm ơn tới cuộc sống này.
Vậy đã bao giờ, bạn gửi những yêu thương qua lời nói, vài câu thủ thỉ với gia đình hay một câu chuyện dài thật dài muốn kể cho bản thân nghe? hay chỉ là một lời động viên gửi tới chính mình, cảm ơn và xin lỗi bản thân cho năm qua? Câu chữ luôn dễ dàng để viết ra nhưng không đủ để thể hiện hết cảm xúc, những chất chứa trong lòng; vì trong những lời nói ra, một chút ngập ngừng, một chút lên bổng xuống trầm hay một khoảng im lặng để nghĩ suy cũng gửi gắm nhiều thông điệp. Sức mạnh của lời nói nằm trong chính những điều nhỏ ấy.
Chuyện của năm 2021, hãy cùng Kênh 14 "kể lời yêu thương" cho những gì mà bạn yêu quý và trân trọng trong cuộc sống này. Một câu chuyện yêu thương được gửi trao là một điều tích cực lan tỏa trong cuộc sống. Tham gia cuộc thi "kể lời yêu thương" để gửi gắm những yêu thương, hòa cùng sự ấm áp trong những cảm xúc yêu thương của hàng triệu người và đặt niềm tin đong đầy trong hành trang vào năm mới.
Acecook Việt Nam hân hạnh là đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi "Kể lời yêu thương" nhằm mang đến không gian giúp mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện yêu thương sau một năm đầy biến động thông qua hình thức podcast. Bạn có thể gửi gắm những câu chuyện của bản thân trong năm qua, gửi lời động viên, nhắn nhủ tới người thân bạn bè hay gửi lời chúc đến tương lai, lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng.
Acecook Việt Nam hy vọng "Kể lời yêu thương" sẽ tạo ra một sân chơi gắn kết cảm xúc người Việt trên khắp mọi miền đất nước, giúp mỗi người có dịp nhìn lại một năm cũ đã đi qua và cùng hy vọng cho một năm mới tốt lành, bình an sắp tới.
Hãy truy cập vào Microsite của cuộc thi "Kể lời yêu thương" tại https://keloiyeuthuong.com/ để cùng tìm hiểu về thể lệ cuộc thi cùng vô số giải thưởng hấp dẫn đang chờ đón các bạn.