Chuyện bạo lực học đường ở Hàn Quốc qua lăng kính Penthouse: Bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân muôn đời

Jin, Theo Trí Thức Trẻ 06:40 15/03/2021
Chia sẻ

Muôn kiểu bạo lực học đường được khắc hoạ thông qua lăng kính của Penthouse, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho thực trạng đáng báo động này tại Hàn Quốc.

Trong những ngày gần đây, bạo lực học đường là một trong những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất. Nguồn cơn bắt đầu từ giới giải trí của Hàn Quốc, khi ngày càng nhiều nạn nhân của vấn nạn này đứng dậy tố cáo các nhân vật "máu mặt" của làn sóng Hallyu. Vấn nạn bạo lực học đường đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh nhỏ, tiêu biểu là ở Penthouse, bộ phim này đã lột tả trần trụi và lên án gay gắt thực trạng đáng báo động này ở xã hội Hàn Quốc. 

Penthouse gây choáng ngợp với bối cảnh xa hoa về cuộc sống của tầng lớp thượng lưu, nhưng mặt trái của sự xa hoa là phần "con" lấn át phần "người". Trong siêu phẩm kinh dị Sweet Home, khi con người trỗi dậy sự ham muốn, tham vọng thì sẽ biến thành quái vật. Đây là một phép ẩn dụ có thể được áp dụng ở vũ trụ Penthouse, ở đây các cư dân được ngụy tạo một lớp mặt nạ hoàn hảo với cuộc sống tráng lệ, tuy nhiên ít ai biết được bên trong là sự thối rữa về tâm hồn. Nổi bật trong số đó chắc hẳn là hội Hera rich kids, sinh ra được ngậm thìa vàng, nhưng các cậu ấm cô chiêu này lại lựa chọn hình thức cực đoan để giải trí: bắt nạt bạn bè. 

Công thức "săn mồi" của dàn cậu ấm cô chiêu

Penthouse, nạn nhân là những kẻ thân cô thế cô, ít bạn bè, không có khả năng chống trả. "Con mồi" đầu tiên chính là cô nàng gia sư đáng thương Min Seol Ah (Jo Soo Min). Vì nghèo, ngoại hình không tươm tất nên năm lần bảy lượt bị lũ bạn bạo lực ngôn ngữ. Đã vậy sau khi phát hiện ra sự thật về thân thế của Seol Ah, băng nhóm nhà giàu này còn giam cô vào xe, hết lăng mạ, đánh đập còn có ý đồ mưu sát. 

Chuyện bạo lực học đường ở Hàn Quốc qua lăng kính Penthouse: Bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân muôn đời - Ảnh 1.

Sau Seol Ah, người thế vai bị hại chính là Ro Na (Kim Hyun Soo). Bên cạnh sự ghen tị với giọng hát trời cho của Ro Na là sự tham vọng chiến thắng nhằm đáp ứng kỳ vọng từ gia đình của Seok Kyung và Eun Byul. Họ luôn phải nghĩ ra mọi thủ đoạn để hạ bệ cô bé, thế nhưng đỉnh điểm là ở Penthouse 2, các màn bắt nạt ác độc và vô nhân đạo hơn rất nhiều, thậm chí trực tiếp dẫn đến cái chết của cô bé. 

Chuyện bạo lực học đường ở Hàn Quốc qua lăng kính Penthouse: Bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân muôn đời - Ảnh 2.

Chưa dừng lại ở đó, cô nàng Je Ni (Jin Ji Hee) của hội rich kids cũng là nạn nhân dưới trướng hội bạn thân của mình vì đánh lẻ với Ro Na - kẻ thù của hội. Ở Penthouse 2, tác giả đã để Je Ni - người từng bắt nạt nếm trải mùi vị của kẻ bị bắt nạt. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về vòng lặp nhân quả, rằng bạo lực học đường vốn luôn ở quanh ta và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Chuyện bạo lực học đường ở Hàn Quốc qua lăng kính Penthouse: Bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân muôn đời - Ảnh 3.

