Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên "made in China" có thật sự chấm dứt?

Thu Hương, Theo Nhịp sống thị trường 12:14 29/08/2023
Chia sẻ

Lâu nay Trung Quốc vẫn là trung tâm trong chuỗi cung ứng đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ của Apple. Khoảng 80% đối tác sản xuất của “quả táo cắn dở” có dấu ấn ở đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi.

Đều đặn mỗi ngày, từ tờ mờ sáng dòng xe tải và xe bus chen nhau rời khỏi con đường cao tốc để rẽ vào một trong những trung tâm điện tử mới nhất của thế giới đã bắt đầu thành hình. Cách đó vài km, nhiều tốp công nhân vừa làm ca đêm đang rời khỏi nhà máy.

Ở nhà máy bên cạnh, 1 nhà tuyển dụng đang tận tụy hướng dẫn đám đông tập trung ở bên ngoài. Họ là những thanh niên vừa tốt nghiệp cấp 3 đang tìm kiếm cơ hội làm việc cho nhà cung ứng số 1 của Apple – Foxconn Techonology Group. “Khoảng 150 – 200 người đang có mặt tại đây hôm nay và gần như tất cả sẽ được nhận”, 1 nhà tuyển dụng khác nói.

Khung cảnh sinh động ở tỉnh Bắc Ninh là ví dụ cho thấy sự thay đổi to lớn đang càn quét ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, đặc biệt là ở đế chế 3.000 tỷ USD Apple. Căng thẳng Mỹ - Trung đang đe dọa sẽ xé toạc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp mới được Mỹ tung ra để kiềm chế sự trỗi dậy của ngành công nghệ Trung Quốc đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy đáng kể sự dịch chuyển sang các phần khác của châu Á.

Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên made in China có thật sự chấm dứt? - Ảnh 1.

Mỗi năm, Apple đều cập nhật danh sách các nhà cung ứng lớn sản xuất những linh kiện để tạo nên những chiếc điện thoại iPhone, máy tính MacBook và các thiết bị khác. Năm 2022, danh sách này bao gồm 188 công ty.

Dữ liệu được Bloomberg tổng hợp từ hơn 370 nhà cung ứng hé lộ bức tranh toàn cảnh về chuỗi cung ứng mới của Apple. Theo đó, mạng lưới các nhà sản xuất của công ty có trụ sở tại Cupertino, California đang ngày càng chằng chịt hơn, bao phủ các nước đang phát triển nhiều hơn. Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ là những bên được hưởng lợi lớn nhất, cùng với một số điểm nóng khác có quy mô nhỏ hơn đang nổi lên ở châu Á.

Nhiều nhà sản xuất của Mỹ và Nhật Bản đã thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc. Không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là địa điểm tập trung nhiều nhà máy sản xuất thiết bị cho Apple nhất và chắc chắn vẫn là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển đang tăng tốc và không thể bị cản trở.

Chris Miller, tác giả cuốn “Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology” nhận xét: “Apple chính là hàn thử biểu. Apple là một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất và cũng có lợi nhuận cao nhất thế giới. Vì thế, hãng có quyền lực rất lớn trên bàn đàm phán với các nhà cung ứng. Họ có thể tác động đến cách vận hành của nhà cung ứng”.

Cú dịch chuyển lịch sử

Cuộc chiến thuế quan được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đã trở thành 1 cú hích rất lớn thôi thúc Apple dịch chuyển ra bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, thực chất thì Apple đã chuẩn bị từ trước đó rất lâu.

Nhiều công ty đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới khi chi phí nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nước khác đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội, tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia bằng cách tung ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách tiền lương và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.

Đáp lại, Apple và các nhà cung ứng đã đầu tư hàng tỷ USD. Nếu như ở thời điểm năm 2012, số lượng nhà cung ứng liên quan đến Apple hoạt động ở Ấn Độ là số 0 tròn trĩnh thì hiện nay con số đã lên đến 14. iPhone 15 sẽ là mẫu đầu tiên được xuất xưởng trực tiếp từ Ấn Độ. Sau 1 thập kỷ, số lượng các công ty lắp ráp sản phẩm cho Apple ở Việt Nam đã tăng gấp 4 lần.

Ở quê nhà của Apple tức trên đất Mỹ, số lượng nhà cung ứng đã giảm so với 1 thập kỷ trước nhưng vẫn hút được một số khoản đầu tư lớn. Công ty chip TSMC vừa cam kết đầu tư 40 tỷ USD cho 2 nhà máy tân tiến ở Arizona. Theo kế hoạch, nhà máy đầu tiên sẽ chính thức vận hành vào năm 2025.

Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên made in China có thật sự chấm dứt? - Ảnh 2.

Làn sóng dịch chuyển mang tính lịch sử này hứa hẹn sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở bên ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2022 số nhân công làm việc trong ngành điện tử đã đạt 1,3 triệu người, tăng gấp 4 so với năm 2013. Còn ở Ấn Độ, kể từ năm 2018 đã có 1 triệu việc làm được tạo ra trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo Jeffrey Jaensubhakij, CIO quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, chuỗi cung ứng được sắp xếp lại thực sự mang đến cơ hội rất lớn cho những công ty và khu vực địa lý có thể bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, ẩn trong đó cũng có nguy cơ giao hàng chậm hay chi phí bị đội lên nhiều lần do một số địa điểm mới vẫn chưa phát triển bằng Trung Quốc.

“Thách thức đến từ chỗ chuỗi cung ứng vốn rất hiệu quả giờ đây sẽ bị phân mảnh. Chi phí sẽ tăng lên và do đó tiếp tục đẩy tăng lạm phát”, Jaensubhakij nói. Tuy nhiên, những trung tâm sản xuất mới của Apple hiện mới chỉ chiếm phần khá nhỏ trong tổng sản lượng. Cho đến nay chưa ai có thể chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Veena Jha, CEO của công ty tư vấn IKDHVAJ Advisers, nhận định mặc dù Trung Quốc có những lợi thế mà Ấn Độ chưa thể bắt kịp ngay lập tức, có lẽ giá bán lẻ iPhone sẽ không thay đổi nhiều. Về dài hạn, giá sẽ ngang bằng với Trung Quốc.

Mặt khác, phụ thuộc quá nhiều vào duy nhất Trung Quốc cũng mang đến nhiều rủi ro. Trong suốt thời kỳ Covid, chính sách phong tỏa ngặt nghèo của Trung Quốc đã khiến nguồn cung mọi mặt hàng từ điện thoại đến xe hơi bị gián đoạn. Ở “thành phố iPhone”, hàng trăm nghìn công nhân phải ở trong ký túc xá trong một thời gian dài và cuối cùng dẫn đến xung đột. Có lẽ đó chính là “giọt nước tràn ly” đối với các nhà sản xuất. Chưa kể đến những chính sách cấm vận “ăn miếng trả miếng” trên mặt trận công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đầu tư hàng tỷ USD

Những công ty đến từ đảo Đài Loan (Trung Quốc) vẫn thống trị chuỗi cung ứng của Apple và vẫn chủ yếu hoạt động tại các nhà máy khổng lồ được đặt ở đại lục. Tuy nhiên, họ cũng rót hàng tỷ USD cho các dự án mới ở bên ngoài. Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên được hưởng lợi từ động thái đa dạng hóa này, mặc dù cả Foxconn và Pegatron đều có kế hoạch đầu tư lớn ở Ấn Độ.

Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên made in China có thật sự chấm dứt? - Ảnh 3.

Nhà máy của Foxconn và Luxshare ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg

Bên cạnh những cánh đồng lúa ở Bắc Giang, khu phức hợp tỷ đô của Foxconn dự định sẽ sản xuất ra những chiếc MacBook đang dần thành hình trên mảnh đất có diện tích bằng 93 sân bóng đá tiêu chuẩn. Những khoản đầu tư lớn như vậy tạo ra hiệu ứng kinh tế rất lớn. Danh sách các nhà cung ứng của Apple ở Việt Nam bao gồm 25 công ty, nhưng đã có hơn 300 nhà thầu phụ mở nhà máy tại Bắc Giang, theo ông Đào Xuân Cường, trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh.

Các công ty Trung Quốc như GoerTek (công ty lắp ráp AirPods) và BYD (vận hành 1 nhà máy lắp ráp iPad) đang mở rộng hoạt động ở miền Bắc. Điều này phản ánh 1 thực tế mà các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt: khi Washington tìm cách kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, tốt nhất là đặt nhà máy ở những địa điểm gần như không có rủi ro địa chính trị.

Việt Nam đã thu hút các công ty công nghệ bằng những ưu đãi về thuế và thuê đất miễn phí. Các lãnh đạo tỉnh trực tiếp liên lạc với lãnh đạo Apple bằng điện thoại cho dù đó là nửa đêm. Các nhà máy sẽ được cấp đất để xây chỗ ở cho công nhân.

Tất cả những nỗ lực này đã đem lại quả ngọt. Ngành điện tử chiếm tỷ trọng 32% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái, cao gấp đôi so với 1 thập kỷ trước.

“Về mặt kinh tế, đây là động lực tăng trưởng quá tiềm năng mà không quốc gia nào có thể bỏ qua. Đó là cơ hội chỉ có 1 lần trong đời”, Sonal Varma, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Nomura Holdings nói.

Mới chỉ là khởi đầu

Trong khi đó Ấn Độ đang đặt Apple ở vị trí trọng tâm để hiện thực hóa tham vọng trở thành Trung Quốc thứ hai – 1 trung tâm sản xuất được hậu thuẫn bởi thị trường nội địa khổng lồ.

Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên made in China có thật sự chấm dứt? - Ảnh 4.

Tim Cook bắt tay 1 khách hàng tại sự kiện khai trưởng cửa hàng Apple đầu tiên ở Ấn Độ hôm 18/4/2023. Ảnh: Indranil Aditya/Bloomberg

Đầu năm nay, CEO Tim Cook đã tái khẳng định cam kết đầu tư vào quốc gia đông dân nhất thế giới trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi đã làm tốt công việc thúc đẩy mối quan hệ này, với các chính sách hỗ trợ tài chính đặc biệt cho các nhà cung ứng và áp mức thuế nhập khẩu rất cao cho những công ty không sản xuất ở trong nước.

Hiện khoảng 7% tổng sản lượng iPhone được sản xuất ra tại Ấn Độ, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Ấn Độ cũng đã tăng gấp 4 so với năm 2014, lên 24 tỷ USD trong năm ngoái.

Tất cả mới chỉ ở điểm khởi đầu. Tập đoàn Tata Group đang mua lại nhà máy sản xuất iPhone từ Wistron Corp, coi đó là bước đệm quan trọng để trở thành 1 ông lớn trong ngành này. Hồi tháng 8, Foxconn công bố kế hoạch xây nhà máy ở tỉnh Karnataka.

Vị thế vững vàng của Trung Quốc

Sẽ là sai lầm khi nhận định Trung Quốc sẽ sớm mất đi vị thế trung tâm sản xuất chính.

Các nhà cung ứng đang giảm sự hiện diện ở đây. Kể cả những công ty Trung Quốc như Luxshare Precision Industry cũng đang xây thêm nhà máy ở nước ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc đó cũng có thêm nhiều công ty Trung Quốc gia nhập danh sách. Họ sản xuất mọi thứ, từ màn hình đến vỏ hay pin và bảng mạch. Chip là lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc yếu thế hơn.

Chuỗi cung ứng của Apple đang được vẽ lại ở Việt Nam và 1 quốc gia châu Á: Liệu kỷ nguyên made in China có thật sự chấm dứt? - Ảnh 5.

Nhiều năm nay, những nhân vật kỳ cựu trong ngành từ Terry Gou (nhà sáng lập Foxconn) đến Morris Chang (nhà sáng lập TMSC) đã cảnh báo chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ bị phân mảnh vì căng thẳng Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đơn giản là không thể sao chép 1 chuỗi cung ứng gồm hàng nghìn công ty, hàng triệu công nhân và bao phủ gần như mọi cực của thế giới chỉ trong thời gian ngắn.

Những nhà máy khổng lồ như iPhone City của Foxconn có thể hoạt động ở quy mô lớn đến vậy là vì họ nhận được rất nhiều ưu đãi từ các chính quyền địa phương của Trung Quốc. Rất khó để thế chỗ những nhà máy lớn bằng cả thành phố như vậy.

Tuy nhiên, chắc chắn là số “miếng bánh” được chia cho những nơi bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng lên. Hiện quy mô và mức độ của cuộc di cư đó chưa rõ ràng, nhưng vẫn có rất nhiều tín hiệu đáng mừng đối với các chính trị gia ở cách trụ sở của Apple cả nửa vòng trái đất.

Tham khảo Bloomberg

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày