Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 07:30 05/06/2018

Tại một nhà an dưỡng dành cho người đang hấp hối ở một nhà giam thuộc bang California, người ta thấy một nghĩa cử hết sức cao đẹp. Những tù nhân tự nguyện trở thành y tá để chăm sóc cho những người bạn tù không bao giờ còn cơ hội để làm lại cuộc đời.

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 1.

Một ngày của các tình nguyện viên

Những công việc nhân đạo trong nhà tù

Từ cổ đến khớp tay chi chít toàn hình xăm, Kevion Lyman, một tù nhân, bắt đầu buổi sáng hàng ngày của mình bằng việc thức dậy trên chiếc giường tầng quen thuộc. Người đàn ông mới 27 tuổi này rảo bước dọc hàng lang chính của trại giam, nơi giao nhau giữa các phía của trại, bao gồm bếp ăn và các khu biệt giam dành cho loại tội phạm nguy hiểm hoặc những kẻ tâm thần. Ấn mạnh cánh cửa thép to bản, anh xuất hiện để bàn giao ca làm việc buổi sáng của mình tại nhà an dưỡng cuối đời thuộc trại giam.

Để phân biệt cái "viện dưỡng lão" này với các khu buồng giam biệt lập khác trong khu vực, người ta gắn cho nó những tấm rèm cửa sổ màu trắng. Ở đây thi thoảng phục vụ bia tươi mát lạnh, trên tường đầy những bức họa nổi bật và thậm chí là có một cái cây thông bằng nhựa trang trí bên trong với những dải ruy băng xanh đỏ lấp lánh. Những việc này góp phần làm bầu không khí thêm vui vẻ. Lật tấm rèm che cửa sổ lên, ta vẫn nhìn thấy có song sắt gắn ở đó. Mỗi khi y tá mang xe đẩy đựng các loại thuốc men tới cho người bệnh, luôn có các cán bộ quản giáo túc trực xung quanh. Những tù nhân làm công ở đây bị khám xét và lục soát từ đầu đến chân khi bắt đầu nhận bàn giao và cả lúc tan ca.

Mới gần đây, người ta mới mở thêm 1 sân chơi nhỏ được rào chắn bằng xích sắt dành riêng cho bệnh nhân ở khu an dưỡng, nó được biết đến với biệt danh là "trường đua chó". Tất cả đều đang diễn ra tại Cơ sở y tế California, một nhà tù có an ninh dạng khá tại Vacaville, một thị trấn nhỏ nằm giữa San Francisco và Sacramento. Đây là nơi đang giam giữ số lượng lớn tù nhân cùng với những người mắc phải các vấn đề về sức khỏe hoặc có nhu cầu cần được hỗ trợ đặc biệt. Tổng cộng có hơn 2000 người, bao gồm cả người trẻ, người khỏe mạnh, người ốm yếu, tàn tật và thậm chí là cả những người đang hấp hối chờ đếm từng ngày còn lại của cuộc đời trong khu an dưỡng.

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 2.

Lamerrill Dawson, một bệnh nhân ở khu an dưỡng cuối đời, đang thưởng thức chương trình yêu thích của mình trên ti vi

Vào cuối buổi sáng một ngày tháng 1, Lyman và 2 người đồng sự của mình, Fernando Murillo và Kao Saephanh, nhận nhiệm vụ chuẩn bị nệm giường tươm tất trước khi trải lên đó chiếc ga màu hoa hồng đỏ rực. Họ đang đón chờ 1 vị khách đặc biệt: một gã gầy gò trong bộ trang phục hải quân có tên Jimmy Figueroa. Tìm được một chỗ ngồi chắc chắn bên cạnh mép giường, Figueroa cầm trong tay 1 hộp giấy carton đựng sữa hộp, mút lấy mút để qua phần khe hở nơi y đã từng gẫy mấy chiếc răng. Với làn da rám nắng, mái đầu trọc để lộ phần tóc đen bóng đã bạc màu đã hói đi phần giữa, cùng cặp kính râm Ray-Ban trên sống mũi, trông lão không khác gì một sát thủ cộm cán của băng đảng mafia Italy trong phim cả.

"Tôi nghĩ là chúng ta đã từng hợp tác vài phi vụ rồi đó", y nói với Saephanh.

"Thế sao?"

"Mấy năm trước tôi có bán cho anh vài cái đầu đạn hạt nhân mà. Anh chính là Kim Jong-il còn gì." Figueroa quả quyết, cảm tưởng như y đang mừng rỡ khi gặp lại đồng nghiệp cũ vậy. Nghe giọng cũng không có vẻ gì là đùa cợt thì phải.

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 3.

Kao Saephanh đang cắt tóc cho tù nhân Ernest Marin Jr

Saephanh không kìm được tiếng cười, không quên nháy mắt với đồng sự của mình. Lyman, đứng ngay bên phải anh chàng, vẫn đang cầm trên tay 1 chiếc hộp chào mừng trong đó có vài cuộn giấy vệ sinh, đôi dép lê, một chiếc áo sọc trắng đen quen thuộc và một chiếc chai đựng nước tiểu phòng trường hợp cấp bách. Anh đưa chiếc hộp về phía Figueroa. "Hân hạnh được gặp ông, Big Dog. Cái này là dành cho ông".

"Ông theo tôn giáo gì?", Saephanh hỏi, mắt nhìn vào tờ giấy ghi chú về tù nhân mới.

"Tôi theo 5 tôn giáo liền." Nụ cười trên môi Figueroa bỗng chợt tắt, nhường chỗ cho những cái nhăn trán khi y phải tập trung đếm từng nhánh tôn giáo trên đầu ngón tay.

"Có đạo Hồi này, đạo Công giáo này, đạo Phật, đạo Thiên chúa nữa…"

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 4.

Martinez ngồi trên chiếc ghế cắt tóc tại "Trường đua chó" – sân chơi giải lao dành riêng cho tù nhân tại khu an dưỡng

"Tôi hiểu. Tôi cũng thế mà". Lyman nói, giơ nắm tay đấm lên cao biểu hiện sự đồng ý. "Đây là ti vi của ông nhé?" Anh vừa nói vừa chỉ vào cái đầu thu bằng nhựa ở trên cái tủ quần áo, với hình ảnh tiến sĩ Oz và Donald Trump đang tranh cãi về một vấn đề nào đó.

Murillo liền cúi người xuống và nhìn thẳng vào mặt bệnh nhân. Anh đeo một đôi tất màu nâu vào đôi chân đang đung đưa của Figueroa, trước khi nắn bóp nó 1 cái thật chặt. "Chúng tôi luôn ở đây cạnh ông – nếu ông cần bất cứ thứ gì. Giờ thì hãy nghỉ ngơi 1 chút đi nhé".

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 5.

Michael Watkins, 35 tuổi, đang giúp đỡ một tù nhân tự làm vệ sinh cá nhân

"Tôi nói cho mà biết, đầu tôi có bộ não khủng lắm đấy", Figueroa tự ngợi khen. "Anh có biết trước tôi là ai không? Là con trai Hít-le đấy, tôi từng tham gia rất nhiều dự án quan trọng của chính phủ cơ mà".

Murillo chỉ ân cần đặt bàn tay lên đôi vai gầy guộc của Figueroa, vừa rời đi vừa nói: "Kể cả có là nhà bác học thì cũng cần nghỉ ngơi chứ".

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 6.

Jimmy Figueroa đứng bên chiếc gương trong phòng tắm dành cho nhân viên nhà an dưỡng

Mối quan hệ khăng khít giữa những người tưởng chừng như xa lạ

Viện an dưỡng tại Cơ sở chăm sóc y tế California là viện an dưỡng đầu tiên và duy nhất ở nước Mỹ được cấp phép hoạt động trong một nhà giam tại bang California. Được xây dựng vào năm 1993 nhằm đối phó với cơn đại khủng hoảng AIDS đang lan truyền, cũng như đáp ứng nhu cầu của tù nhân muốn được chăm sóc nhân đạo hơn, ban đầu viện an dưỡng này chỉ bao gồm toàn các bệnh nhân lớn tuổi có tiền sử về một loại các vấn đề sức khỏe khác nhau. Sau đó, cả 17 chiếc giường của viện đang tiếp nhận bệnh nhân thuộc đủ các thành phần xuất thân: từ những ông lão bạc tóc bị hành hạ bởi ung thư giai đoạn cuối, những tù nhân mắc phải căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer, phải cần đến cây gậy để đi lại được, cho đến những người chỉ thích ngồi trên xe lăn xem ti vi hay cuộn tròn run rẩy trong lớp chăn nệm ấm áp.

Tù nhân có độ tuổi trên 55 đang phải thi hành án tại các nhà giam các bang lẫn liên bang là đối tượng có xu hướng tăng nhanh nhất, lên tới 500%, cụ thể năm 2003 chỉ ghi nhận có 26.300 tù nhân cao tuổi thì đến cuối năm 2016, con số đó đã tăng lên thành 164.800 người. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hình sự, chính sự chồng chéo của các đạo luật đã dẫn tới tình trạng trên: do hậu quả của việc tuyên những bản án hà khắc khiến thời gian thi hành án kéo dài, số lượng tù nhân lớn tuổi không ngừng tăng lên trong khi việc thả tù nhân trước hạn hoặc ân xá lại vướng phải nhiều thủ tục lằng nhằng. Kết quả là các nhà tù bang luôn trong tình trạng lộn xộn và náo nhiệt.

Phần lớn các nhà tù không được thiết kế với mục đích trở thành trại dưỡng lão. Cán bộ quản giáo không được trang bị những kỹ năng cần thiết, còn nhân viên y tế lại quá mỏng về nhân sự. Đó là lý do vì sao mà ở Cơ sở chăm sóc y tế California, những tù nhân như Lyman, Saephanh và Murillo phải đảm nhiệm công việc này. Họ là thành phần trong nhóm khoảng 24 thành viên được gọi là Đội ngũ nhân viên phục vụ chăm sóc. Phần nhiều trong số đó là những người bị kết án tù chung thân và được giao cho trọng trách đặc biệt: ở bên người bạn tù của mình trong những giây phút cuối đời của họ.

Không phải dễ để có được 1 công việc tại viện an dưỡng tuổi già. Để được nhận vào làm, Lyman cùng đồng sự phải trải qua một loạt các buổi phỏng vấn cũng như kiểm tra tính kỷ luật. Họ còn phải trải qua 70 giờ huấn luyện về kiến thức tâm lý cơ bản, cũng như mục đích nhân văn của việc chăm sóc người sắp hấp hối, bên cạnh đó là các kiến thức liên quan đến văn hóa giao tiếp lịch sự và mai táng người chết.

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 7.

Saephanh (bên trái) đang trò chuyện với bệnh nhân tên Marin

7 ngày mỗi tuần, đội ngũ nhân viên sẽ đảm nhận các ca làm việc kéo dài từ 10 đến 15 tiếng mỗi ngày, thường thì dài hơn. Đây là một trong những công việc có mức thù lao thấp nhất thế giới, khoảng 15 đến 32 cent mỗi giờ (tức khoảng 3.500 đến 7.000 đồng). Công việc bao gồm chải răng cho bệnh nhân, mát xa khớp chân khớp tay bị tê nhức, đọc truyện, thay lớp chiếu trải giường bị ẩm hoặc hỗ trợ công việc của các y tá.

Trong môi trường nhà giam, lòng tin là thứ gì đó rất xa xỉ, thường thì khi bệnh nhân thú nhận một bí mật nào đó với y sĩ thì chúng sẽ được dùng để phục vụ công tác điều tra phá án thay vì nâng cao sức khỏe tâm lý cho chính bệnh nhân. Với những nhân viên viện an dưỡng, họ đóng vai trò như cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ. Khi vào những giây phút lâm chung, chính những nhân viên này sẽ ngồi túc trực và trông coi bệnh nhân đến khi họ trút hơi thở cuối cùng. Với họ, điều khiến họ cảm thấy tự hào nhất chính là phương châm làm việc hết mình: không để bất cứ tù nhân nào phải chết trong cô độc.

Chuyện cảm động sau song sắt trại giam Mỹ: Những tù nhân chuyên chăm sóc vỗ về người hấp hối - Ảnh 8.

Daren Hatfield (ảnh bên trái), 49 tuổi và hiện là một nhân viên của viện an dưỡng, bên cạnh người bạn thân của mình là bệnh nhân 74 tuổi, Leonard Ramsey

Nhân viên ở viện cố gắng không tìm hiểu hay đào bới sâu về quá khứ của bệnh nhân, rằng trước đây anh ta mắc phải tội trạng gì. Họ lo rằng việc biết quá nhiều thông tin sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc. Khi mà quá khứ tội lỗi của một người bỗng lan truyền trở thành nỗi sợ tới người khác, rất khó để bạn giữ được sự bình tĩnh cũng như ngăn những câu hỏi khỏi xuất hiện trong đầu.

Làm thế nào để bạn có thể giữ được sự trung lập khi phải chăm sóc 1 người từng là kẻ giết người hàng loạt, mặc dù bây giờ người đó chỉ là ông lão già nua ốm yếu bị chứng mất trí hành hạ? Dù chính bản thân các nhân viên cũng đang phải ngồi tù vì lỗi lầm của mình trong quá khứ, điều đấy không có nghĩa là họ sẽ dễ dàng thông cảm cho sai lầm của người khác.

Ngược lại, mỗi nhân viên khi được nhận vào viện lại hết sức thẳng thắn và không hề né tránh khi đề cập đến quá khứ bất hảo của mình. Murillo, nay đã 38 tuổi, có mái tóc dài uốn lượn, nước da xanh như quả ô liu cùng đôi mí mắt rậm rạp. Mỗi khi nhắc về quá khứ trước đây là nước mắt của Murillo cứ tuôn trào. Sinh ra ở Berkeley trong một gia đình nghèo tới mức bố mẹ không đủ tiền để nuôi nấng Murillo, cậu bé buộc phải làm quen với việc ăn cắp vặt tại trường tiểu học để sống qua ngày. Bị bắt nạt và đối xử tàn tệ ở nhà, Murillo quyết định đứng lên phản kháng.

"Thà là một người hùng hổ bặm trợn, còn hơn để người khác nhìn thấy mình là đứa bé thiếu ăn, thường xuyên bị đánh đập và phải sống ở nơi mình không hề mong muốn. Với tôi, sẽ thật dễ dàng nếu được chơi cùng những người sẵn sàng chấp nhận tính tình bạo lực trong con người tôi". Năm 16 tuổi, Murillo bắt đầu xộ khám lần đầu tiên và hiện đang thụ án chung thân vì tội giết người cấp độ 2.

Với Lyman, anh cũng không biết vì sao mình lại lạc vào chốn này. Nhưng có một điều chắc chắn là anh muốn mình được làm việc tại viện an dưỡng, bởi vì lý do đơn giản: "Tôi đã từng mắc bệnh ung thư rồi, nên tôi muốn được giúp đỡ những người không may mắn giống mình".

Ở viện có 1 bệnh nhân tên Lamerrill Dawson, và chính Lyman chứ không phải ai khác mới là người mà Dawson yêu cầu túc trực bên cạnh khi tình trạng của ông trở nên xấu đi. Ông bị chứng mê sảng nặng tới mức bác sĩ lo ngại phải chuyển ông lên bệnh viện tuyến trên. Thế rồi, bằng một cách nào đó, Lyman đã giúp Dawson tỉnh lại. Ông lớn tiếng quát tháo: "Tại sao lại phải trông chừng tôi? Tôi muốn được ngồi trên chiếc xe lăn để hít thở không khí một chút, không được à?".

Ngày hôm sau, khi Lyman quay trở lại công việc thường ngày, anh tiến đến chiếc giường nằm ở góc phải dưới cùng. Dawson nằm đó, bất động với đôi mắt mở to. Lyman lúc đầu chỉ nghĩ rằng ông đang suy nghĩ, nhưng càng về sau thì sự im lặng càng bao trùm. Đâu đó quanh chiếc giường, các y tá đã bày sẵn chiếc túi đen đựng xác. Biết rằng điều này cuối cùng rồi cũng phải đến, Lyman không giấu được sự thất vọng về bản thân, bởi anh không thể đồng hành cùng bệnh nhân của mình trong giây phút cuối đời. Không một nhân viên nào trong viện an dưỡng lại không tự đặt cho mình câu hỏi, rằng khi nào đến lượt chính họ sẽ nằm trên cái giường đen kia, và lúc đó liệu có ai ở cạnh mình không?.

Hôm nay, Lyman được nói chuyện trực tiếp với đứa con trai mới 3 tuổi qua buồng điện thoại. Đứa bé ngô nghê hỏi:

- Bố đang làm gì thế?

- Bố đang làm việc, con trai ạ.

- Không phải, bố đang ở tù mà.

Câu nói bột phát, đau đớn đến mức phũ phàng, nhưng nó cũng nói lên thực tế, rằng Lyman sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại cuộc đời nữa. Nó khiến nét mặt của Lyman như trĩu nặng xuống. Anh cảm ơn con trai, bày tỏ sự yêu thương với đứa bé rồi đặt chiếc ống nghe ngược trở lại. Hôm nay, có một bệnh nhân mới dọn vào ở tại giường của Dawson. Nhiệm vụ của Lyman trong 24 giờ tới là dọn dẹp sạch sẽ để giúp bệnh nhân mới dễ dàng sinh hoạt. Và thế là một ngày mới lại bắt đầu!

Nguồn: New York Times