Thế giới quan vặn vẹo của kẻ bắt nạt là do đâu?

Vốn được sinh ra trong một gia đình giàu có, thế mà vô hình trung tâm lý hội Hera rich kids đều khiếm khuyết và chịu tổn thương từ bố mẹ. Đầu tiên phải kể đến cặp sinh đôi, Seok Kyung, Seok Hoon thường xuyên bị đánh đập bởi bố. Cô nàng Eun Byul luôn bị mẹ áp lực việc học hành, chịu nhiều cú sốc tâm lý song tình trạng hôn nhân của bố mẹ cũng đổ vỡ. Je Ni và Min Hyuk là 2 thành viên "hùa" theo bạn, mang tâm lý nịnh bợ vì 2 thành viên này vốn xuất thân không bề thế. Thực tế có thể thấy cách giáo dục trong mỗi gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới nhân cách một con người. Những kẻ bắt nạt thường thích hành hạ người khác vì muốn họ nếm trải cảm giác đau khổ giống như mình, hay đơn giản hơn phát sinh từ lòng ghen tị với đối phương. Ngoài ra, nạn bạo lực học đường còn diễn ra ở tuổi teen, một độ tuổi khao khát được thể hiện cái tôi mạnh mẽ.

Thế giới quan bị động của kẻ chịu bắt nạt 

Về phần nạn nhân của bạo lực học đường, trong Penthouse, Min Seol Ah vì kế sinh nhai mà nhẫn nhịn lũ bắt nạt, Ro Na mặc cảm tội lỗi vì mẹ mình gây ra nên cũng nhắm mắt để mọi chuyện trôi qua, Je Ni âm thầm chịu đựng vì không muốn mẹ phải gánh vác gánh nặng thay mình. Tuy nhiên, vì tức nước vỡ bờ nên cô nàng này cũng đã mạnh dạn đứng dậy tố cáo kẻ bắt nạt mình. Trong số 3 nạn nhân, đã có đến 2 người ra đi trước khi kịp tố cáo vấn nạn bạo lực học đường này. Biên kịch lựa chọn tấn bi kịch này ngoài việc tạo cao trào cho câu chuyện còn muốn dùng cái chết của nhân vật để ẩn dụ cho chấn thương tâm lý mà các nạn nhân ngoài đời thật phải gánh chịu: là sự ức chế, là bóng ma tâm lý mà có lẽ còn đáng sợ hơn cả cái chết. 

Thực trạng bạo lực học đường đáng báo động ở Hàn Quốc 

Dựa theo một cuộc khảo sát mới nhất do Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, khoảng 60.000 học sinh của các trường TH, THCS, và THPT cho biết họ từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Con số này là khoảng 1,6% trong số 3,72 triệu học sinh, từ học sinh lớp 4 đến học sinh cuối cấp trung học và khoảng 4,1 triệu học sinh từ lớp 4 đến cuối cấp trung học phổ thông. Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn cho biết bên cạnh bạo lực học đường, bạo lực tâm lý - chẳng hạn như lạm dụng lời nói, bắt nạt nhóm và bắt nạt trên mạng gia tăng đáng kể.

Kết

Trên thực tế, thế giới phim truyện lên án vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc là một bước đệm để các nạn nhân dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực học đường qua mạng xã hội. Đây là một hình thức trừng phạt công khai, thỏa đáng vì hình phạt của pháp luật đối với bạo lực học đường ở Hàn Quốc tương đối lỏng lẻo. Dù vì bất kỳ lý do nào thì hành vi bạo lực này tuyệt đối không nên nhận được sự tha thứ. 

Penthouse 2 lên sóng Ứng Dụng VieON vào mỗi thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Chuyện bạo lực học đường ở Hàn Quốc qua lăng kính Penthouse: Bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân muôn đời - Ảnh 6.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày